Đến nay Hà Tĩnh vẫn còn 71 xã chưa bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, trong khi theo kế hoạch công việc này lẽ ra đã phải kết thúc vào năm 2012. Sự không gặp gỡ giữa bên giao và bên nhận, những khó khăn trong cải tạo nâng cấp lưới điện sau bàn giao, đã không chỉ cản trở quá trình tiếp nhận quản lý mà còn làm cho mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ điện chưa đạt được như mong muốn. Thiệt thòi rốt cục vẫn thuộc về người dân.
Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn: Thiệt thòi rốt cục vẫn thuộc về người dân. Ảnh minh họa |
Quá trình bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn được khởi động từ năm 2008 và đến nay Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã tiếp nhận quản lý 191 lưới điện của các xã phường thị trấn. Cụ thể Công ty đã tiếp nhận quản lý trên 35000 km đường dây trung thế, 52 trạm biến áp, 3.300 km đường dây hạ thế, gần 200.000 khách hàng. TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, Can Lộc là ba địa phương đã bàn giao 100% lưới điện hạ áp nông thôn.
Như vậy so với kế hoạch, đến thời điểm hiện tại vẫn còn 71 xã chưa bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn. Trong khi thời hạn mà UBND tỉnh giao cho các địa phương và Công ty điện lực là phải hoàn thành bàn giao, tiếp nhận quản lý trong năm 2012. Một số huyện có số lượng công trình chưa bàn giao còn lớn là Cẩm Xuyên vẫn còn 19 xã, Nghi Xuân còn 12 xã, Hương Sơn còn 11 xã... Theo tính toán của Sở Công thương thì nếu cố gắng lắm cũng phải đến năm 2015 toàn tỉnh mới bàn giao xong lưới điện hạ áp nông thôn.
Điều đáng nói là trong quá trình bàn giao đã xuất hiện những điểm không gặp gỡ giữa bên giao và bên nhận. Ông Nguyễn Phúc Phong – giám đốc Công ty điện lực Hà Tĩnh khẳng định: ngành điện luôn sẵn sàng tiếp nhận nhưng lãnh đạo nhiều địa phương hoặc là không nắm vững nguyên tắc bàn giao, hoặc là vì lợi ích cục bộ nên đã thiếu quyết liệt trong việc tổ chức bàn giao. Ông Phong nêu ví dụ: trong số 71 xã còn lại thì có tới 64 xã từng tham gia dự án RE 2 và RE 2 mở rộng. Quá trình bàn giao thực chất là quá trình nhận lại nợ, do vậy đòi hỏi phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý, đặc biệt là phải có phê duyệt quyết toán và được xác nhận bởi kiểm toán độc lập. Thế nhưng khi vào việc thì đụng đâu cũng thấy thiếu. Rất nhiều địa phương không lưu đầy đủ hồ sơ và không đáp ứng được điều kiện để bàn giao.
Cũng liên quan đến điều kiện bàn giao, một số địa phương lại cho rằng ngành điện ‘thiếu sòng phẳng’ trong việc định giá và tiếp nhận tài sản. Ông Nguyễn Khắc Dạ - phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh dẫn chứng: tại xã Kỳ Phương trước đây người dân đã phải vay tiền ngân hàng để xây dựng lưới điện hạ áp. Thế nhưng quá trình tiếp nhận tài sản, ngành điện lại từ chối nhận nợ dẫn tới địa phương không thể bàn giao. Chung quan điểm này, ông Trần Hữu Bé – phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ khẳng định: 6 xã còn lại của huyện sẵn sàng bàn giao lưới điện, thậm chí là mong muốn được bàn giao sớm nhưng với điều kiện ngành điện phải tính toán hoàn trả chi phí đầu tư của người dân trước đây.
Rõ ràng từ thực tế cho thấy đang tồn tại những khoảng trống về cơ chế thẩm định và phân định trách nhiệm đối với tài sản, vốn dĩ được hình thành bằng nhiều cách thức khác nhau trong suốt quá trình lịch sử.
Không đủ điều kiện để bàn giao là một thực tế nhưng tại nhiều địa phương đủ điều kiện, chính quyền, HTX và thậm chí là một bộ phận người dân vẫn tồn tại tâm lý không muốn bàn giao. Phải khẳng định rằng dịch vụ điện nông thôn vốn là thế mạnh của các HTX nông nghiệp và dịch vụ, do vậy bàn giao lưới điện nông thôn đòi hỏi sự hi sinh quyền lợi cục bộ của các HTX. Thêm vào đó, sau khi bàn giao, một số lượng lớn lao động sẽ dôi dư do ngành điện không thể cáng đáng hết. Cụ thể theo quy định của Tập đoàn điện lực: tại khu vực miền núi cứ 300 công- tơ thì mới có 1 hợp đồng dịch vụ điện nông thôn, tại khu vực đồng bằng cứ 500 công tơ mới có 1 hợp đồng. Như vậy cố gắng lắm Công ty điện lực Hà Tĩnh cũng chỉ có thể ký hợp đồng với mỗi HTX từ 3-5 lao động, trong khi số lượng lao động lâu nay tại các HTX dịch vụ điện trung bình từ 10-15 người. Nhiều người đã gắn bó với nghề điện nông thôn hàng chục năm, nhiều người đã được đóng bảo hiểm, nay trở thành người ngoài cuộc.
Cũng cần phải nói thêm là nhiều lưới điện nông thôn sau khi được tiếp nhận đã không có sự đầu tư nâng cấp, hoặc là nâng cấp không đáng kể, dẫn tới chất lượng điện vẫn không được cải thiện. Đây cũng là một thực tế dẫn tới sự thiếu mặn mà của chính quyền các địa phương trong việc tổ chức bàn giao. Chưa nói tới địa bàn vùng sâu vùng xa, ngay đến các địa phương ven Thành phố như xã Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh), xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên), người dân vẫn phải sống chung với tình trạng điện khi mờ khi tỏ. Đã có những câu chuyện hài hước được người dân Cẩm Vịnh tâm sự như họ chỉ có thể ăn cơm vào lúc 5h chiều để lợi dụng ánh sáng trời, hoặc ăn vào 10h đêm mới đủ nguồn sáng từ bóng đèn. Trong xóm nếu một vài nhà dùng ổn áp thì cả xóm đành chịu tối. Những thiết bị điện thông dụng như tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt điện trở nên lạc lõng vì khi cần thì thì điện quá yếu, khi điện sáng thì lại không cần.
Giám đốc Công ty điện lực Hà Tĩnh Nguyễn Phúc Phong thừa nhận những khó khăn trong việc đầu tư nâng cấp sau bàn giao. Đến thời điểm hiện tại, Công ty điện lực Hà Tĩnh mới chỉ thực hiện được giai đoạn 1 của việc nâng cấp đó là thay thế công tơ, nâng cấp một số nhánh rẽ chất lượng quá kém. Các giai đoạn khác như cải tạo đường dây, nâng cấp trạm biến áp chỉ có thể đầu tư từng bước. Theo ông Phong hầu hết lưới điện nông thôn sau khi tiếp nhận đều đã cũ nát và để nâng cấp đúng yêu cầu thì mỗi lưới điện phải cần đến số tiền từ 15-20 tỷ đồng. Ngoại trừ các lưới điện đã được đầu tư từ dự án RE 2, thì để nâng cấp hơn 150 lưới điện nông thôn còn lại cũng cần đến khoản đầu tư từ 2000-3000 tỉ đồng. Đây là một con số quá sức đối với ngành điện trong điều kiện hiện tại.
Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn là nhằm mục tiêu thống nhất giá bán điện, hạn chế tổn thất điện năng và nâng cao chất lượng dịch vụ điện. Mục tiêu thứ nhất có vẻ như đã thực hiện được, 2 mục tiêu còn lại vẫn phải tiếp tục phấn đấu cùng với quá trình phấn đấu đầu tư nâng cấp cải tạo lưới điện của ngành điện. Dự kiến năm 2013, Công ty điện lực Hà Tĩnh sẽ khâu nối từ các chương trình dự án để đầu tư khoảng 300 tỷ đồng vào việc nâng cấp cải tạo. Với nỗ lực này thì cũng phải mất 5 năm, 10 năm, thậm chí là lâu hơn nữa, lưới điện nông thôn mới được cải tạo đồng bộ. Người dân nông thôn không có sự lựa chọn nào hơn là sẽ lại phải tiếp tục chờ đợi.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn