Nơi sản xuất loại cao chữa bệnh từ bã phân heo, lòng heo thối thuộc Công ty TNHH Minh Oanh và chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân SX-TM Hà Tiết. Hai cơ sở này nằm biệt lập giữa khu rừng tràm tại ấp 7, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM, cách tỉnh lộ 10 khoảng 2km.
“Công nghệ” tẩm hóa chất
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để biến lòng thối, bã phân heo thành... thuốc chữa bệnh, hai cơ sở này đều sử dụng “công nghệ” sản xuất gồm một hệ thống nồi inox đặt cố định, giữa nồi là một trục quay gắn lưỡi dao có chức năng đánh tơi, làm nhuyễn lòng thối. Bộ phận tiếp nước là các ống dẫn bằng nhựa nối trực tiếp từ bể xuống nồi inox. Lòng heo thối, phế phẩm ruột heo (bã phân)... sau khi thu gom về đều được đổ thẳng vào các nồi inox trộn đều với các loại hóa chất, phẩm màu... nấu nhiều giờ bằng lò than, qua quá trình ngâm ủ để cho ra một sản phẩm cao hoàn chỉnh.
Khoảng 9g ngày 20-3, ông Dũng (quê Bến Tre) chở hai bao tải đựng 500kg lòng heo thối về Doanh nghiệp tư nhân SX-TM Hà Tiết (gọi tắt là Doanh nghiệp Hà Tiết). Bao tải đựng ruột heo vừa được tháo ra, một số công nhân thoái lui, đưa tay bịt mũi. Lô hàng chủ yếu là ruột non đã biến sắc, hôi thối này ngay sau đó được ông Sáng (công nhân của cơ sở) cùng ông Dũng ì ạch bê đổ thẳng vào hai nồi inox cao 1,5m, đường kính 2m. Sau đó, ông Sáng đi lại góc chứa hóa chất rạch bao tải đong chất bột màu trắng mà theo ông này là xút (NaOH) đổ vào nồi. Ông này tiếp tục xách nửa ca nhựa chất bột màu vàng (ông Sáng gọi là bột đinh hương) đổ vào nồi khởi động trục quay đánh đều. Theo ông Sáng, xút có tính chất tẩy cực mạnh nên sẽ làm cho lòng heo mềm nhũn ra, còn đinh hương là chất để át mùi thối, tanh của lòng và có tác dụng tạo kết tủa nhanh. “Dùng xút để ngâm lòng nhằm tẩy mùi hôi. Công dụng của xút mạnh đến nỗi nếu bay vào chân thì lông chân cũng phải rụng” - ông Dũng nói.
Quá trình vận hành hệ thống máy đánh lòng, ông Sáng liên tục dùng gậy khuấy đều và điều chỉnh lửa trong lò để không bị vón cục, cháy... Một giờ sau, khi toàn bộ số lòng heo, bã phân cơ bản được đánh nhuyễn thành dung dịch màu nâu, ông Sáng tiếp tục chuyển dung dịch này qua hai nồi khác để nguội. Sau đó vận hành trục quay đánh tiếp một lần nữa để cho ra một loại dung dịch màu nâu đen sánh mịn. Khâu tiếp theo, ông Sáng lọc lấy các hạt nhỏ li ti dưới đáy nồi, còn phần nước thải hôi thối được xả thẳng xuống cống chảy ra hồ chứa phía sau cơ sở. Công đoạn cuối cùng, ông Sáng dùng 20 lít cồn 90O trộn với một loại hóa chất để ngâm các hạt li ti. Các hạt này ngâm với cồn trong vòng nửa tháng, sau đó vớt ra, sấy khô rồi đóng thành từng gói.
Sáng 19-3, tại khuôn viên rộng khoảng 60m2 của Công ty TNHH Minh Oanh (gọi tắt là Công ty Minh Oanh), hàng loạt thùng phuy đựng lòng thối đang trong giai đoạn ngâm cồn nằm chất đống. Tại một góc trong cơ sở, hàng chục bao tải đựng phẩm màu, xô đựng hóa chất... xếp ngổn ngang phục vụ việc chế biến lòng thối. So với cơ sở sản xuất của Doanh nghiệp Hà Tiết, cơ sở của Công ty Minh Oanh nhỏ hơn về quy mô hoạt động.
Khoảng 14g cùng ngày, một đầu mối chở hai thùng nhựa chứa lòng heo đã chuyển màu sẫm, bốc mùi hôi thối tới giao cho cơ sở. Hai thợ nấu cao gồm ông Tín (32 tuổi, quê Trà Vinh) và ông Mười (50 tuổi, quê Cần Thơ) hì hục đổ số lòng ra hai chậu ngồi lọc mỡ giữa nền nhà nhoe nhoét nước. Lọc mỡ xong, hai ông này khệ nệ khiêng đổ toàn bộ vào nồi để trộn với các loại hóa chất, phẩm màu tương tự Doanh nghiệp Hà Tiết. Theo ông Tín, các nguyên liệu như muối, bột đinh hương... được chuyển từ Trung Quốc qua. Riêng xút mua ở các chợ hóa chất tại TP.HCM. Trong lúc vận hành máy đánh lòng thối, ông Tín đi vào phía trong cơ sở xách một thùng đựng dung dịch màu đen chứa các hạt thuốc được nấu cô đặc từ lòng thối, bã phân hôm trước đổ qua tấm lưới để lọc, nói: “Loại này tiếp tục ngâm với cồn 90O trong vòng 15 ngày, sau đó vớt ra sấy khô. Các hạt thuốc sau khi sấy khô có màu trắng kết với nhau thành từng mảng, chỉ việc cắt miếng nhỏ gói lại là mang đi bán được”.
Bị xử lý vẫn hoạt động
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả hai cơ sở trên hoạt động từ đầu năm 2010 và được cấp phép hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực “sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản” vào đầu năm 2011. Ngày 6-1-2012, hai cơ sở này bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) bắt quả tang khi đang tàng trữ hàng loạt thùng phuy ngâm phế phẩm lòng thối. Đồng thời phát hiện hai cơ sở này kinh doanh ngành nghề không đúng theo đăng ký. Thời điểm này, bà Nguyễn Thị Mỹ Chi (vợ của ông Cao Guang Minh, quốc tịch Trung Quốc) - người đứng tên giám đốc Công ty Minh Oanh - thừa nhận lòng heo thối, bã phân do ông Minh yêu cầu các công nhân thực hiện qua nhiều công đoạn mới thành cao để mang ra nước ngoài bán chữa bệnh.
Trên danh nghĩa, bà Nguyễn Thị Mỹ Chi đứng tên làm giám đốc nhưng thực chất mọi hoạt động kinh doanh của công ty đều do ông Cao Guang Minh điều hành. Tại cơ sở của mình, ông Minh thuê hai thợ chính là ông Tín và ông Mười thực hiện các công đoạn nặng nhọc như tách mỡ, vận hành máy nấu... Còn chủ xưởng sản xuất cao bằng lòng thối của Doanh nghiệp Hà Tiết là ông Tài. Lúc đầu, ông Tài đơn thuần chỉ là đầu mối cung cấp lòng thối. Tuy nhiên về sau được ông Minh truyền lại “công nghệ” sản xuất cao, ông Tài mới bắt tay vào sản xuất. Mỗi ngày cơ sở của ông Tài nhập khoảng 1 tấn lòng thối, bã phân để sản xuất cao thành phẩm.
Theo các công nhân làm việc tại cơ sở này, loại cao thành phẩm sản xuất từ lòng thối, bã phân được ông Minh bỏ vào két sắt để tích trữ. Khoảng một tháng sau, ông Minh đóng gói cho vào vali mang ra Hà Nội. Sau đó, đi xe đò lên biên giới qua Trung Quốc xử lý thêm một vài công đoạn như ướp hương vị, đóng gói... rồi bán. Theo ông Tín và ông Mười, ông Cao Guang Minh quảng cáo loại cao này là một loại “thuốc tiên” trị nhiều loại bệnh như yếu sinh lý, hiếm muộn, làm trắng da...
Theo HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ Tuổi trẻ
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn