Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến thôn Phù Ích, ngay từ đầu thôn loa phát thanh tại nhà văn hóa đang ra rả phát thông báo nộp tiền cùng với lời đe: “Nếu không đóng nộp, thôn sẽ từ chối tất cả hoạt động giao dịch, đặc biệt liên quan đến các loại giấy tờ”.
Ông Nguyễn Phúc Tiến trình bày sự việc |
Đến hẹn lại lên, khi mùa vụ kết thúc cũng là lúc gia đình ông Hồ Phúc Tiến nhận được giấy thông báo của thôn và xã về các khoản phí dịch vụ mà gia đình ông phải đóng nộp trong năm nay. Thế nhưng, ông gần như choáng váng khi số tiền phải nộp lên đến gần 5 triệu đồng, trong đó tiền dịch vụ năm 2017 là 803.000 đồng, tiền thu nợ các khoản từ năm 2016 về trước 3.802.000 đồng, đáng chú ý là có thêm khoản lãi 228.000 đồng (1%)
Nói về khoản nợ từ năm 2016 về trước, ông Tiến bức xúc: “Vợ trước của tôi mất năm 2012, đến năm 2014 tôi lấy vợ mới quê ở xã Thuần Thiện (huyện Can Lộc). Do một vài lý do nên bà ấy cứ đi đi về về chứ chưa chuyển hẳn về đây và cũng chưa nhập hộ khẩu về xã.
Vì chủ yếu đang sinh hoạt ở xã Thuần Thiện nên vợ tôi đã đóng nộp đầy đủ các khoản dịch vụ bên đó, có hóa đơn và có giấy xác nhận của UBND xã Thuần Thiện. Thế nhưng, thôn Phù Ích vẫn truy thu các khoản đó tại đây. Tôi thấy việc thu này quá vô lý nên không nộp mà không nộp thì cán bộ thôn tính lãi 1% theo từng mùa vụ và không ký bất cứ giấy tờ gì cho tôi”.
Cũng theo ông Tiến, “khoảng hai tháng trước, tôi nghe tin Nhà nước có chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp nước bạn Lào theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì trước đây tôi có tham gia chiến tranh ở biên giới Tây Bắc nên làm hồ sơ nộp lên xã. Xã yêu cầu phải có giấy xác nhận của cán bộ thôn. Khi tôi đưa hồ sơ trình bày với thôn thì cán bộ thôn bảo chưa đóng nộp đầy đủ nên không ký xác nhận. Đến nay, chế độ của tôi vẫn chưa được giải quyết”.
Là gia đình có công với cách mạng (cha và anh trai đều là liệt sỹ, mẹ được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng) nhưng gia đình ông Nguyễn Xuân Trúc vẫn không được miễn bất kỳ khoản đóng nộp nào. Trong căn nhà cấp 4 xiêu vẹo, ông Trúc đang nằm trên giường với chân phải bó bột sau vụ tai nạn.
Không nén nổi tiếng thở dài, ông Trúc chia sẻ: "Gia đình tôi có 3 khẩu, năm nay tôi nhận được thông báo nộp dịch vụ với tổng số tiền hơn 1,5 triệu đồng. Điều đáng nói, trong số tiền đó có cả khoản tiền của con trai tôi, Nguyễn Ngọc Hải. Thằng Hải đi bộ đội rồi lập nghiệp trong Nam đã 20 năm nay nhưng thôn vẫn thu các khoản dịch vụ của nó như một nhân khẩu sinh sống trên địa bàn. Một năm nó về một lần, thậm chí vài ba năm mới về một lần mà vẫn thu tiền điện sáng và tiền làm đường giao thông của nó thì có chấp nhận được không?”.
Chậm nộp phí sẽ tính lãi suất 1% |
Cố nghiêng người để nhấp một ngụm nước, ông Trúc kể tiếp, con trai đầu của ông là Nguyễn Xuân Dương lấy vợ là Nguyễn Thị Soa (quê ở xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên) nhưng chưa nhập khẩu về gia đình chồng. Hai mẹ con vẫn sống tại quê ngoại và đóng nộp đầy đủ nghĩa vụ tại xã Cẩm Hà nhưng thôn Phù Ích vẫn thu như một nhân khẩu tại xã.
“Khi thôn thông báo tôi đã trình bày mọi việc nhưng thôn yêu cầu phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi con dâu tôi đang sinh sống. Xin được giấy về thì cán bộ thôn lại bảo đã lấy chồng về đây thì phải đóng nộp tại xã. Không nộp thì thôn “treo” nợ và tính lãi, xin giấy tờ gì cũng không ký. Mấy lần tôi lên xin giấy tờ miễn giảm học phí cho cháu (đang sống cùng ông Tiến) xã yêu cầu phải về thôn xác nhận, về thôn thì thôn không ký với lý do chưa đóng nộp nghĩa vụ đầy đủ”.
Tuy nhiên, điều khiến ông Trúc bức xúc hơn là gia đình ông thuộc diện chính sách, vợ lại mất sớm, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng chưa từng được miễn, giảm bất kỳ khoản thu nào. Thậm chí nếu nộp chậm còn bị thôn treo nợ và truy thu lãi.
Để làm rõ phản ánh của người dân, chúng tôi tìm gặp ông Hồ Ngọc Thắng, Trưởng thôn Phù Ích. Tuy nhiên, ông Thắng yêu cầu phải có giấy giới thiệu của UBND xã mới trả lời. “Chúng tôi không thuộc lĩnh vực Nhà nước, là cấp dưới chúng tôi phải thực hiện theo cấp trên”, ông Thắng cho biết.
Giấy xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tại xã Cẩm Hà nhưng thôn Phù Ích vẫn truy thu |
Tiếp tục làm việc với UBND xã Ích Hậu thì được ông Nguyễn Xuân Quân, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trường hợp đã kết hôn nhưng chưa về đây ở thì không thể thu được, nhưng đã về đây ở mà không nhập khẩu thì sẽ bị xử lý theo luật cư trú”.
Khi chúng tôi hỏi về trường hợp của anh Hải (con ông Trúc) thì ông Quân cho biết: “Quy định của xã là đi làm ăn từ 11 tháng trở lên thì không được thu bất kỳ khoản nào. Đối tượng thu ở xã quy định từ 1 tháng tuổi đến 69 tuổi. Còn đối với anh Hải do vẫn có 2 sào ruộng ở đây nên chỉ thu tiền ruộng, còn tiền điện thắp sáng và đường giao thông thì không được thu”.
Khi thấy chúng tôi chuẩn bị đưa ra các bằng chứng cho thấy, anh Hải vẫn phải nộp tất cả các khoản dịch vụ mà không được miễn bất kỳ khoản nào thì ông Quân liền đứng dậy và bảo “tôi đang bận”.
Rời khỏi xã Ích Hậu, chúng tôi không khỏi băn khoăn với nhiều câu hỏi chưa được trả lời, nhất là cách làm việc của ông Chủ tịch xã khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có sự tiếp tay của chính quyền xã trong việc thu chi của thôn Phù Ích hay không?
Chúng tôi cùng người dân làm một phép tính: 1 nhân khẩu được chia 1,5 sào ruộng, mỗi vụ thu hoạch được 2,5 tạ lúa, tính theo giá thị trường 530.000/tạ thì được gần 1.300.000 đồng. Trong khi đó chí phí sản xuất hết hơn 800.000 đồng. 1 khẩu phải nộp phí dịch vụ cho xã và xóm là 300.000 đồng. Như vậy, 1 nhân khẩu chỉ còn lại 200.000 đồng/vụ. “Đó là tính khi được mùa chứ năm nay cấy giống lúa Thiên ưu 8 mất trắng, gia đình tôi vừa thu hoạch xong thì nhận được giấy thông báo nộp tiền, không xoay xở kịp. Không nộp thì thôn tính lãi, nộp thì không biết lấy tiền đâu ra”, một người dân thở dài. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn