Tướng lĩnh và nhân sĩ, trí thức viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ sáu - 09/06/2017 23:30
Nguyên Giáp đã ra đi. Chúng ta xúc động và tự hào về tình cảm của đông đảo nhân dân trong nước và quốc tế với những lời tốt đẹp nhất dành cho Đại tướng. Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh xin trích những trang viết của các vị tướng lĩnh từng chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng và nhân sĩ trí thức Việt Nam về Tổng Tư lệnh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trung tướng Đồng Sĩ  Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn kể lại: đầu năm 1973, ông hướng dẫn Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi thăm cụm trọng điểm ATP trên tuyến đường chiến lược Hồ Chí Minh. Tối hôm đó, ông Nguyên về ghi lại trong hồi ký: “Những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên trọng điểm này của vị Tổng Tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật sự thấm đậm tình người, lắng sâu tâm khảm chúng tôi, không thể nào quên...”. Cố Thượng tướng Trần Văn Trà khẳng định: “Anh Văn có hạnh phúc lớn là được hưởng niềm yêu mến gần như tuyệt đối của toàn quân. Nói một cách khác, trong toàn quân, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người giữ được uy tín gần như tuyệt đối từ ngày thành lập quân đội đến nay. Võ Nguyên Giáp không phải là một Tổng Tư lệnh nướng quân. Võ Nguyên Giáp là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu mỗi chiến binh”. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Từ Internet

Nhà giáo nhân dân - Giáo sư, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây nguyên - Chỉ huy trưởng trận đánh Buôn Ma Thuột, Thượng  tướng Hoàng Minh Thảo viết: “Ngay khi chuẩn bị giải phóng Tây nguyên, ông cũng đã phán đoán đến khả năng: nếu địch thua ở Tây nguyên, chúng có thể sẽ rút chạy về co cụm ở đồng bằng. Quả đúng như vậy, từ đó ông đã chỉ đạo gối đầu chiến dịch Huế - Đà Nẵng và kế tiếp chiến dịch Hồ Chí Minh với thế đánh địch “như chẻ tre”. Ông đã chỉ huy các mũi tiến công của đại quân ta bằng mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc  hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. 

Trung tướng Đồng Văn Cống, nguyên Phó Tư lệnh Miền (tức Phó Tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam thời chống Mỹ, cứu nước) nhớ lại: “Lần đầu tiên gặp đồng chí Tổng Tư lệnh tại thành cổ Hà Nội, tôi xúc động đến chảy nước mắt. Anh Văn siết chặt tay tôi, rồi đột nhiên, lặng lẽ ôm tôi. Anh nghe tôi kể về tình hình quân và dân ta tại Bến Tre và Nam bộ... Anh Văn thân mật hỏi thăm vợ con tôi và nhắc tôi phải giữ gìn sức khỏe vì mùa đông Hà Nội rất lạnh”. Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1: “Anh Văn yêu thương cán bộ và chiến sĩ. Tấm lòng Anh đối với toàn quân thật rộng lớn. Võ Đại tướng còn là con người điềm tĩnh. Trong những năm tháng bão táp của đời mình, kể cả cho đến hôm nay, Anh vẫn giữ vững nguyên tắc đoàn kết, nguyên tắc tính Đảng và nguyên tắc tổ chức”.

Cụ Trương Quang Phúc - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hán Nôm Quảng Bình, viết bốn câu thơ bằng chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ: “Thế giới nghìn xuân mấy tướng tài/ Trường sinh đắc thọ chỉ mình Ngài/ Quảng Bình linh địa sinh nhân kiệt/ Thấu cõi trăm năm nghĩa rộng dài”. Nhà báo, nhà giáo Hồ Đắc Cơ đã khắc họa về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Văn lo vận nước Văn thành võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hạnh phúc lớn là được sự tin yêu ngưỡng mộ hầu như tuyệt đối của toàn quân và toàn dân, sự kính trọng của nguyên thủ quốc gia nhiều nước và bạn bè quốc tế. Đảng bộ và nhân dân quê hương Quảng Bình đề tặng: “Quảng bá uyên thâm vị tướng tài/ Bình sinh nợ nước nặng hai vai/ Ghi sâu công trạng ngời trang sử/ Ơn nghĩa nhân sinh thắm đượm hoài”.

 Xin được chép lại hai câu trong bài thơ của tác giả Hải Đăng để thay lời kết: 
“Võ Đại tướng lừng danh muôn thuở
Nghiệp non sông còn mãi với nhân gian”.   

Theo Phạm Xuân Trường CATP

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây