- Từng mất 3 năm để tìm hiểu về cuộc đời và những cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho vở kịch "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên", cảm giác của anh trong những ngày qua khi nghe tin dữ về ông như thế nào?
Tôi bị hẫng hụt ghê gớm. Vì còn một chương trình nữa tôi muốn làm về Người với quê hương nhưng không kịp thực hiện. Buồn lắm và rất khó để nói ra hết tâm trạng của mình, có cái gì đó rất chới với...
- Với khoảng thời gian anh nghiên cứu và tìm hiểu về Đại tướng để cho ra vở kịch "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên" chắc hẳn trong trái tim anh, Đại tướng có vị trí rất quan trọng?
Trước hết tôi là nhà văn Quảng Bình, vinh dự cùng quê với Đại tướng. Được viết gì đó về Đại tướng là một ước mong. Nhưng viết về Đại tướng rất khó vì hầu như ai cũng biết về Đại tướng. Bên cạnh đó sự vĩ đại của Người lại ở sự giản dị, khiêm tốn, sự kiên trì…là tài hoa lỗi lạc về quân sự, và ông còn là một hình mẫu xứng đáng trên tư cách của một cán bộ lãnh đạo cao cấp, tư cách của một người đàn ông lớn.
- Là người con Quảng Bình - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh đã có dịp gặp gỡ Đại tướng chưa và những cảm xúc, kí ức của anh về vị Đại tướng của nhân dân như thế nào sau mỗi lần gặp mặt đó?
Tôi đã gặp Đại tướng một lần, ngồi nói chuyện quê hương với ông, nghe ông nhắc đến cả món ăn bánh bèo, bánh cuốn Đồng Hới mà thời bé, khi ông từ huyện Lệ Thủy lên Đồng Hới học vẫn hay ăn. Ông nhớ rõ cả địa chỉ của mấy cái quán ngày xưa đó. Tôi cũng nói chuyện với ông về mình, về nghề viết, ông chỉ dặn, cháu là nhà văn Quảng Bình, phải viết cho ra khí chất của người Quảng Bình, nhân hậu, chịu thương chịu khó, thẳng thắn, dũng cảm, chăm chỉ và bao dung.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh. |
Khi biết ông đã rất yếu, lúc đó ông 100 tuổi, tôi quyết định viết kịch bản sân khấu "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản hùng ca Điện Biên", viết về một khoảng thời gian quan trọng bậc nhất của dân tộc, làm nên tên tuổi ông, về cái thời điểm lịch sử giải phóng Điện Biên ấy. Nhưng tôi khai thác theo hướng nhân văn của Đại tướng, theo hướng một vị tướng cầm quyền nhưng biết quý trọng từng giọt máu của người chiến sĩ, và bao giờ, trong những giây phút khó khăn nhất, ông đều nghĩ tới quê hương mình.
Trong vở diễn có cảnh, khi Đại tướng thức trắng đêm để quyết định kéo pháo ra với chủ trương, chắc thắng mới đánh, tôi cho vang lên tiếng hát ru con theo điệu dân ca Lệ Thủy quê ông, như lời an ủi, động viên của quê hương với đứa con mình đã giữ trọng trách lớn ngoài mặt trận.
Lúc nào cũng vậy, trong tôi, hình ảnh của Đại tướng luôn chất chứa, như là một hình tượng sống để mình noi theo, như là điểm tựa tinh thần mỗi khi mình khó khăn, ông là Thánh, là niềm an ủi to lớn với nhiều thế hệ Quảng Bình chúng tôi, và như tôi đã từng viết: ông là Người đàn ông Lớn của làng mình, là một Nhân dân Lớn.
- Thấy anh chia sẻ là muốn linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa về Quảng Bình theo đường bộ. Tại sao anh lại có mong ước này?
Tôi nghe tin ông mất và mất ngủ suốt đêm, không biết sao lúc nào mắt cũng ngân ngấn lệ. Rồi tôi nghĩ, ôi, giá như đoàn xe đưa linh cữu của ông đi dọc đường Quốc lộ 1 A, như là cách để ông chào lần cuối đồng bào, đồng chí, chào các cựu chiến binh để ông ra đi và cũng là dịp để nhân dân được trực tiếp tiễn chân ông về an giấc ngàn thu tại quê hương Quảng Bình yêu dấu, nơi vùng quê nghĩa nặng tình sâu của mình.
Dù vẫn biết điều ước của mình khó thực hiện, nhưng tôi nghĩ, điều ước của tôi được nhiều người ủng hộ, vì đó cũng là điều ước của nhân dân./.
Theo (GDVN)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn