Một năm “đầy ắp” những bê bối trong ngành y khiến người ta thường xuyên phải nhắc tới hai “y đức”. Liên tiếp các vụ việc: tráo thủy tinh thể; “nhân bản xét nghiệm”; chết người ở phòng khám Maria... là những “tiên lượng” xấu về sự xuống cấp trầm trọng không chỉ về y đức mà còn về kẽ hở, bất cập trong công tác quản lý y tế. Và vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường giám đốc Trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường (ở số 45 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm chết, phi tang xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, ở 36 Hàng Thiếc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) có thể như thêm một giọt nước tràn ly. Ngay lập tức sự viêc đã làm nóng hành lang nghị trường Quốc hội dù các đại biểu đang phải thảo luận một vấn đề rất lớn của đất nước đó là Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992. Rất nhiều đại biểu “sốc” trước hành động vô nhân tính của bác sĩ Tường.
Không còn là “hồi chuông cảnh báo” về y đức mà như cách nói của đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội): ở một số cán bộ trong ngành y có sự xuống thấp đến cực điểm rồi và không thể xuống thấp hơn được nữa. Vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường phải có giải pháp mang tính chất đột phá ngay, khống chế luôn sự xuống cấp về y đức của một số cán bộ và phải xử lý thật nghiêm.
Ngay sau sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã đưa ra lời xin lỗi có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế Hà Nội báo cáo thông tin liên quan đến thẩm mỹ viện làm chết khách hàng và vứt xuống sông Hồng phi tang. Nhưng đáng lẽ ra việc cần làm lúc này là phải yêu cầu Sở Y tế có thống kê phác họa được một cách đầy đủ và chân thực “bức tranh” về các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe tư nhân (bao gồm có phép và hoạt động chui). Bởi có như vậy thì mới có thể đưa ra giải pháp, tránh những vụ việc đau lòng tương tự xảy ra.
Một trong những nguyên nhân thường được nhắc đến để ngụy biện cho xự “xuống cấp” của y đức và văn hóa kinh doanh trong lĩnh vực y tế là chạy theo lợi nhuận, thậm chí là siêu lợi nhuận của một số bác sĩ mà không tính đến những hậu quả gây ra. Chưa có thống kê chính thức về doanh thu của các cơ sở y tế tư nhân nhưng nhiều người cho rằng con số này rất cao.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: “Y đức không chỉ là một tiêu chí nghề nghiệp ma là một giá trị nhân văn trong xã hội. Tuy nhiên, môi trường không lành mạnh, quá nhiều kẽ hở như hiện nay đã làm xói mòn y đức. Điều quan trọng nhất lúc này là chế tài xã hội, chế tài pháp luật. Bên cạnh ngành Y tế quản lý, cần xem trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc. Bên cạnh đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp phép, cơ quan thuế...
Rõ ràng, không thể kêu gọi thực hiện y đức bằng khẩu hiệu mà cần phải có những chế tài và cơ chế giám sát hiệu quả. Qua vụ việc trên khó có thể nói rằng Bệnh viện Bạch Mai - cơ quan chủ quản (đối diện Cát Tường) và cơ quan quản lý y tế không hề biết nhân viên của mình cũng như trung tâm thẩm mỹ hoạt động chui - Thẩm mỹ viện Cát Tường do bác sĩ Tường làm chủ cũng chưa được cấp phép làm các thủ thuật về ngoại khoa để chỉnh sửa thẩm mỹ.
Cách đây không lâu, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, người phát ngôn của Chính phủ nói rằng: việc quan trọng không phải là xử lý cá nhân, tập thể khi xảy ra vụ việc. Điều quan trọng là phải rà soát lại lý do, nếu cơ chế sơ hở chỗ nào thì phải sửa đổi và điều chỉnh, hoặc nếu do lý do chính trị tư tưởng thì phải chấn chỉnh chung... một mặt nâng cao y đức, một mặt xem lại quá trình xã hội hóa đầu tư y tế.
Hi vọng, vụ việc đau lòng tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường không phải là một tiên lượng! Nói như ông Đam, thay vì lời xin lỗi, đã đến lúc người dân mong đợi vào một cam kết và hành động thực sự quyết liệt của Bộ Y tế !
Theo Phan Nam ddn.com.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn