Bà bày tỏ mong ước: “Tôi thì tuổi đã cao không biết sống chết lúc nào, chỉ thương bọn trẻ, vì sinh ra trong gia đình quá nghèo khó mà phải chịu khổ. Chúng không được ăn học đến nơi đến chốn, nhà lại quá nghèo nên khó mà kiếm được việc làm ổn định. Tôi chỉ mong sao hai đứa cháu có thể kiếm được việc làm, lao động chân chính tự nuôi sống bản thân để không phải suốt đời đi ăn xin và nhặt ve chai như tôi và mẹ chúng”. Bà chỉ có một con gái, nhưng chị này tâm thần không ổn định, cũng mưu sinh bằng nghề của mẹ. Bà mong hai đứa cháu ngoại có cơ hội kiếm một nghề nghiệp ổn định hơn, không phải sống bằng tiền làm phúc của thiên hạ …
Sinh con 6 lần đều không trọn vẹn
Mấy chục năm qua, gia đình bà Diện đã sinh sống trong ngôi nhà nhỏ tuềnh toành cuối nhà. Gia đình bà không chỉ nghèo nhất nhì trong xã, mà còn thuộc diện “nghèo có truyền thống”.
Bà Ngô Thị Diện sinh ra ở xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, bố mẹ bà mất khi bà còn rất nhỏ. Không bố mẹ, không anh em, bà phải đi ở nhờ hết nhà này đến nhà khác trong họ hàng.
Vốn là một phụ nữ không được ưa nhìn, lại nghèo khó côi cút nên mãi đến hơn 30 tuổi thiếu phụ vẫn không có nổi một tấm chồng để làm chỗ dựa.
Sau rồi qua mai mối, bà Diện nên duyên vợ chồng với một người đàn ông cũng đã qua một đời vợ. Điều éo le là vợ ông 14 lần mang thai nhưng cũng không sinh được đứa con nào.
Sau khi cưới, hai vợ chồng bà Diện sinh sống ở quê của bà một thời gian, sau đó phiêu bạt về xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân. Không có nổi tiền để cất một ngôi nhà đàng hoàng, họ đành xin xã dựng một túp lều tạm bợ cuối làng để có nơi trú mưa trú nắng.
Bà Diện nhớ lại: “Lúc đó cuộc sống hai vợ chồng tôi rất nghèo khổ, tôi thì côi cút còn bố mẹ ông ấy cũng đã mất. Hoàn cảnh cả hai bên gia đình đều rất khó khăn. Hai vợ chồng cứ lang thang khắp nơi xin ăn, tối đâu là nhà ngã đâu là giường”
Tuy nhiên, số phận như muốn đày ải đôi vợ chồng tội nghiệp, bà Diện sau 5 lần sinh con đều không nuôi được. Hai vợ chồng như rơi vào tuyệt vọng khi mơ ước nhỏ nhoi là có đứa con cho vui cửa vui nhà cũng không thành.
Đến năm 1969, bà lại mang thai, lần này bà sinh được một người con gái đặt tên là Nguyễn Thị Phương. Hai vợ chồng lúc đó mừng vui khôn xiết, tuy nhiên hạnh phúc của họ cũng không kéo dài được bao lâu.
Đứa con gái duy nhất càng lớn càng có những biểu hiện của bệnh tâm thần. Quá đau khổ, ông Hóa đã đổ bệnh rồi qua đời khi con mới được 5 tuổi. Từ đó bà Diện rơi vào cảnh mẹ goá con côi.
Hằng ngày bà Diện ôm đứa con nhỏ bệnh tật đi khắp các làng xóm, chợ búa xin ăn. Nhiều hôm không xin được gì hai mẹ còn đành phải nhịn đói, có khi hai ba ngày họ cũng không có hạt cơm nào vào bụng. Những lúc ấy, thấy con gái lả đi vì đói, bà Diện chỉ biết ôm con mà khóc.
Thời gian trôi qua, chị Phương dần lớn lên. Nhưng dù con gái đã 20 tuổi nhưng bà vẫn phải chăm sóc, bởi đứa con gái của bà tính tình “ương ương, dở dở” chẳng làm được gì, suốt ngày đi lang thang khắp nơi. Hàng ngày chị Phương cùng người mẹ già vẫn tiếp tục đi xin ăn. Nhiều khi chị bỏ nhà đi lang thang khiến người mẹ hốt hoảng đi tìm cả ngày trời mới thấy.
Người bà gần 80 tuổi gửi niềm hi vọng vào hai đứa cháu nhỏ
Một đêm năm 1993, trong lúc ngủ quên ngoài bãi biển, chị Phương bị một kẻ lạ mặt cưỡng bức. Vì ngớ ngẩn nên chị cũng không nói sự việc cho mẹ biết. Chỉ đến khi thấy bụng con gái cứ to dần lên, bà Diện nghi ngờ tra hỏi thì mới vỡ lẽ...
Điều an ủi lớn nhất cho bà Diện là đứa cháu sinh ra bình thường khỏe mạnh chứ không mang căn bệnh tâm thần như mẹ. Từ khi có cháu Nguyễn Văn Hiếu, tuy cuộc sống khó khăn hơn nhưng ngôi nhà nhỏ luôn rộn rã tiếng cười của trẻ thơ.
Bảy năm sau, chị Phương lại bị cưỡng bức. Lần này, chị sinh được một bé gái, đặt tên là Nguyễn Thị Thảo. Với một gia đình bình thường, nuôi hai đứa con đã vất vả thì với gia đình bà Diện, điều đó khó khăn gấp ngàn lần. Hai đứa bé phải sống cảnh thiếu thốn đủ thứ, thậm chí nhiều lần phải nhịn đói vì bà và mẹ chúng không xin được gì.
Bà Diện nghẹn ngào chia sẻ: “Tội nghiệp con gái tôi, nó có biết gì đâu, sinh con ra không biết bế con, không biết cho con bú. Tất cả mọi việc đều một tay tôi lo hết”.
Mới mấy tuổi đầu, Hiếu và Thảo đã phải theo bà và mẹ đi lang thang khắp nơi để kiếm sống. Vì thường xuyên thiếu ăn nên hai đứa trẻ lúc nào cũng gầy gò ốm yếu. Hai anh em Hiếu và Thảo nhìn các bạn trong xóm được đi học mà chỉ biết thèm thuồng. Hiếu bảo: “Vì tụi em không có nơi ăn chốn ở ổn định, không có giấy tờ gì, làm sao mà đi học được?”
Hiện hai em bé đang ở tuổi đến trường chỉ biết bập bè vài con chữ do người bà già nua dạy lại.
Gần 80 tuổi nhưng hiện nay bà Ngô Thị Diện vẫn phải lang thang khắp các khu chợ để mưu sinh qua ngày. Do tuổi cao nên bà không còn đủ sức đi xa, chỉ quanh quẩn các chợ và khu dân cư trong xã để xin ăn.
Cho đến gần đây, thương cảm cho hoàn cảnh gia đình bà Diện, đôi vợ chồng trong xã làm quản lí chợ Cương Gián đã cho chị Phương và con trai đến làm việc quét dọn chợ và trông xe cho họ. Nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình bà Diện cũng đỡ vất vả hơn nhiều, bà Diện cũng bớt đi gánh nặng.
Bà bày tỏ mong ước: “Tôi thì tuổi đã cao không biết sống chết lúc nào, chỉ thương bọn trẻ, vì sinh ra trong gia đình quá nghèo khó mà phải chịu khổ. Chúng không được ăn học đến nơi đến chốn, nhà lại quá nghèo nên khó mà kiếm được việc làm ổn định. Tôi chỉ mong sao hai đứa cháu có thể kiếm được việc làm, lao động chân chính tự nuôi sống bản thân để không phải suốt đời đi ăn xin và nhặt ve chai như tôi và mẹ chúng”.
Theo Baophapluat.vn