Rơi nước mắt trước cảnh bố ung thư chăm con viêm não

Chủ nhật - 29/04/2018 21:35
Đã 5 năm nay, anh Đỉnh bị ung thư tinh hoàn tiền liệt tuyến, thật trớ trêu thay khi gần một năm qua, cô con gái đang là sinh viên năm cuối đại học bất ngờ bị bệnh viêm não phải nằm viện điều trị. Hình ảnh người bố bị ung thư chăm con bên giường bệnh khiến bao người phải rơi nước mắt.


 

Bố ung thư chăm con viêm não

Từ thông tin của người nhà bệnh nhân cùng chung phòng bệnh, chúng tôi đến Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Đồng cảm với nỗi khổ và mong muốn giúp đỡ được hoàn cảnh, những người “cùng cảnh ngộ” đã dẫn chúng tôi vào phòng bệnh 305. Trong góc phòng kê sát bờ tường là hình ảnh người đàn ông ngồi bên cô con gái đang nằm trên giường với thân hình khẳng khiu, đang quằn quại vì đau đớn.

Người đàn ông ngồi đó là anh Đỗ Ngọc Đỉnh (53 tuổi), ở thôn Thổ Tân, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống. Anh Đỉnh chăm cô con gái mình là em Đỗ Thị Liên (SN 1994). Đã gần một năm nay, Liên gần như không được ở nhà mà thường xuyên gắn liền với chiếc giường bệnh.

Anh Đỉnh đau đớn khi chứng kiến con gái mình quằn quại trên giường bệnh

Gặp chúng tôi, anh như cố nở nụ cười trên khuôn mặt khắc sâu bao nỗi đớn đau, vất vả, nhưng rồi giọng anh nghẹn lại như đang kìm nén cảm xúc của mình: “Cách đây 5 năm về trước, tôi bị ung thư tinh hoàn tuyến tiền liệt, phải điều trị ở Bệnh viện K một thời gian. Hiện nay cứ 3 tháng phải đến bệnh viện khám và lấy thuốc một lần”.

Vừa nói chuyện, anh vừa chỉnh lại tư thế cho cô con gái mình: “Cháu nó đang là sinh viên năm cuối của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nếu như bình thường, ăn Tết vừa rồi xong là cháu nó tốt nghiệp. Nhưng thời điểm chuẩn bị nghỉ Tết, bất ngờ cháu lên cơn co giật, gia đình phải đưa đến bệnh viện điều trị. Và từ đó đến nay, cháu phải thường xuyên ở bệnh viện. Bác sỹ chẩn đoán cháu bị di chứng viêm não”.

Ngoài em Liên, vợ chồng anh Đỉnh còn một cậu con (SN 1996), sau khi tốt nghiệp THPT xong, vì điều kiện gia đình khó khăn nên đành phải ở nhà làm thuê phụ giúp bố mẹ. Anh Đỉnh cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc xoa bóp và thi thoảng trở người cho cô con gái. Rồi đôi mắt anh như đỏ lên, những giọt nước mắt đã lăn dài trên má, đưa tay gạt ngang, rồi anh nói: “Nếu là một ca phẫu thuật thay thận hay gì đó thì mổ bụng bố ra mà thay cho con, chứ nhìn con đau đớn thế này mình cũng đau lắm”.

Em Đỗ Thị Liên từ một nữ sinh xinh xắn, học giỏi giờ đây chỉ nằm một chỗ
Ánh mắt em cố nhìn người lạ như muốn nói một điều gì đó

Sống ở vùng thôn quê, chẳng có nghề ngỗng gì, cả gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng. Là trụ cột trong gia đình, nhưng từ ngày bị bệnh, anh Đỉnh chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp vợ dọn dẹp, nấu ăn, còn những việc nặng thì không thể nào làm được. Gần một năm nay, thân mang bệnh hiểm nghèo, nhưng anh cũng phải gắng gượng theo đến viện để chăm con.

Bao nhiêu ngày con nằm viện là bấy nhiêu ngày cả hai vợ chồng anh thay nhau vào ra chăm con. Không còn thời gian để làm những công việc khác, thu nhập của gia đình vì thế cũng chẳng có gì, ngoài ra tài sản gì có giá trong nhà cũng đã được vơ vét bán hết để thuốc thang và chạy chữa cho hai bố con.

Nhìn vào bức hình chân dung của Liên và hình ảnh hiện tại của em, chúng tôi không thể hình dung nổi từ một nữ sinh xinh xắn, trắng trẻo mà giờ đây em chỉ còn lại như bộ xương biết cử động. Liên vốn là một sinh viên có học lực xuất sắc. Không chỉ học giỏi, em còn thường xuyên tham gia công tác xã hội, từ thiện, nhưng không ai ngờ được giờ đây em lại nằm một chỗ mà chưa biết tương lai sẽ như thế nào.

Hàng đêm, chị Hương nằm khóc vì cuộc đời quá bất công với mình

Biết chẳng thể làm gì hơn, nhưng trước tình cảnh của con, hai vợ chồng anh Đỉnh cũng gắng gượng, chồng hàng ngày ở viện chăm con, còn vợ thì chạy đi chạy lại vừa vay mượn tiền, vừa lo chuyện ăn uống cho hai bố con. “Chỉ mong con khỏe trở lại học hành bình thường. Ngày còn khỏe, cháu đã đi tham gia phỏng vấn tại một số trung tâm Tiếng anh và đã được nhận vào làm sau khi ra trường, nhưng đùng một cái như cơn sóng thần thế này đây. Hiện cháu phải bảo lưu kết quả học rồi cũng không biết thế nào nữa”, anh Đỉnh nói.

Tất cả mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng như chi phí chạy chữa cho con chỉ còn biết trông vào việc đi vay, đi mượn. Nhưng không phải lúc nào cũng vay mượn được, vì không biết nhìn vào đâu để có khả năng trả nợ. Có những ngày, vợ anh ở nhà chạy đôn, chạy đáo khắp nơi cũng chẳng mượn được xu nào, đến viện chỉ biết ngồi than khóc.

Đang dở câu chuyện, một người phụ nữ mở cửa phòng bệnh bước vào, trên tay còn cầm chiếc làn nhựa đựng những thứ mà chị chuẩn bị từ nhà mang đến cho chồng và con. Vừa mở làn lấy tô cháo ra cho con, chị Lê Thị Hương (vợ anh Đỉnh) tâm sự: “Tôi cũng phải cố gắng bấm bụng chịu khó chạy vạy vay mượn bà con, anh em chứ biết sao được giờ. Đáng lý ra cháu không được học bởi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng cháu học giỏi lại ngoan ngoãn nên vợ chồng tôi cố gắng cho cháu đi học, nhưng không ngờ con lại ra nông nỗi này. Tôi hàng ngày đạp xe hơn 20 chục cây số chạy chợ để kiếm thêm ít tiền chăm chồng, chăm con, rồi khó khăn thành quen đi”.

Chị Hương nghẹn ngào khi nói về hoàn cảnh gia đình mình

Ở bệnh viện, nhiều gia đình, người thân đến thăm bệnh nhân chứng kiến hoàn cảnh gia đình anh Đỉnh, ai cũng thương, người ít, người nhiều gom góp ủng hộ để mong gia đình anh bớt đi phần nào sự túng thiếu đến cùng cực. "Các bác được xuất viện ra về, tôi lại hai hàng nước mắt trào ra, không biết con lúc nào được xuất viện. Nhiều đêm khóc vì con, có lẽ nỗi khổ của người phụ nữ không ai khổ bằng tôi. Trải qua ngày đêm cứ trôi đi thế thôi không biết thế nào nữa. Niềm hi vọng của tôi có thành sự thật hay không thì tôi cũng cố gắng ngày đêm thế thôi", chị Hương nói mà hai hàng nước mắt cứ trào ra.

Bà Đặng Thị Liêm, phật tử của Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng, đang đi chăm chồng ở cùng phòng bệnh chia sẻ: “Thấy hoàn cảnh gia đình cô chú ấy mà rơi nước mắt, ăn uống thì không có gì, cháu nó học giỏi lại bị như thế thương lắm. Hơn nữa, gia đình chỉ làm nông nghiệp mà giờ lại lo cho con không làm được việc thì lấy gì để sống. Một bệnh nhân ung thư đi chăm bệnh nhân viêm não thấy thế ai cũng thương. Tôi mới đến đây thấy hoàn cảnh như thế cũng chẳng giúp được gì nhiều, con cái tôi cũng ủng hộ chút ít. Người nào đến nghe cũng phát tâm để giúp cô chú ấy lấy tiền mua ăn hàng ngày. Nhìn cháu nó thế thì sự sống kéo dài được rất khó. Nếu mọi người giúp được ít nhiều cũng quý với gia đình cô chú ấy”.

Theo Duy Tuyên Dân trí

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây