Nguồn gốc đất phi pháp
Theo hồ sơ lưu tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy Đức, ông Nguyễn Văn Việt, trú tại bon Bu Prăng I, xã Quảng Trực, đã được cấp quyền sử dụng đối với 2 lô đất tại bon Bu Sóp, xã Quảng Trực. Lô thứ nhất, có diện tích hơn 7,5 ha, thuộc thửa 31, tờ bản đồ độc lập và lô thứ hai có diện tích 2.203m2, thuộc thửa 28, cũng nằm ở tờ bản đồ độc lập. Cả 2 lô đất này đều được UBND huyện Tuy Đức cấp quyền sử dụng cho ông Việt vào ngày 24/12/2010.
Mặc dù vậy, làm việc với phóng viên Báo Đắk Nông, ông Nguyễn Văn Việt khẳng định không hề biết gì về 2 lô đất nói trên. “Tôi không có 2 lô đất như thế. Cái đó là do người có đất lấy tên tuổi của tôi để làm “sổ đỏ” chứ tôi làm gì có đất”, ông Việt quả quyết.
Hơn 7,5 ha đất thuộc thửa 31 đã được chủ đất xây dựng công trình, trồng cây nông nghiệp |
Lý giải về nguyên nhân bỗng nhiên có 2 “sổ đỏ”, ông Việt cho biết: Vào năm 2010, một cán bộ ở huyện Tuy Đức (ông Việt không tiết lộ tên tuổi) có mượn sổ hộ khẩu của gia đình ông và nói là để làm thủ tục về đất đai. Vì là cấp trên và “chỗ quen biết”, nên ông đã cho mượn. Sau 3 ngày, vị cán bộ huyện đã trả lại sổ hộ khẩu cho gia đình ông Việt. Ông Việt nhận định: “Có thể do nguồn gốc đất bất hợp pháp, nên chủ đất đã mượn tên tôi để làm “sổ đỏ” nhằm tránh ảnh hưởng đến uy tín cá nhân”.
Trong đơn đề nghị cấp quyền sử dụng đất vào ngày 20/9/2010, đối với lô đất 7,5 ha nói trên, thông tin về nguồn gốc đất được kê khai là: khai hoang từ năm 1994. Đối chiếu trên bản đồ, lô đất này trước đây nằm trong tiểu khu 1456, thuộc lâm phận của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Quảng Trực).
Trong giai đoạn từ năm 1994-2005, tiểu khu 1456 đều là rừng tự nhiên. Sau năm 2005, nhiều khu vực rừng thuộc tiểu khu này đã bị mất. Do đó, đến năm 2008, một phần của tiểu khu 1456 (gồm cả khu vực được cấp “sổ đỏ” cho ông Việt) đã được UBND tỉnh giao về cho UBND huyện Tuy Đức quản lý. Như vậy, nguồn gốc thửa đất số 31 được cấp cho ông Việt chính là rừng tự nhiên do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tây Nguyên quản lý chứ không phải do khai hoang.
Phóng viên Báo Đắk Nông đã về Quảng Trực để tìm hiểu nguồn gốc của lô đất thuộc thửa 28 được cấp “sổ đỏ” cho ông Việt. Lô đất này có địa thế đẹp, bằng phẳng và tiếp giáp với quốc lộ 14C đoạn qua bon Bu Sóp, xã Quảng Trực.
Theo khẳng định của nhiều người dân địa phương, lô đất này trước đây là của gia đình ông Điểu Thân, trú tại bon Bu Sóp. Ông Điểu Thân cũng khẳng định, gia đình ông là dân bản địa, sinh sống tại bon Bu Sóp từ trước năm 1975. Lô đất thuộc thửa 28 trước đây là một phần trong khu đất được gia đình ông khai hoang, sử dụng ổn định vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Đến năm 2010, một cán bộ (ông Điểu Thân không nêu tên cụ thể) ở huyện Tuy Đức đã tự ý bao chiếm toàn bộ khu đất này của gia đình ông. Vì bản thân là một viên chức, trong khi người chiếm đất lại là một lãnh đạo cấp trên, nên ông Điểu Thân đã chấp nhận chia một nửa khu đất (khoảng 100m mặt đường quốc lộ 14C) cho vị cán bộ đó. Sau khi chia đất, hai bên đã thỏa thuận không tranh chấp của nhau và đóng một dãy cọc bê tông để làm ranh giới giữa hai lô đất.
Đến năm 2014, gia đình ông Điểu Thân bán diện tích đất còn lại cho ông Hồ Thiện Đức và ông Bùi Đình Hùng, đều trú tại bon Bu Sóp. Năm 2015, ông Đức và ông Hùng đã làm nhà ở trên diện tích đất này. Mặc dù vậy, năm 2016, ông Đức và ông Hùng phát hiện toàn bộ diện tích đất mua của ông Điểu Thân đã được UBND huyện Tuy Đức cấp “sổ đỏ” cho… ông Nguyễn Văn Việt.
Thửa đất số 28 được cấp "sổ đỏ" chồng lên đất của gia đình ông Hồ Thiện Đức và ông Bùi Đình Hùng |
Kế “ve sầu thoát xác”
Quá trình tìm hiểu vụ việc, phóng viên Báo Đắk Nông phát hiện bằng chứng chủ đất đang tìm cách hợp thức hóa 2 lô đất nói trên. Chủ đất đã làm giả một bộ hồ sơ nhằm chuyển quyền sử dụng đất của ông Việt thành của mình. Trong hồ sơ có làm giả hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất.
Cụ thể, hợp đồng được lập vào ngày 23/7/2013, bên chuyển nhượng là ông Nguyễn Văn Việt, bên nhận chuyển nhượng là bà Nguyễn Thị Ánh (được cho là người nhà của chủ đất), địa chỉ tại thôn 2, xã Đắk Búk So (Tuy Đức). Giá trị chuyển nhượng 2 lô đất ghi trong hợp đồng là 700 triệu đồng và đã được UBND xã Quảng Trực chứng thực. Tuy nhiên, trong hợp đồng, chữ ký của bên chuyển nhượng đất là ông Nguyễn Văn Việt và vợ là bà Trần Thị Lâm đã bị giả mạo.
Về điều này, ông Nguyễn Văn Việt xác nhận: “Chúng tôi chưa bao giờ ký hợp đồng chuyển nhượng đất cho người nào có tên Nguyễn Thị Ánh. Các chữ ký trong cái hợp đồng đó cũng không phải của hai vợ chồng tôi”.
Bộ hồ sơ chuyển nhượng đất giữa ông Việt với bà Ánh đã hoàn chỉnh và đã được chuyển cho cơ quan thuế. Đến nay, chỉ cần chủ đất đóng thuế chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển nhượng 2 lô đất nói trên được hoàn tất. Nếu vậy, kế “ve sầu thoát xác” mà chủ đất áp dụng để “phù phép” cho 2 lô đất sẽ thành công mỹ mãn. Ở đây cũng xin được nói thêm, cả hai lô đất đều nằm ở vị trí đẹp, giáp mặt đường. Hiện nay, tại lô đất thuộc thửa 31, chủ đất đã tiến hành canh tác, trồng nhiều loại cây nông nghiệp, xây dựng công trình chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Vào thời điểm năm 2010, đất đai tại bon Bu Sóp hầu như chưa được quy hoạch, giải thửa, nên việc đo đạc, thống kê chỉ dựa trên tờ bản đồ độc lập. Chính vì vậy, hai lô đất nói trên được cấp “sổ đỏ” vào năm 2010 cũng để lại nhiều ngờ vực trong dư luận nhân dân trên địa bàn, nhất là câu hỏi về chủ nhân của 2 lô đất.
Báo Đắk Nông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong số báo tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Việt được đề nghị cấp 4 lô đất Tại tờ trình số 17/Tr-UBND ngày 19/10/2010 của UBND xã Quảng Trực, ông Nguyễn Văn Việt được đề nghị cấp 4 lô đất. Cụ thể, ngoài 2 lô ở thửa 28 và thửa 31, các lô thuộc thửa 27 và 29, tờ bản đồ độc lập cũng được đề nghị cấp cho ông Việt. Tuy nhiên, tại Quyết định số 2037/QĐ-UBND ngày 24/12/2010, UBND huyện Tuy Đức chỉ phê duyệt cấp cho ông Việt 2 lô thuộc thửa 28 và 31. |
Theo Báo Đắk Nông
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn