Buôn bán động hoang dã trái pháp luật trên thế giới ước tính trị giá lên tới 20 tỷ USD mỗi năm.
Công khai rao bán trên mạng xã hội
Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học thuộc tốp đầu thế giới. Trong những năm qua đã có nhiều chủ trương, chính sách được ban hành nhằm bảo vệ, gìn giữ cũng như phát huy sự đa dạng sinh học. Tuy nhiên, bên cạnh các đóng góp và kết quả tích cực trong hoạt động bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, Việt Nam cũng nổi lên là một trong những điểm nóng của thế giới về hành vi buôn bán, săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép.
Ông Bùi Đăng Phong - Phó Giám đốc Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, nhận định tác động của con người đã đẩy tốc độ tuyệt chủng của các loài hoang dã trên thế giới hiện nay nhanh gấp 4.000 lần so với thời kỳ Đại tuyệt chủng của các loài khủng long.
Theo ông Phong, buôn bán động hoang dã trái pháp luật trên thế giới ước tính trị giá lên tới 20 tỷ USD mỗi năm. Việt Nam là điểm trung chuyển trong mạng lưới buôn bán động vật hoang dã toàn cầu với các chuyến hàng buôn lậu ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê đến từ châu Phi, sau đó tiếp tục được bán sang Trung Quốc.
Nêu lên thực trạng săn bắt động vật hoang dã, ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) nhấn mạnh, việc mua bán động vật hoang dã trái phép cũng diễn ra công khai trên mạng xã hội.
Qua ra soát soát trong 5 năm trở lại đây, ghi nhận 1.097 vụ rao bán các loài động vật với hơn 11.000 cá thể trên facebook và trang wedsite. Tuy người mua, người bán công khai nhưng lại ít bị kiểm tra, hoặc chưa có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp.
Cùng với đó, trên nền tảng Youtube cũng xuất hiện nhiều video với nội dung săn bắt động vật hoang dã. Đáng nói, những video này lại thu hút được nhiều sự quan tâm của cư dân mạng.
“Qua khảo sát với một từ khóa “săn bắt thú rừng”, chúng tôi đã tìm được hơn 50 kênh Youtube với hơn 6000 video có nội dung về săn bắt thú rừng. Những video này được sản xuất với tần suất dày và không được kiểm soát” - ông Hà cho biết đồng thời cảnh báo, việc tiêu thụ, ăn uống động vật hoang dã làm ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vì động vật hoang dã có rất nhiều ký sinh và mầm bệnh có thể lấy nhiễm, cùng với đó, chúng cũng là vật chủ trung gian truyền bệnh như cúm gà, SARS…
Đẩy mạnh truyền thông để thay đổi hành vi
Thực tế thời gian qua, hàng loạt các vụ buôn bán, vận chuyển vẩy tê tê, sừng tê giác, ngà voi và nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm đã bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ.
Theo cơ quan chức năng, buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã vào Việt Nam qua 3 tuyến đường chính. Đường bộ tập trung cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), Cầu Treo (Hà Tĩnh), một số cửa khẩu trên địa bàn Nghệ An, Cha lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị), Tà Nùng (Cao Bằng). Tuyến đường biển qua cảng Cát Lái (TPHCM), Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Hải Phòng. Tuyến hàng không gồm sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Nói về cơ chế xử lý vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Tiến sĩ Vương Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Cơ quan CITES Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, Nhà nước đã ban hành khung pháp lý đầy đủ, với các Luật như: Luật Hình sự sửa đổi năm 2017; Lâm nghiệp 2017, Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Thuỷ sản 2017… Theo đó, các hành vi sẽ bị xử lý gồm: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm Nhóm 1B hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp… hình phạt rất nặng, có thể bị xử phạt đến 15 năm tù, phạt đến 15 tỷ đồng. Chế tài là như vậy, song, dường như công tác bảo vệ và xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã vẫn rất khó khăn.
Bà Bùi Thúy Nga - Quản lý Chương trình cấp cao Traffic Việt Nam cho biết, khảo sát mới đây do Traffic thực hiện cho thấy, 8% trong số 863 người được hỏi thừa nhận có sử dụng hoặc mua các sản phẩm từ tê giác, voi hoặc tê tê trong vòng 12 tháng gần nhất; 8% mẫu khảo sát cho biết họ có ý định mua những sản phẩm này trong tương lai.
Cũng theo bà Nga, một trong những lý do người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm từ voi, tê giác, tê tê làm thuốc là vì sử dụng chúng dễ dàng và không có tác dụng phụ. Một số khác coi việc sử dụng các sản phẩm này là cách thể hiện đẳng cấp, địa vị của mình vì chúng rất quý hiếm, có giá trị cao. Chính vì vậy, theo bà Nga, bên cạnh khung chính sách, xử phạt nhằm giảm cầu các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật ở Việt Nam, giải pháp quan trọng là hướng tới thay đổi hành vi người tiêu dùng.