Làng Bia được gắn với Di tích Bia Tiết Phụ được xây dựng vào năm Vĩnh Trị thứ 3 đời vua Lê Hy Tôn (1678) tại xã Đông Lỗ, huyện Thạch Hà, nay thuộc khối phố Nhật Tân, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).
Sở dĩ người dân nơi đây gọi quê hương của mình là Làng Bia bởi lẽ gắn với Di tích Bia Tiết Phụ được xây dựng vào năm Vĩnh Trị thứ 3 đời vua Lê Hy Tôn (1678) tại xã Đông Lỗ, huyện Thạch Hà, nay thuộc khối phố Nhật Tân, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).
Bia Tiết Phụ ghi lại sự tích về hai người vợ của Thạch Quận công Nguyễn Văn Chất là bà Nguyễn Thị Đã và bà Nguyễn Thị Năng, hai chị em người Lê Xá, xã Đông Lỗ. Thạch Quận Công Nguyễn Văn Chất quê ở xã Đông Lỗ, là vị quan đời vua Lê Chân Tông, trong khi thân chinh đi đánh giặc Tàu Ô đã anh dũng hi sinh (năm 1648 niên hiệu Phúc Thái thứ 6) và được truy tặng Tán tị công thần đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Thạch Quận Công. Sau khi Thạch Quận Công mất, hai chi em bà Nguyễn Thị Đã và Nguyễn Thị Năng điều chưa có con, cả hai điều còn trẻ và xinh đẹp nhưng ở vậy nuôi người cháu họ làm con để thừa tự. Triều đình nhà Lê nghe tin cho triệu vào Kinh, ban thưởng rất hậu, phong cho hai bà là Trinh tiết quân phu nhân, cấp cho 10 mẫu ruộng, lại ban cho biển ngạch đề ba chữ Hán “Tiết Phụ Môn”.
Bia Tiết Phụ có hình trụ chữ nhật làm bằng chất liệu đá Thanh Hóa. Bia cao 1,85m mỗi mặt bia rộng 0,73m. Nội dung văn bia ghi lại sự tích hết sức cảm động và đáng trân trọng của hai chị em bà Nguyễn Thị Đã, Nguyễn Thị Năng về sự chung thủy và tiết hạnh. Ngày nay, cứ đến ngày 12/5 âm lịch hằng năm là người dân Làng Bia lại cùng nhau dọn dẹp, chuẩn bị lễ cúng giỗ 2 bà.
Tình làng nghĩa xóm gắn với tục lệ xa xưa
Từ xưa cha ông ta hay nói rằng “lời mời cao hơn mâm cỗ” để thể hiện sự quan trọng của lời mời trong cuộc sống. Thế nhưng, ngay gần trung tâm TP Hà Tĩnh lại tồn tại một ngôi làng có phong tục “độc đáo” đó là ăn cỗ cưới mà chẳng cần gia chủ phải mời hay gửi thiệp hồng như các nơi khác. Họ chỉ cần nghe thông báo bằng loa với giọng nam trầm ấp áp của Trưởng thôn là cả dân làng cùng kéo nhau đến ăn cỗ. Đây là phong tục từ thời xa xưa được người dân lưu truyền đến bây giờ.
Để hiểu rõ hơn về ngôi làng kỳ lạ và nét văn hóa độc đáo có một không hai này, chúng tôi tìm đến Làng Bia để xem thực hư chuyện có đúng như mọi người vẫn đồn thổi hay không?
Cũng quan niệm như bao gia đình Việt khác đám cưới ở Làng Bia thường tổ chức vào những ngày đầu năm mới hay những ngày thu mát mẻ tháng 8, 9, 10 mới dễ “sinh tài sinh lộc”. Vào ngày trời đầu xuân mát mẻ, trước mắt chúng tôi là dàn rạp đám cưới còn bao trùm khoảng sân rộng ở nhà của bà Nguyễn Thị Phương. Trong gian nhà chính, các mâm sính lễ vẫn còn nguyên. Niềm nở, chị Phương nói: “Nhà tôi dọn khách 50 mâm mười, trong đó chỉ có 10 mâm khách phương xa là phải gửi thiệp”.
Lý giải cho việc mời không cần thiệp hồng, bà Phương vui vẻ này cho biết: “Đây là phong tục của làng, cả nhà tôi, rồi bà con cô bác, hàng xóm ai cũng quen với nó cả. Đám cưới là chuyện vui, nếu gửi thiệp thì có khác chi… đòi nợ”. Theo bà Phương, ngoài là gánh nặng tâm lý, việc đi gửi thiệp cưới cũng rất mất thời gian. “Nhà tôi ít khách, chứ nhà nhiều khách thì đi gửi thiệp rất bất tiện, lại tốn tiền in thiệp. Đó là chưa kể nhỡ mời sót nhà bà con thì rất xấu hổ”, người phụ nữ 50 tuổi lý giải.
Cụ ông Nguyễn Tất Đoan đang kể với PV về sự tích Làng Bia với nét văn hóa độc đáo có hiếu hỉ trong làng không cần gửi thiệp hồng mà chỉ cần thông báo bằng loa.
Để hiểu rõ hơn về phong tục “độc lạ” này chúng tôi tìm đến các vị cao niên trong làng. Đến thăm ngôi nhà của cụ ông Nguyễn Tất Đoan là một trong những bô lão trong làng, ông nói, tôi sinh sống ở đây và từ trước đến nay chưa hề có một tài liệu lịch sử nào ghi chép lại về tập tục này nên không ai biết rõ nguồn gốc xuất phát từ đâu. Chúng tôi chỉ biết đây là một nét đẹp văn hóa của làng, của cha ông đã để lại và truyền từ đời này qua đời khác, qua thế hệ này sang thế hệ khác. Cái này là nét đẹp riêng của làng nên cần phải gìn giữ và phát huy.
Ông Đoan còn cho biết thêm, bao đời nay vẫn vậy, Làng Bia mỗi lần có đám cưới thì không cần phải cầu kỳ như thiệp mời hay đi từng nhà mời như ở các nơi khác, mà dân ở đây chỉ cần truyền miệng nhau, sau đó nghe thông báo bằng loa nhà này có “cỗ” là dân làng tự biết để đến. Tôi vẫn nhớ ngày xưa đám cưới của con tôi, ngày đó vui lắm. Đúng 6h sáng nhà tôi bắn một quả pháo báo hiệu giờ vui đã đến, bà con kéo đến cùng chung vui với gia đình. Nhưng bây giờ Đảng và Nhà nước đã cấm đốt pháo nên chuyển sang thông báo bằng loa.
Tình làng nghĩa xóm của dân Làng Bia được thể hiện rõ nét và sâu sắc nhất qua mỗi dịp cưới xin. Hễ trong làng bất cứ nhà nào có đám cưới, không cần gia chủ phải mở lời mời thì các bậc bô lão có uy tín trong làng đều đứng ra kêu gọi người dân tới làm giúp, từ công tác chuẩn bị như trang trí, dựng rạp tới tổ chức hậu cần... Thậm chí, có hai gia đình trước đó có mâu thuẫn vô cùng gay gắt tưởng chừng như không thể hòa giải, nhưng nếu như một trong hai gia đình có đám cưới thì gia đình kia vẫn vui vẻ đến chúc mừng và giúp đỡ như những người thân thiết.
Không chỉ tiệc cưới, với những đám tang trong làng, bà con cũng thường đến nhờ ông thôn trưởng thông báo. Trong lúc tang gia bối rối, sẽ có những lúc gia chủ ngạc nhiên trước những người hàng xóm bình thường nhất. Họ sẽ giúp bưng bê trà nước, dựng rạp, và làm các việc như người thân trong nhà. Dù trước đó hàng xóm láng giềng chỉ từng chào nhau, thế nhưng như ông Võ Sơn Nam - một người dân của Làng Bia kết luận: “Tình làng nghĩa xóm, bà con quý mến nhau thì sẽ giúp nhau”.
Đây là một thói quen, nếp sống mang đậm màu sắc làng, xã, nông thôn Việt Nam đang được người dân Làng Bia giữ gìn, phát huy qua nhiều thế hệ. Đây là nét độc đáo mang đậm tính cộng đồng của người dân Làng Bia nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Thông báo bằng... loa
Với mong muốn ai cũng biết đến tiệc hiếu hỉ, bà con trong làng đã đề nghị đưa việc thông báo rộng rãi tin cưới vào quy ước của làng. Nhờ hệ thống âm thanh đặt tại nhà văn hóa của làng, trưởng làng đã phát không biết bao nhiêu tin đám cưới qua loa. Tận mắt nghe hình thức thông báo mới mẻ này, chúng tôi thật sự ngạc nhiên bởi một nét văn hóa lạ và độc đáo.
Bằng chất giọng trầm ấm nhưng rõ ràng, chắc chắn, người trưởng làng dõng dạc, phát tiếng vang vang: A lô, a lô, thay mặt gia đình ông Trương Quang Sơn trân trọng kính mời toàn thể cán bộ và nhân dân tổ dân phố Nhật Tân ngày mai vào hồi 11h gia đình ông có tổ chức lễ vu quy cho con. Vậy, tôi thông báo cho bà con tổ dân phố được biết để đến chúc mừng…
Nhờ hệ thống âm thanh đặt tại nhà văn hóa của làng, trưởng làng ông Trương Quang Dũng đã phát không biết bao nhiêu tin đám cưới qua loa.
Ông Trương Quang Dũng, trưởng Làng Bia gật gù: “Đây là lệ xưa nay của Làng Bia, chúng tôi cũng không biết nó có từ khi nào. Tục lệ này thể hiện cái tình, cái lý rất rạch ròi. Nếu nhà ai có việc hiếu hỉ, khách sẽ tùy cái tình thân sơ mà đến, không cần đợi mời. Ngược lại, nếu họ xét thấy chưa đủ thân, hoặc trong nhà đang kẹt tiền, thì việc không mời thiệp sẽ giúp họ vơi bớt gánh nặng khi không thể đi”.
Trải qua bao thăng trầm, tục lệ mời cưới bằng loa đã trở thành “đặc sản”, và ngày càng ăn sâu vào máu thịt người dân Làng Bia, đồng thời đây cũng là một niềm tự hào, để khi nhắc đến quê hương của mình, người dân Làng Bia lại phấn khởi khoe với mọi người về nét đặc sắc và độc đáo của nơi mình sinh ra và lớn lên.
Phong tục đi ăn cưới không cần mời chỉ cần thông báo bằng loa của người dân nơi đây thực sự là một nét đẹp văn hóa hiếm có cần được gìn giữ. Phong tục đó hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc về tình làng, nghĩa xóm về cách đối nhân xử thế giữa con người với con người, thể hiện tính cộng đồng trong khu dân cư trong thời kỳ đổi mới. Hiện nay, chính quyền địa phương cùng nhân dân đang nỗ lực kế thừa và phát huy những nét đẹp truyền thống của cha ông ta để lại, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng tươi đẹp hơn./.
Link gốc: https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/doc-la-lang-bia-o-ha-tinh-co-hieu-hi-khong-can-thiep-hong-chi-can-thong-bao-bang-loa-130429.html?