"Chân con liệt, nhưng đầu óc không liệt…"
Anh Võ Tá Huy (SN 1983) là con thứ ba trong gia đình nghèo có năm anh em ở xã Thạch Hà (TP. Hà Tĩnh). Năm chưa đầy hai tuổi, Huy bị trận ốm "thập tử nhất sinh" dẫn đến tai biến, chân tay co quắp lại. Suốt tuổi thơ, Huy đã phải sống trong sự tự ti, mặc cảm của thân phận tật nguyền. Thương con, bố mẹ Huy đã phải bán tất cả tài sản quý giá nhất để đưa con đi chữa bệnh nhưng vô vọng. Bà Nguyễn Thị Nghĩa - mẹ anh Huy tâm sự: "Dù liệt chân và tay trái nhưng Huy là một cậu bé rất thông minh, luôn khát khao được đến trường. Khi cháu lên lớp 1, vợ chồng tôi định cho nó nghỉ học vì đi lại quá vất vả thì cháu khóc rồi van xin rằng, chân con bị liệt nhưng đầu óc con không liệt. Con sẽ tập luyện để tự đến trường, nghe con nói, vợ chồng tôi chỉ biết cố gắng thay nhau đưa cháu tới trường".
Đôi vợ chồng khuyết tật vượt lên số phận được mọi người khâm phục
Từ đó, bất kể mưa nắng, Huy đã tự đến trường, hoàn thành chương trình học cấp 1 rồi cấp 2. Nhưng học hết lớp 9, Huy đã phải nghỉ vì quãng đường từ nhà đến trường THPT phải mất hơn 10km, trong khi đó điều kiện gia đình lại hết sức khó khăn. Ước mơ lúc bấy giờ là phải kiếm sống bằng chính năng lực của mình, bởi anh không muốn bố mẹ phải vất vả vì mình nữa. Huy đã nhờ bố sắm cho mình bộ đồ nghề để đi đánh giày.
Hàng ngày, Huy lê la tìm đến các quán cà phê, quán ăn để đánh giày. Sau gần nửa năm trời thì vận may đến, tình cờ Huy gặp được ông Hoàng Sỹ Thu (giám đốc trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật Hà Tĩnh) được ông đưa về học tin học và chẳng bao lâu thì thành thạo nghề in lưới.
Cũng chính tại Trung tâm này, anh Võ Tá Huy đã gặp chị An và tình yêu bắt đầu đơm hoa. Chị Ngô Thị An (SN 1981) cũng có một số phận bi đát không kém. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, cuộc sống triền miên với những ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Nhưng so với bạn bè cùng trang lứa, An thấy mình thật may mắn vì được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Trở thành thiếu nữ, mơ ước về ngày được cắp sách vào giảng đường đại học luôn thường trực trong An.
Được cha mẹ và anh chị ủng hộ, An hăng hái dự thi đại học Vinh. Thế nhưng, dù rất cố gắng nhưng qua hai năm liền đèn sách, An vẫn trượt. Chán nản, An đã theo bạn cùng làng vào làm công nhân tại nhà máy cao su Phú Riềng với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.
Với mức lương khá cao, An cũng tiết kiệm được chút vốn gửi về quê cho bố mẹ an dưỡng tuổi già. Nhưng số phận thật cay nghiệt, trong một lần đứng máy chế biến mủ cao su, không may An bị máy cuốn vào gầm khiến cho đôi chân của cô dập nát hoàn toàn. Hơn ba tháng nằm điều trị ở bệnh viện với nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, dù đã nỗ lực hết sức nhưng các bác sỹ chỉ cứu được chân phải của An, còn chiếc chân trái phải cắt bỏ, vì bị hoại tử.
Khuôn mặt trầm ngâm, An chia sẻ: "Ngày bị nạn, em sốc lắm, nghĩ cuộc đời đã hết. Sau khi được đưa về quê, hơn hai năm ròng, đêm nào em cũng khóc vì đau đớn, vì hổ thẹn và mặc cảm tật nguyền. Có những khi bước xuống giường, cứ nghĩ đôi chân mình còn lành lặn, em ngã xuống giường, đau lắm!".
An không dám đi ra ngoài vì sợ hàng xóm nhìn thấy, người ta chỉ trỏ, bàn tán. Mãi tới hơn ba năm sau, An mới dám bước chân ra đường tiếp xúc với mọi người xung quanh. Sau đó, không để bố mẹ phải khổ tâm vì mình, An quyết tâm sang TP.Vinh học nghề may quần áo để tự kiếm sống. Khi đã thành thạo tay nghề, An trở về quê và làm thuê cho một tiệm may nhỏ.
Cũng chính tại tiệm may này, cuộc đời An bước sang trang mới. Một lần, có người khách trung tuổi đến may đồ tại tiệm, thấy An đang loay hoay may vá, ông liền gợi ý cho cô làm hồ sơ vào Trung tâm Dạy nghề dành cho người khuyết tật tỉnh Hà Tĩnh. Sau bao đêm suy nghĩ, An đã làm hồ sơ và được nhận vào Trung tâm. Những ngày đầu vào sống với các bạn cùng cảnh ngộ, gặp nhiều bạn có hoàn cảnh éo le hơn, An nghĩ mình còn may mắn quá. Từ đó, cô trở nên tự tin và cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Chuyện tình có hậu
Tình yêu của Huy và An đến như một cơ duyên trời định. Hai năm sống trong trung tâm Dạy nghề dành cho người khuyết tật tỉnh Hà Tĩnh, họ đã quen nhau. Ban đầu giữa hai người chỉ là là sự đồng cảm, sẻ chia nhưng tình cảm với An trong Huy ngày càng lớn dần. Và một ngày, Huy ngỏ lời yêu với An. Lúc đó, An đã không tin nổi vào tai mình, tâm trạng của cô rối bời hạnh phúc pha lẫn sự hoang mang. Nhưng chính tình yêu chân thành của Huy đã chinh phục được trái tim cô.
Chính từ tình cảm chân thành đó, Huy quyết định lấy An làm vợ. Rồi một ngày, Huy giới thiệu bạn gái nhưng bố mẹ Huy đã kịch liệt phản đối. Không chỉ ngăn cấm Huy lên nhà An chơi, bố mẹ Huy còn lên nhà An để cầu xin cô từ bỏ con trai họ. Bởi bố mẹ Huy nghĩ, hai người tật nguyền đến với nhau thì sau này cuộc sống sẽ ra sao, chỉ làm khổ nhau mà thôi!.
Bố mẹ An đồng ý nhưng bị bố mẹ Huy phản đối, dù thuyết phục thế nào cũng không được. An và Huy thậm chí đã nhờ lãnh đạo Trung tâm đến thuyết phục bố mẹ Huy nhưng đều không thành. Kiên quyết bảo vệ tình yêu của mình, An và Huy đã tổ chức đám cưới ngay tại Trung tâm. Ngày cưới, không có mâm cỗ, không có anh em bên nội, đó chỉ là bữa tiệc ngọt với sự góp mặt của bạn bè, các bác lãnh đạo và hơn hết là sự có mặt của bà con trong phường đến chia vui.
Huy và An nên vợ nên chồng hạnh phúc của họ càng được nhân lên gấp bội khi cuối năm 2009, An sinh đứa con đầu lòng, đặt tên là Võ Sỹ Hoàng. Tiếp đến, năm 2011, cháu thứ hai là Võ Hoàng Việt Phương ra đời đã làm cho tổ ấm của họ tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.
Cưới xong, hai vợ chồng vẫn ở lại Trung tâm để đi làm, đến năm 2011, hai vợ chồng mới chuyển về ngôi nhà mới được bố mẹ hai bên và anh em giúp đỡ xây dựng tại xóm Đông Đoài, xã Thạch Hạ. Sau khi An sinh con trai đầu lòng, nhìn thấy đứa cháu bụ bẫm, đáng yêu, bố mẹ Huy đã lên nhà ngoại đón hai mẹ con An về sống cùng. Lau vội dòng nước mắt, An tâm sự: "Về sau, ông bà thương em nhiều lắm. Để được như ngày hôm nay, em thấy mình thật hạnh phúc, dù ông trời đã cướp của em một bên chân nhưng đã bù đắp cho em một người chồng thương yêu và biết sẻ chia cùng hai đứa con. Đối với em, điều này như một giấc mơ vậy!”.
Ngôi nhà nhỏ cuối xóm luôn ngập tràn tiếng cười hạnh phúc. Hằng ngày, An cần mẫn nhận đồ của những tiệm trên phố để sửa, còn Huy với những kiến thức về in ấn, anh đã đứng ra nhận in thiếp cưới, bao bì… để kiếm thêm thu nhập.
Nhìn bóng dáng tập tễnh của đôi vợ chồng tật nguyền đứng cạnh nhau, chúng tôi phải thán phục. Dẫu biết con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai, thử thách nhưng chúng tôi tin chắc rằng, dù khó khăn đến mấy, họ vẫn sẵn sàng vượt qua, bởi họ đầy ý chí và nghị lực…
Theo Hà Hắng (Đời sống & Pháp luật)