Như thông lệ, tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã phê chuẩn và bầu 50 vị trí và đến thời điểm hiện tại, có 49 vị trí đang giữ các cương vị lãnh đạo. Tuy nhiên, theo quy định, các chức danh gồm những người đã có thông báo nghỉ hưu và các trường hợp liên quan đến việc được bầu, bổ nhiệm năm 2023 sẽ không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.
Xét theo tiêu chí này, Quốc hội sẽ không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 5 nhân sự được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh.
Như vậy, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh. Danh sách này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội phê chuẩn chính thức vào ngày thứ hai của kỳ họp (24.10).
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Lâm - Viện Nghiên cứu Pháp luật và kinh tế ASEAN.
PV: Thưa ông, chiều nay Quốc hội sẽ thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Là cử tri và là chuyên gia pháp lý, ông có nhận xét gì về việc này?
Ông Phan Văn Lâm: Gần ba mươi năm với tư cách là cử tri, không những tôi mà rất nhiều cử tri khác trên cả nước đều rất quan tâm đến người đại biểu mình đã bầu làm được gì cho chúng tôi, cho Tổ quốc này. Chúng tôi chỉ nhìn thấy gián tiếp về kết quả của các đại biểu thực hiện, có những thứ định lượng được nhưng có những thứ thì không.
Vì vậy, thông qua những đại biểu của mình, qua hình thức bỏ phiếu tín nhiệm này, chúng tôi sẽ biết rõ hơn về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức của những đại biểu được cử tri bầu.
Ông Phan Văn Lâm - Viện Nghiên cứu Pháp luật và kinh tế ASEAN, Phó tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển
Theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Tại Kỳ họp thứ 6 lần này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đây là phương thức giám sát, 1 trong 3 chức năng chính của Quốc hội ngoài lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của các đại biểu quốc hội đối với việc thực hiện lời hứa với cử tri, chức năng của các đại biểu được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong quá trình công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Tôi cho rằng đây là việc làm rất thiết thực, rất cần thiết, có tính pháp lý cao.
Theo ông, để lá phiếu tín nhiệm có chất lượng cao thì cần phải làm gì?
- Đây là câu hỏi rất hay và nhiều người quan tâm, để có lá phiếu chất lượng cao thì lá phiếu đó phải phản ánh, phải kết tinh của sự trung thực, khách quan, vô tư, trong sáng, không tư lợi, vì cử tri chứ không phải vì quan hệ, vì đồng nghiệp, đồng chí hay vì chúng ta là đại biểu với nhau.
Để thể hiện được điều đó phải giải quyết được hai vấn đề cơ bản sau:
Một là, về người được lấy phiếu tín nhiệm đã trung thực trong kê khai, báo cáo kết quả công việc đạt được, tài sản đã thực sự minh bạch chưa? Đã khai đúng những gì mình có hay không, hay anh đã gửi gắm đâu đó nhờ người khác đứng hộ tên tài sản không minh bạch, hoặc anh chỉ nhấn mạnh việc làm được mà lơ là đi những khuyết điểm, hạn chế thiếu sót của mình…
Nói cách khác là tinh thần tự phê bình của đại biểu phải hết sức khách quan, trung thực, cầu tiến và không dấu diếm điểm yếu cụ thể cá nhân thì người đánh giá giá mới có đầy đủ thông tin để cân nhắc nhận xét.
Hai là, phía người bỏ phiếu tín nhiệm phải đầy trách nhiệm với lá phiếu của mình, không được bỏ cho qua, bỏ theo xu hướng, bỏ theo mối quan hệ… mà phải đánh giá khách quan như một kỳ sát hạch nghiêm túc.
Quốc hội sẽ thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm vào chiều nay
Ở kỳ thi sát hạch đó, người coi thi, hỏi thi độc lập về mối quan hệ tình cảm, nhóm lợi ích với thí sinh; phải trung thực, liêm chính, phải vì cử tri vì sự phát triển chung của xã hội. Nếu làm tốt hai vấn đề trên thì tôi nghĩ lá phiếu đã phản ánh đúng bản chất, năng lực của đại biểu quốc hội.
Sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm ông mong muốn điều gì ở những người được lấy phiếu tín nhiệm lần này.
- Tôi mong chờ ở một kết quả phán ánh đúng sự thật về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, tài sản của người được lấy phiếu tín nhiệm, dù tốt hay chưa tốt. Vì nếu phản ánh đúng sự thật là chúng ta đã quyết tâm loại trừ yếu kém và phát huy thế mạnh của đại biểu.
Mặt khác, đây là cơ sở để cân nhắc bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước và cử tri cũng được biết phần nào việc lựa chọn đại biểu của mình là đúng và trúng hay chưa.
Tôi tha thiết mong các vị đại biểu quốc hội phải là những người đủ thông minh để dẫn dắt, đánh giá, để quyết định sáng suốt đưa đất nước lên tầm mới. Tôi mong họ phải hết lòng vì cử tri; vì cử tri mà phục vụ, vì Tổ quốc mà làm việc và nói phải đi đôi với làm.
Sau khi có kết quả, đại biểu phải nhận thức rõ hơn về những điều chưa làm được với cử tri; phải cố gắng giữ lời hứa và đặc biệt phải trung thực với chính mình và tổ chức, với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân.
Xin cảm ơn ông!
Link gốc: https://1thegioi.vn/la-phieu-tin-nhiem-cua-dbqh-phai-khach-quan-vi-cu-tri-chu-dung-vi-moi-quan-he-207962.html