Căn bệnh đến chỉ từ vết thương nhỏ do gà mổ khiến 2 người ở Hà Nội tử vong

Thứ bảy - 28/10/2023 06:56
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 23 trường hợp mắc uốn ván, trong đó có 2 ca tử vong. Nhiều trường hợp bị uốn ván nguy kịch chỉ từ vết thương nhỏ như gà mổ, gai đâm… và hầu hết người bệnh đều không nghĩ mình sẽ mắc uốn ván nên chủ quan.
D2023102801 1
Bệnh nhân mắc uốn ván điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Mắc uốn ván từ những việc rất nhỏ

Trung tuần tháng 10.2023, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận và điều trị cho 2 ca bệnh được chẩn đoán mắc uốn ván.

Bệnh nhân thứ nhất là ông Đ.V.N (53 tuổi, ở Hòa Bình), có tiền sử khỏe mạnh. Trước khi nhập viện một tuần, ông N nhờ người quen tự cắt trĩ tại nhà. Sau cắt trĩ, ông xuất hiện tình trạng cứng hàm tăng dần, khó nói, khó nuốt, khó há miệng, ăn uống kém. Ông N nhập viện tại địa phương và được chẩn đoán mắc bệnh uốn ván.

Do tình trạng bệnh nặng, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng co giật, cứng hàm và được chẩn đoán uốn ván toàn thể.

Trường hợp khác là bà P.T.N (68 tuổi, ở Sơn La), trước khi nhập viện, bà N bị ngã ở chuồng lợn. Bà bị bầm tím, xây xát da vùng mông. Mặc dù có các vết thương hở nhưng bà N không xử trí các vết thương. 3 ngày sau đó, bà N xuất hiện cứng hàm, khó há miệng, sốt cao, xuất hiện cơn co cứng, co giật toàn thân. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, uốn ván toàn thể.

Tỉ lệ tử vong cao

BS Lê Khánh Ninh - khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, uốn ván là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani phát triển tại vết thương gây ra.

Thông thường trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ…

Một số trường hợp phẫu thuật hay nạo phá thai trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh cũng có khả năng bị nhiễm bệnh. Trẻ em sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh, gọi là uốn ván sơ sinh.

Các triệu chứng của bệnh uốn ván được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân mình như ngực, cổ, lưng, bụng và mông. Co các cơ thắt lưng tạo ra tư thế uốn cong lưng đặc trưng. Co thắt các cơ hô hấp ảnh hưởng đến việc hô hấp. Việc co cơ mạnh, đột ngột, kéo dài gây đau cơ, có thể rách cả cơ và gãy xương. Các triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, bồn chồn, khó chịu, bí tiểu, nóng rát khi đi tiểu và đại tiện mất kiểm soát.

Thời gian ủ bệnh thường trong khoảng 3- 10 ngày nhưng cũng có thể tới 3 tuần. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao. Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Co thắt thanh quản gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp; viêm phổi do hít vào dịch tiết của dạ dày, dẫn đến viêm phổi; thuyên tắc phổi; suy thận.

"Để tránh bị uốn ván, sau khi bị vết thương nên đến các cơ sở y tế để tiêm phòng uốn ván kịp thời. Các thủ thuật, phẫu thuật phải được tiến hành ở các cơ sở đủ điều kiện vô trùng", BS Lê Khánh Ninh khuyến cáo.

Theo Hà Lê Lao động

Link gốc: Căn bệnh đến chỉ từ vết thương nhỏ do gà mổ khiến 2 người ở Hà Nội tử vong (laodong.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây