Phá rừng tại gốc
Gần đây dư luận ở xã biên giới Quang Thọ, huyện Vũ Quang xôn xao, bất bình về tình trạng rừng tự nhiên bị chặt phá để trồng keo trái phép. Trước sự việc trên, phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị đã thâm nhập địa bàn, tìm hiểu thực tế.
Nhiều cây gỗ lớn tại tiểu khu 160 bị chặt phá và tẩu tán ra khỏi rừng
Thời điểm phóng viên có mặt tại tiểu khu 160 (ngày 11 và 12/5) được chứng kiến nhiều diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá, đốt cháy nham nhở. Hiện trường còn lại là những gốc cây đường kính khoảng 14 - 35cm, thân cây gỗ lớn đã bị tẩu tán ra khỏi rừng. Cành lá, ngọn cây, thảm thực bì… bị đốt thành tro bụi. Cả khu rừng một thời xanh tươi, nay trở nên trọc lóc, xám xịt dưới cái nắng oi bức, khốc liệt của những ngày đầu mùa Hè.
Tại hiện trường chỉ còn những gốc cây gỗ đường kính khoảng 14 - 35cm
“Rừng tự nhiên bị chặt phá, xâm lấn để trồng keo. Lợi ích kinh tế chỉ mang lại cho một bộ phận người dân, còn hậu quả của phá rừng thì cả cộng đồng phải gánh chịu. Theo tôi, các cấp có thẩm quyền cần vào cuộc ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng phá rừng trái phép để trồng keo” - ông Nguyễn Văn H. ở xã Quang Thọ bức xúc phản ánh.
Qua tìm hiểu, xác minh chỉ trong thời gian ngắn (từ tháng 3 - 5/2023) trên địa bàn xã Quang Thọ liên tiếp xảy ra 2 vụ phá rừng tự nhiên với tổng diện tích bị sẻ phát, chặt phá, bao chiếm là 7.670m2, địa điểm bị chặt phá tại lô 9, khoảnh 5, tiểu khu 159 và lô 8,9,10,11, khoảnh 5, tiểu khu 160.
Hiện trạng rừng bị chặt phá là rừng tự nhiên. Trong đó, diện tích đã giao cho 12 hộ gia đình, cá nhân quản lý theo Đề án 3952 là 2.460 m2; rừng của UBND xã Quang Thọ quản lý là 4.490 m2; Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê quản lý là 800 m2.
Tổng diện tích rừng bị người dân sẻ phát, chặt phá, bao chiếm để trồng keo ở xã Quang Thọ là 7.670m2
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Quang Thọ Nguyễn Hùng Cường cho biết, trong số diện tích bị chặt phá thì rừng có cây thân gỗ là 3.120 m2. Qua kiểm đếm đã có 36 gốc cây bị chặt đường kính từ 14 - 35cm, gỗ từ nhóm 4 đến nhóm 8, còn lại là rừng cây dây leo, bụi rậm..
“Hiện tại các vụ phá rừng tự nhiên đang được chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng kiểm lâm, công an điều tra, xử lý theo quy định. Rừng bị chặt phá, xâm lấn cách xa khu dân cư khoảng 5km. Sự việc xảy ra, địa phương thừa nhận là chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại gốc, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải nói thêm là vai trò của kiểm lâm địa bàn chưa được phát huy, thông tin phá rừng cũng chỉ do người dân phát hiện, cung cấp mà thôi” - ông Nguyễn Hùng Cường lý giải.
Đâu là nguyên nhân?
Rừng tự nhiên ở xã Quang Thọ bị chặt phá, xâm lấn trên diện rộng để trồng keo. Sự việc diễn ra khá nghiêm trọng, nhưng điều nghịch lý là chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng lại không phát hiện, xử lý kịp thời. Đến khi rừng đã bị chặt phá, đốt cháy nham nhở, lúc đó các cấp có thẩm quyền mới vào cuộc điều tra, xác minh thì mọi việc dường như đã muộn.
Bởi trên thực tế việc phá hàng nghìn m2 đất rừng để trồng keo không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai mà thường phải mất một thời gian rất dài. Đó là chưa kể đến khi người dân ồ ạt phá rừng, đốt rừng tự nhiên quy mô lớn sẽ gây xôn xao dư luận hoặc các dấu hiệu bất thường do lan truyền khói bụi trong không gian.
Nhiều gốc cây gỗ dấu cưa còn rất mới
Trao đổi với phóng viên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vũ Quang Tôn Quang Thanh cho biết, khu vực rừng tự nhiên bị chặt phá, xâm lấn ở xã Quang Thọ nằm giáp ranh giữa rừng của Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê và rừng do hộ gia đình quản lý. Giữa rừng có đường lâm nghiệp nên người dân lợi dụng bao chiếm, chặt phá để trồng keo.
“Đơn vị đã phối hợp với các bên liên quan lập biên bản hiện trường và đang tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ vụ phá rừng. Chúng tôi được giao quản lý, bảo vệ gần 50.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, nhưng chỉ có 11 cán bộ kiểm lâm thì không thể tuần tra, kiểm soát được tình hình nên mới để xảy ra vụ chặt phá rừng đáng tiếc” - ông Tôn Quang Thanh thông tin.
Lực lượng kiểm lâm Vũ Quang tiến hành kiểm tra, xác minh, lập biên bản hiện trường vụ chặt phá rừng
Chặt phá rừng tự nhiên để trồng keo, trước hết do nhu cầu, lợi ích kinh tế của một bộ phận người dân đã bất chấp các quy định của pháp luật, lén lút hoặc công khai phá rừng trái phép. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng quá mỏng, công tác phối hợp với chính quyền địa phương chưa đồng bộ, kịp thời, được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phá rừng tự nhiên trên diện rộng ở xã Quang Thọ.
Liên quan đến vụ chặt phá, xâm lấn rừng tự nhiên tại xã Quang Thọ, ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã nắm được tình hình vụ việc. Quan điểm của tỉnh là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong Nhân dân, chủ động ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Bên cạnh vai trò của lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng thì chính quyền huyện, xã cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống chặt phá, xâm lấn rừng tự nhiên. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu phát triển rừng bền vững” - ông Nguyễn Văn Việt chia sẻ.