Sau hơn 1 năm khởi công, cả khu đất vàng rộng 9 ha của dự án HUD đang chỉ là bãi cỏ hoang (ảnh nhỏ phối cảnh dự án). |
Dạo một vòng các khu dân cư của các phường, xã TP Hà Tĩnh và các địa phương khác trong tỉnh, không khó để nhận ra sự ảm đạm của thị trường BĐS. Nếu như vào thời điểm này của năm 2011, các giao dịch BĐS được giới đầu cơ liên tục “thổi giá”, trao tay một cách chóng vánh chỉ qua 1 cú điện thoại thì nay xuất hiện dày đặc các biển báo bán đất.
Đất có chủ được rao bán rầm rộ không có người mua. Đất quy hoạch ở các xã, phường cũng vắng bóng khách hàng. Lượng giao dịch qua trung tâm đấu giá giảm hơn 50% so với thời điểm 2011. Thực hiện hợp đồng đấu giá giữa UBND thành phố Hà Tĩnh với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh về việc bán đấu giá quyền sử dụng đất các khu quy hoạch dân cư thuộc địa bàn thành phố, từ tháng 12/2012 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 5 phiên đấu giá với tổng số 259 lô đất ở 6 vùng quy hoạch nhưng chỉ bán được 46 lô (đạt tỷ lệ 17,8%). Trong số đó có những vùng ở xã Thạch Hưng, Thạch Đồng không hề có người hỏi thăm.
“Có những phiên đấu giá chỉ lèo tèo vài 3 người đến, thậm chí có phiên không có người nào. Không chỉ giảm số lượng người mua mà giá đất hầu hết cũng chỉ nằm ở mức khởi điểm”, ông Đinh Hồng Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết.
Vùng quy hoạch đất cấp xóm Tân Học, xã Thạch Hạ vẫn còn nhiều lô chưa có chủ đến nộp tiền |
Không chỉ ảm đạm ở phân khúc đất đấu giá, mà ngay cả ở phân khúc đất cấp cũng thê thảm không kém. Ông Trương Công Trung – Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ cho biết: “Cuối năm 2012, xã Thạch Hạ huy động nguồn lực của các nhà thầu xây dựng khu hạ tầng dân cư theo tiêu chuẩn đô thị tại xóm Tân Học, quy mô 120 lô để cấp cho con em địa phương. Khu đất quy hoạch có vị trí khá đẹp, gần trường học, trục đường chính Quang Trung và chỉ cách trung tâm thành phố 4 km. Các lô đất có diện tích 150 m2 với giá trung bình khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ mới cấp được 90 lô, còn lại 30 lô mặc dù xã đã thông báo lần 2 nhưng các đối tượng được cấp đất vẫn chưa đến nộp tiền”.
Thị trường đất ở các địa phương khác trong tỉnh cũng ảm đạm không kém. Những năm qua, Kỳ Anh là địa phương có tốc độ phát triển KT-XH nhanh vào tốp nhất nhì tỉnh. Kèm theo đó, thị trường BĐS ở địa phương này cũng “nóng” không thua kém TP Hà Tĩnh, thậm chí có nơi, có lúc giá còn cao hơn thành phố. Thời cao điểm, lô đất 200 m2 ở khu quy hoạch phía Bắc thị trấn Kỳ Anh giá không dưới 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, lô đất ở vùng đó chỉ có giá 1,2 tỷ đồng. Tháng 9/2012, UBND thị trấn Kỳ Anh cấp 60 lô đất (bình quân 400 triệu đồng/lô 200m2) cho các đối tượng nhưng có đến 30 đối tượng đã trả lại do không có tiền và do giá đã gần bằng giá thị trường.
Xuất hiện nhiều biển cần bán đất ở các vùng dân cư và vùng quy hoạch ở TP Hà Tĩnh. |
Theo nhiều nhà đầu tư, thị trường nhà đất ế ẩm không phải do “cung vượt cầu”, mà nguyên nhân chính do giá vẫn còn cao so với thu nhập của người lao động. Trong số 204 lô đất tại 5 khu quy hoạch của thành phố vừa tổ chức đấu giá, lô thấp nhất giá 458 triệu đồng. Như vậy, với thu nhập bình quân của công chức trình độ đại học, mức lương 3,14 (4 triệu đồng/tháng) thì phải nhịn ăn 10 năm mới đủ tiền mua đất!
“Trong tình cảnh ảm đạm này, càng đầu tư càng chết. Đất nền bán đã không ai mua thì căn hộ liền kề, biệt thự lại càng kén khách hơn, đặc biệt là ở thị trường Hà Tĩnh” – lãnh đạo Tập đoàn HUD khẳng định. Lời khuyến cáo của một nhà đầu tư BĐS nhiều kinh nghiệm như Tập đoàn HUD đã, đang là thực tế cho các nhà đầu tư khác suy nghĩ.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn