3 mảnh đời khốn khổ mà chúng tôi muốn nói đến là cụ Trần Thị Năm (trú ở thôn 12, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Cụ Năm hiện đang chăm người chồng bệnh tật Phan Xuân Phương và con trai tàn tật Phan Văn Thia.
Cụ Năm kể, ngày trước lập gia đình vì bên nội ngoại không có điều kiện nên 2 vợ chồng ra dựng căn nhà nhỏ cùng nhau làm mấy sào ruộng khoán. Tuy cuộc sống vất vả nhưng vợ chồng bà luôn yêu thương nhau.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, 2 vợ chồng cụ Năm đều đi dân công hỏa tuyến phục vụ đất nước. Khi kết thúc chiến tranh, 2 vợ chồng cụ Năm về quê làm nông nghiệp để mưu sinh.
Gia đình cụ Năm sinh được 6 người con, 3 trai, 3 gái. Vì ở nhà không có nghề nghiệp ổn định nên ngoài anh Thia, tất cả đều vào miền Nam đi làm thuê. Cuộc sống khó khăn nên thi thoảng cụ Năm mới được con cháu gửi ít tiền quà.
Năm 2002, ông Phương - chồng cụ Năm bất ngờ đổ bệnh não. Do gia đình nghèo nên ông Phương không có điều kiện đi viện chữa trị khiến bệnh ngày càng nặng.
Gần như 10 năm nay, cụ Phương chỉ nằm 1 chỗ trên giường chịu đau đớn của bệnh tật. Tất cả mọi sinh hoạt và ăn uống đều nhờ tay cụ Năm chăm sóc. Thỉnh thoảng ông Phương vẫn cố gắng ngồi dậy để tránh bị hoại tử bộ phận cơ thể.
Còn cậu con trai út Phan Văn Thia khuyết tật, mất khả năng lao động 12 năm nay khiến cuộc sống gia đình cụ Năm vốn nghèo khó nay lại càng đói rách.
“Năm 2004, thằng Thia nó đi làm về thì bị tai nạn. Nằm viện cả năm trời cũng may cứu được mạng sống nhưng giờ không làm được gì. Cái chân nó bị tật, tay trái thì không cử động được”, cụ Năm sụt sùi.
Cụ Năm bảo, năm 18 tuổi, Thia tảo hôn với cô con gái lớn hơn 1 tuổi cùng làng. Cưới xong 2 vợ chồng dắt nhau vào miền Nam làm việc và sinh được 2 đứa con trai giờ đã học lớp 8 và 11.
Thế nhưng, đời không như mong đợi khi lúc anh Thia gặp tai nạn tàn phế cũng là lúc vợ anh Thia chê khổ nên khăn gói đưa 2 con về ngoại sinh sống. Nhiều năm, vợ anh Thia cắt đứt liên lạc và không ngó ngàng gì đến chồng, cha.
“Thằng Thia có căn nhà nhỏ lợp Pro-xi-măng đó nhưng nó bệnh tật nên qua ăn và ở với tôi. Vợ nó thì bỏ đi lúc thằng Thia gặp nạn. Nếu nó không bị tai nạn thì chắc vợ không bỏ nó đâu”, cụ Năm buồn bã nói.
Lâu nay do tuổi già sức yếu, chồng thì bệnh còn con thì tật nên cụ Năm phải trả mấy sào ruộng khoán lại cho xã vì không ai đủ sức làm. Hàng ngày, cụ Năm chỉ trồng mấy luống rau mang ra chợ bán kiếm tiền.
Nhưng rồi số tiền kiếm cũng chẳng đủ mua thuốc cho chồng và con. Cuộc sống gia đình cụ Năm lại lay lắt qua ngày đoạn tháng.
Ngày nào bán được nhiều rau thì cụ Năm mua mớ cá vặt, cá mương về nấu cho chồng con ăn. Ngày rau không có bán, cụ Năm lại lôi hộp ruốc mắm mặn chát lâu năm ra chan để cả gia đình ăn qua bữa.
Bữa cơm trắng hun lá phi lao lúc khê lúc nhão với chút mắm tôm và vài con cá vặt nhưng mấy cha con, mẹ con cụ Năm vẫn nhường nhau dành bữa sau vì sợ hết.
Trong gian nhà cấp 4 xập xệ của cụ Năm, tài sản không có gì đáng giá ngoài mấy chiếc giường, tủ cũ. Đến cả chiếc tivi gia đình cụ Năm cũng không có mà xem.
Trong nhà lỉnh kỉnh đồ đạc không tên và cũng chẳng có gì đáng giá.
Trong gian nhà sụp sệ, đói khổ ấy, người mẹ già ngoài 80 tuổi, lưng đã còng nhưng vẫn thấp thỏm thức khuya dậy sớm lo từng bữa cơm, bát cháo loãng cho chồng và con tàn tật của mình.
Nằm liệt trên giường lâu nay, cụ Phương thều thào: “Khổ lắm chú ơi, tôi thì đau ốm không làm gì được, thỉnh thoảng ngồi dậy cho đỡ hoại tử. Còn con thì tàn tật, bà nó thì già rồi chẳng biết cuộc sống mai này sao đây”.
Ngày chúng tôi đến chơi nhà đã 28 Tết, thế nhưng nhà cụ Năm cũng chưa có thay đổi gì so với ngày thường. Cụ Năm bảo, Tết cũng như thường, đêm Giao thừa làm mâm cúng là xong.
Thay mặt các nhà hảo tâm, PV đã trao tặng gia đình cụ Năm số tiền 2.550.000 đồng. Đây là số tiền của các nhà hảo tâm quyên góp qua báo điện tử Trí Thức Trẻ, gửi tặng đến gia đình cụ Năm.
Nói đến mong ước năm mới, cụ Năm đưa ánh mắt hướng ra ngoài sân nhìn xa xăm rồi bảo: “Già rồi, chẳng mong gì ngoài mong có sức khỏe để chăm chồng, chăm con chú ạ”.
Trao đổi với PV, ông Phạm Thái Tứ - Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm cho biết, gia đình bà cụ Năm thuộc diện khó khăn nhất của xã.
"Nhà nghèo nên những ngày lễ, Tết, chính quyền địa phương đều thăm hỏi, tặng quà. Vừa rồi theo chính sách, anh Thia được hỗ trợ 1 con me để nuôi. Mong rằng các nhà hảo tâm tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ gia đình cụ Năm nhiều hơn nữa", ông Tứ nói.
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn