LTS: Tác giả Cecil B. Currey, giáo sư Sử học đã giảng dạy Lịch sử tại trường Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ), được đánh giá là một trong những sử gia xuất sắc về lịch sử chiến tranh. Ông viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau khi thăm Việt Nam năm 1997, đã được Đại tướng tiếp ở nhà riêng. Khampha.vn xin trích đăng một phần trong cuốn sách "Võ Nguyên Giáp – Chiến thắng bằng mọi giá" mà GS. Cecil B. Currey viết về Đại tướng. |
Kỳ 2: Tướng Giáp: “Mang trong tâm hồn vết thương...”.
Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái quen nhau năm 1928, khi Quang Thái đến nhờ Võ Nguyên Giáp giới thiệu vào hoạt động trong phong trào học sinh ở Huế.
Khoảng cuối năm 1930, trong các hoạt động nhằm ngăn chặn làn sóng phản kháng của đám trí thức trẻ, cảnh sát Pháp bắt một số đối tượng tình nghi. Pháp bắt được Nguyễn Thị Quang Thái, một cô gái mới 15 tuổi, học sinh trường nữ học Đồng Khánh ở Huế. Pháp cũng bắt được Võ Nguyên Giáp, GS Đặng Thai Mai, Võ Thuần Nho...
Ngày cưới, cô dâu mặc chiếc áo dài màu đỏ thêu
Trong nhà tù Lao Bảo, Võ Nguyên Giáp đã có cơ hội tìm hiểu Quang Thái kỹ hơn. Lớn hơn Quang Thái 4 tuổi, Võ Nguyên Giáp thấy cô gái có duyên và sớm nhận ra bản chất của những tình cảm quyến luyến của mình đối với cô gái.
Mười ba tháng sau khi bị giam trong nhà lao, Võ Nguyên Giáp được tin chính quyền thuộc địa đã quyết định giảm án cho những ai bị kết án dưới 4 năm. Những ai được tha trước thời hạn đều phải trở về quê quán chịu quản thúc cho đến khi mãn hạn tù. Hai người bước qua ngưỡng cửa nhà giam năm 1932.
Suốt một thời gian dài, ông chểnh mảng với cuộc sống riêng của mình. Tranh thủ lúc bớt bận rộn, ông đã nghĩ đến chuyện xây dựng hạnh phúc riêng. Đó là vào năm 1939 ở tuổi 28, Võ Nguyên Giáp trở lại Vinh và xin cưới Quang Thái làm vợ.
Đại tướng và phu nhân, bà Quang Thái, trong một lần chụp ảnh tại Hà Nội
Trên nhiều phương diện, họ tìm hiểu và yêu nhau vì có chung một lý tưởng. Theo Võ Nguyên Giáp kể lại, “cả hai cùng chung một niềm tin, cùng đặt hy vọng vào một sự nghiệp chung”. Giáo sư Đặng Thai Mai, ân nhân của Võ Nguyên Giáp tán thành việc hôn nhân này. Tháng 3/1939, hai người làm lễ thành hôn. Cô dâu Quang Thái, người nhỏ nhắn, trong ngày cưới mặc chiếc áo dài màu đỏ thêu, chiếc quần dài trắng, đầu vấn khăn vành dây truyền thống gắn vòng kim tuyến vàng óng.
Ở thời đó cũng như bất cứ thời nào về sau, Võ Nguyên Giáp không nói ra ngoài với ai cuộc sống của ông với Quang Thái ra sao. Cũng giống như mọi người khác, thường dè dặt ít kể về việc riêng tư của mình. Tuy nhiên, các bạn thân của ông trong những năm sau đó thường nhận xét rằng thời kỳ tiếp theo cuộc hôn nhân đó là thời kỳ hạnh phúc nhất trong đời ông.
Vết thương không thể xóa nhòa
Ngày 1/9, Đức chiếm Ba Lan và những ngày hòa bình ở châu Âu nhường chỗ cho cuộc chiến tranh kéo dài sáu năm và lan rộng khắp thế giới. Ngày 26/9, chính phủ Pháp cấm Đảng Cộng sản ở Pháp cũng như ở hải ngoại và phát lệnh bắt giữ hầu hết những người lãnh đạo quan trọng nhất của Đảng.
Võ Nguyên Giáp và Quang Thái tỏ ra kín đáo, thận trọng, cố gắng sống bình thường như mọi người. Ngày 4/1/1940, Quang Thái sinh hạ một bé gái và họ đặt cho con cái tên xinh đẹp là Hồng Anh. Như mọi cặp vợ chồng trẻ khác, cả hai đều rất hài lòng và hạnh phúc.
Những ngày thanh bình đó chỉ kéo dài vài tháng. Tháng 9/1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất để phản đế và đặt ưu tiên vào việc giải phóng Việt Nam khỏi ách thuộc địa.
Nguyễn Ái Quốc hiện đang ở Trung Quốc và đã bắt đầu liên lạc với Ban chấp hành Trung ương Đảng. Theo lời khuyên của Nguyễn Ái Quốc, tháng 4/1940, Ban Chấp hành Trung ương quyết định cử Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc để ra lệnh lên đường. Họ tính đến khả năng sẽ phát động một phong trào du kích bên trong Việt Nam.
Võ Nguyên Giáp cho Quang Thái biết dự định của mình. Cô rất phấn khởi đòi được đi với chồng sang Trung Quốc. Võ Nguyên Giáp phản đối, cho rằng như vậy càng gây thêm khó khăn, chuyến đi phải giữ hoàn toàn bí mật. Nếu chỉ có hai người, chuyến đi có thể không gặp nguy hiểm nhưng nay nếu đi cả bốn người thì tình hình sẽ khác. Có thể gây nguy hiểm cho bé Hồng Anh và điều gì sẽ xảy ra nếu khi đi đường bé bị ốm.
Đảng đã quyết định cho Quang Thái và chị là Nguyễn Thị Minh Khai sẽ ở lại Việt Nam tiếp tục giữ liên lạc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con gái Hồng Anh
Võ Nguyên Giáp và Quang Thái chia tay nhau trên bờ hồ Tây vào một buổi chiều thứ Sáu, ngày 3/5/1940. Ông kể lại, Quang Thái, bé Hồng Anh đợi tôi ở đường Cổ Ngư, ngày nay là đường Thanh Niên. Bế con trên tay hai người sóng đôi theo hồ như mọi người đi dạo mát. Võ Nguyên Giáp đeo kính đen để học trò không nhận ra. Hai người thong thả bước bên nhau, cố giữ thái độ ung dung bình thường như một cặp tình nhân.
“Em hãy ráng tìm người tin cậy gửi con, để có thể rút vào bí mật”. Võ Nguyên Giáp tâm sự với vợ, đặt lên hàng đầu yêu cầu của Đảng. Quang Thái trong tâm trạng bị giằng xé giữa cơn xúc động làm mẹ và sự trung thành với Đảng, cô không cầm được nước mắt, bật tiếng khóc.
Sau khi Võ Nguyên Giáp đi xa và gửi được con, Quang Thái cùng với Minh Khai vội vã đi khỏi Hà Nội trở về làng ở Vinh. Bị cảnh sát truy lùng, Minh Khai bị bắt tháng 7/1940. Bọn cai ngục đã bịt mắt cô và đem bắn tại Hóc Môn gần Sài Gòn, ngày 25/4/1941.
Quang Thái trốn thoát được sự truy lùng của cảnh sát cho đến tháng 5/1941 cũng bị mật thám Pháp bắt tại Vinh. Trước khi bị bắt, cô đã kịp giao con gái mới một tuổi rưỡi cho cô em, để thu xếp gửi bé về cho ông bà nội ở An Xá trông hộ. Trong nhiều năm, ông bà đã nuôi dưỡng chăm sóc cháu nội như cha mẹ nuôi con.
Người Pháp đưa Quang Thái về giam tại nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội. Quang Thái bị đem ra xử ở tòa án binh vì âm mưu chống lại an ninh của nước Pháp và bị kết án khổ sai chung thân. Quang Thái đã hy sinh chỉ vài tuần sau khi Minh Khai bị xử bắn.
Rất lâu sau đó, Võ Nguyên Giáp mới biết tin về việc Quang Thái và Minh Khai bị bắt rồi hy sinh. Ông cũng không biết tình cảnh khó khăn mà cô con gái đầu lòng của ông – Hồng Anh – đã phải trải qua. Cùng với những đau đớn đó là tin thêm về người cha bị tra tấn đến chết trong nhà lao Huế.
Theo nhiều người đã từng quen biết Võ Nguyên Giáp từ trước, nếu trở thành con người sắt đá cương nghị những năm sau không phải chỉ vì ông có tinh thần quốc gia dân tộc hay chủ nghĩa cộng sản mà còn do ý muốn trả thù cho những người thân của mình.
Hồng Anh từng nói về người cha của mình với những lời lẽ đầy thương yêu: “Ông mang trong tâm hồn những vết thương mà thời gian không bao giờ có thể xóa nhòa được”.
(Trích cuốn sách Võ Nguyên Giáp – Chiến thắng bằng mọi giá)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn