|
Bác sĩ Sơn nhận thuốc gửi cho bà con vùng lũ |
Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn – Giám đốc Trung tâm y khoa EXSON, TP.HCM đang chuẩn bị cho chuyến đi thứ 2 của mình sau đợt lũ, đó là khám chữa bệnh cho người dân.
Để đoàn công tác khám chữa bệnh do các bác sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên tham gia khám bệnh được thành công, TS Sơn cùng nhiều đồng nghiệp của ông đã phải trực tiếp đi “tiền trạm” và trao quà trước cho bà con vùng lũ.
Báo Infonet có cuộc trò chuyện với TS,BS Võ Xuân Sơn về hành trình hướng về khúc ruột miền Trung của ông cùng các đồng nghiệp.
Xin chào TS, BS Võ Xuân Sơn! Hơn 1 tuần nay bác sĩ khá bận rộn, ngoài công tác chuyên môn còn kêu gọi đồng nghiệp cũng như các nhà hảo tâm chung tay cùng hướng về bà con vùng lũ miền Trung. Bác sĩ đã không quản ngại đi từ TP.HCM đến tận vùng rốn lũ để trao qua và tiền trạm cho chuyến công tác khám chữa bệnh miễn phí sắp tới. BS có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi đặt chân đến miền Trung vừa đi qua?
TS, BS Võ Xuân Sơn: Trên đường Trường Sơn về với bà con vùng lũ, chúng tôi gặp rất nhiều các đoàn từ thiện và trong đó có những đoàn họ không đề tên đơn vị nào. Đoàn của chúng tôi vận chuyển quà ra trước và phân chia quà tại Đồng Hới, sau đó mới đưa lên xe tải.
Chúng tôi phải nhờ người tiền trạm trước và đến khu vực nào mà ít đoàn từ thiện đến. Qua chính quyền, các tổ chức giúp đỡ, chúng tôi đến xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, tới đoạn đường bị ngập chưa rút, chúng tôi phải bỏ hàng lên thuyền và chở vào bản người Rục.
Người Rục là một bộ tộc sinh sống trong hang động, mới được tìm thấy trong khoảng 10 năm trở lại đây. Hiện nay, họ sống chủ yếu nhờ vào cứu trợ. Thời gian quá ngắn để họ thích nghi với đời sống văn minh. Các bác sĩ cho tôi biết, họ không đi khám bệnh, các bác sĩ phải đến tận nhà, đa số không uống thuốc, dù có cấp thuốc.
Chỉ trong vài phút, chúng tôi thấy hàng từ 5, 6 xe tải chất lên các thuyền nhỏ chở đi. Vì nằm trong một thung lũng mà đường thoát nước là những con sông ngầm trong lòng núi, có lẽ các miệng hang bị cây cối che hoặc sụp lở, nên nước rút rất chậm.
|
Hình ảnh trao quà tại trung tâm khiếm thị huyện Lệ Thủy, Quảng Bình của đoàn bác sĩ Sơn. |
Anh Việt, nguyên Phó Chủ tịch huyện Minh Hoá, cùng chủ tịch xã Thượng Hoá, tất bật hướng dẫn các đoàn đến các khu vực dân cư, điều phối để cư dân các vùng bị ảnh hưởng đều được nhận cứu trợ.
Nhìn hình ảnh tất bật của các anh, với sự chân thành của những con người này, tôi không tin rằng họ có thể xà xẻo những món quà cứu trợ. Hình như càng ở những nơi nghèo, tình người lại càng được trân trọng.
Tôi tách ra khỏi đoàn để đi khảo sát, chuẩn bị cho đợt khám bệnh vào tuần tới. Bác sĩ Viện, Phó phòng Y tế huyện Minh Hoá đã dẫn tôi tới Trạm Y tế của xã Thượng Hóa và xã Minh Hoá.
Các trưởng trạm Y tế cũng đang tất bật với các đoàn cứu trợ, đã rất nhanh chóng, cùng tôi lập kế hoạch cho những ngày khám sắp tới. Sau mấy giờ chạy đi chạy lại giữa đại ngàn Trường Sơn, chúng tôi đã hoàn tất kế hoạch khám bệnh, mục đích chính chuyến đi của tôi.
Đến nay, chúng tôi đã và đang tập hợp danh sách các bác sĩ cùng tình nguyện viên tham gia chuyến khám chữa bệnh sắp tới này.
Để thực hiện một chuyến khám chữa bệnh cho bà con vùng lũ với quy mô lớn như trên cần kinh phí, thuốc men rất nhiều. Trong quá trình kêu gọi hỗ trợ của các nhà hảo tâm cùng đồng nghiệp, bác sĩ có gặp khó khăn gì không?
TS Võ Xuân Sơn: Việc tổ chức đoàn đi khám bệnh, ban đầu được dự kiến có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, thì không đến nỗi như vậy. Bản thân tôi rất bất ngờ với sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng, từ việc quyên góp tiền, góp thuốc và y cụ, cho đến những chia sẻ về tinh thần.
Điều này động viên chúng tôi rất nhiều. Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi nghĩ đến là giấy phép khám bệnh. Sở Y tế Quảng Bình đã hỗ trợ chúng tôi, hướng dẫn cặn kẽ cách làm thủ tục, và chúng tôi đã có giấy phép mà không bị gây khó dễ gì.
Tuy nhiên, cũng có một vài khó khăn nhỏ. Việc đầu tiên là thành phần tham dự đoàn khám bệnh. Các bác sĩ đăng kí đi khám từ thiện rất đông, nhưng lại thiếu một số bác sĩ có chuyên môn, đặc biệt như siêu âm, khám phụ khoa... Cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm cách giải quyết được, bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh.
Một khó khăn khác là có một số người không ủng hộ và tìm cách phá. Việc ủng hộ hay không thì là do quan điểm của mỗi người, nhưng việc ngăn cản người khác giúp đỡ đồng bào mình thì tôi không thể chấp nhận được.
Nhất là khi họ đưa ra những dữ liệu mù mờ để chứng minh rằng thuốc dùng cho chương trình là nguy hiểm. Nhân đây, tôi xin khẳng định những thuốc chúng tôi dùng trong chương trình khám bệnh từ thiện này là những thuốc đang được các bệnh viện tại Hà nội, Sài Gòn và khắp cả nước dùng, được phép lưu hành, còn hạn sử dụng (khá xa).
Việc sử dụng thuốc cũng được kiểm soát dưới sự phối hợp giữa các bác sĩ của đoàn và các y bác sĩ tại cơ sở.
Một dạng nữa, không gây khó khăn cho chúng tôi nhưng làm mất thì giờ khá nhiều. Một người bạn rất muốn giúp chúng tôi, gọi cho bạn của chị ấy, là dược sĩ nào đó. Anh ấy quay qua chất vấn tôi đủ thứ về giấy phép, về dược. Xong lại quay qua hướng dẫn tôi phải tổ chức khám bệnh làm sao, phải có tâm như thế nào...
Sau gần 20 phút điện thoại, mọi người phải chờ tôi nói, tôi hỏi lại: Thế anh có ý định ủng hộ gì không, và anh ấy im lặng . Sau đó, tôi nhận được lời mời ăn cơm tối với một số người bạn bác sĩ, dược sĩ của anh ấy, để họ bàn việc hỗ trợ. Tôi đành từ chối vì không có thời gian.
Chúng tôi kêu gọi hỗ trợ không phải cho chúng tôi, mà cho đồng bào vùng bị lũ lụt. Và nếu tin thì hỗ trợ. Nếu không tin mà vẫn muốn thì có hàng trăm tổ chức từ thiện khác. Còn nếu không tin được ai mà vẫn muốn giúp đỡ thì tự mình đi đến đó. Không nên làm tổn thương những người đã bỏ công sức, tiền bạc ra cho đồng bào bị lũ lụt, cũng không nên làm gì bào chữa cho việc mình không giúp đỡ.
Những ngày qua mọi người đều chia sẻ về trường hợp của MC Phan Anh có thể vướng vào các vấn đề liên quan đến pháp luật vì quy định huy động từ thiện, bác sĩ có e ngại gì cho mình không?
TS Võ Xuân Sơn: Về câu chuyện của MC Phan Anh, mấy ngày nay tôi không có nhiều thời gian nên chưa cập nhật được. Tôi nghe nói Phan Anh gặp khó khăn gì đó. Tôi nghĩ, mình làm việc theo cái tâm của mình, mình cố gắng làm sao đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về pháp lí mà mình biết.
Còn nếu vô tình, mình vi phạm vào điều gì, thì coi như đó là cái giá mình phải trả khi làm một việc tốt.
Tôi nhớ De Balzac có câu chuyện về miếng da lừa, mỗi khi làm gì thì miếng da co lại, khi hết mức thì chết.
Tôi chấp nhận rủi ro nếu mình vô tình mắc vào, và miếng da lừa của tôi co nhỏ lại. Đã dấn thân thì không nề hà.
Trên một góc độ khác, tôi tin vào luật nhân quả, mà tôi vẫn hay nói "Trời có mắt". Những ai vì bất cứ lí do gì mà tìm cách hãm hại Phan Anh hay những người đến hỗ trợ cho đồng bào vùng lũ lụt, cũng như các hoạt động thiện nguyện khác, chắc chắn sẽ phải lãnh hậu quả.
Vâng xin cảm ơn bác sĩ, chúc ông và các đồng nghiệp có chuyến đi thật ý nghĩa!
Theo Phương Thúy Infonet.vn