TPG được biết đến là một trong những tập đoàn đầu tư vốn tư nhân lớn nhất của Mỹ với lượng tài sản quản lý lên đến 54,5 tỷ USD đã xác định Việt Nam là một thị trường đầu tư quan trọng. TGP đã từng có khoản đầu tư hiệu quả vào Masan và FPT.
TPG đã thoái vốn khỏi FPT nhưng vẫn giữ lại cổ phần tại Masan và đây là một trong những khoản đầu tư có hiệu quả cao nhất của TPG trên phạm vi toàn cầu tính trong năm vừa qua với giá thị trường ước gấp khoảng 5 lần giá trị đầu tư ban đầu (năm 2009).
Không chỉ tăng về giá, khoản đầu tư vào Masan đang mang lại vị thế rất lớn cho TGP khi mà sự mở rộng của Masan thông qua các thương vụ thâu tóm Vinacafe Biên Hòa, Proconco, Vĩnh Hảo… đang khiến cho khoản đầu tư của TPG trở nên giá trị hơn bao giờ hết.
Cũng “kết” Masan, hồi đầu năm, Tập đoàn Kohlberg Kravis Roberts (KKR) cũng đã tuyên bố mua thêm 10% cổ phần của Masan Consumer (một công ty con của Masan), trị giá 200 triệu USD thông qua đầu tư trực tiếp và mua lại của cổ đông cũ (sau khoản đầu tư 159 triệu USD hồi tháng 4/2011).
Tới 4/2, Masan Consumer đã xác nhận hoàn tất phát hành riêng lẻ hơn 22,84 triệu cổ phiếu cho KKR với tổng giá trị thu về hơn 100 triệu USD.
Cuối năm 2012, thị trường vật liệu xây dựng nội địa cũng rúng động với thông tin tập đoàn xi măng lớn nhất Đông Nam Á, Semen Gresik (SMGR) của Indonessia đổ 230 triệu USD (hơn 4,8 nghìn tỉ đồng) mua lại 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long của một trong những “tỷ phú ẩn danh” giàu nhất Việt Nam, ông Vũ Văn Tiền - chủ tịch tập đoàn Geleximco.
Cùng thời gian này, tờ Bangkok Post của Thái Lan cho biết, Tập đoàn xi măng Siam (SCG) của nước này đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần của nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam - Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng).
Trong lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, thị trường tài chính trong những đầu năm cũng bùng nổ thông tin Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ (Nhật Bản) mua 20% cổ phần Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với giá trị 15.465 tỷ đồng - tương đương 743 triệu USD.
Làm chủ thị trường
Có thể thấy, trong 2-3 năm gần đây, các thương vụ M&A trong đó các đại gia ngoại mua cổ phần nội diễn ra với mật độ dày đặc.
Hàng loạt các vụ M&A lớn đã diễn ra một cách rầm rộ như: Vietcombank bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) trị giá 567 triệu USD; Fortis Healthcare International của Ấn Độ mua 65% cổ phần của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ; C.P bán 70,8% cho Công ty Feedmill Bussiness (Trung Quốc); Thai Plastic and Chemicals PCL mua gom cổ phần Nhựa Tiền Phong (thống trị thị trường miền Bắc) và Nhựa Bình Minh (chi phối thị trường phía Nam); Sumitomo Life đàm phán mua lại 18% cổ phần của Bảo Việt từ HSBC; Unicharm Co., Ltd đầu tư với tỷ lệ sở hữu lên tới 95% vốn điều lệ của CTCP Diana Việt Nam; Tập đoàn CJ-CGV (Hàn Quốc) mua 92% cổ phần của Envoy Media Partner; Lotte (Hàn Quốc) mua lại hết cổ phần Minh Vân, trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài…
. |
Hiện tượng M&A là một hoạt động kinh doanh rất bình thường. Nó thường diễn ra mạnh mẽ trong thời kỳ khủng hoảng khi mà nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong khi không ít đại gia giàu có sẵn sàng tung tiền ra để nắm giữ những công ty có tiềm năng.
Trong các thương vụ nói trên, các thương vụ đại gia ngoại rót tiền vào Masan khá dễ hiểu. Lý do có lẽ là bởi, đây là một tập đoàn vốn tư nhân có tốc độ phát triển về quy mô và doanh thu rất nhanh, tăng cả chục lần trong 3-4 năm qua. Bên cạnh đó, Masan đã chiếm thế thượng phong trong nhiều lĩnh vực tiềm năng như sản xuất nước chấm, mì tôm… và có chiến lược mở rộng quy mô thông qua M&A các công ty, cũng như các cơ hội kinh doanh ở địa phương có tiềm năng khác.
Trong trường hợp Semen Gresik bỏ ra gần 5.000 tỷ đồng mua mua lại 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long - một cái giá quá đắt so với giá các cổ phiếu xi măng trên sàn như Hà Tiên, Bút Sơn…, việc đi tìm lý do có vẻ rất khó khăn.
Với vụ M&A nói trên, Thăng Long sẽ tăng vốn mạnh lên 4.200 tỷ đồng, vượt qua các doanh nghiệp sản xuất xi măng khác tại Việt Nam. Sản phẩm của công ty cũng sẽ có đầu ra rộng mở hơn hẳn khi được chuyển sang cung cấp cho thị trường Indonesia vốn đang thiếu xi măng trầm trọng.
Với vị thế số 1 của mình tại Indonesia, Semen Gresik và chiến lược thâu tóm tiếp một số công ty khác nữa, tập đoàn này có thể trở thành nhà cung cấp xi măng số một trong khu vực Đông Nam Á.
Trường hợp, PCL âm thầm mua cổ phần Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh thì ai cũng có thể nhận biết âm mưu trở thành nhà sản xuất và phân phối nhựa hàng đầu tại thị trường Việt Nam, bên cạnh thị trường Thái Lan, nơi TPC nắm 50% thị phần.
Có thể thấy, trong thời gian gần đây, các thương vụ thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp của các đại gia ngoại nhằm thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh trên toàn khu vực đã được thực hiện một cách khá thuận lợi.
Các nhà đầu tư ngoại đang quan tâm nhiều đến doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đến từ Nhật Bản, Malaysia, Indonesia và gần đây là Singapore. Các lĩnh vực được quan tâm bao gồm: tiêu dùng, vật liệu xây dựng, BĐS, ngân hàng, bảo hiểm và cả các hệ thống hệ thống phân phối bán lẻ như điện máy.
Theo Vietnamnet.vn