|
Hàng nghìn người đã tới tiễn đưa ông Nguyễn Tài Dũng. Ảnh: Anh Tuấn |
Tất cả mọi người tham dự đám tang đều xót xa, không kìm được nước mắt trước sự gào thét ai oán của người góa phụ Phạm Thị Hà.
“Cho tôi ôm chồng tôi một tí!” Tôi tìm về Thanh Văn trong chiều hoang lạnh khi nhận được hung tin một vị lãnh đạo ngành công thương xứ Nghệ - người từng có thời gian giữ chức Chủ tịch công đoàn ngành thương mại tỉnh này - vừa bất ngờ thiệt mạng do lũ cuốn vào lúc 22h30 đêm hôm trước.
Đập vào mắt là nền trời u ám một màu mây bàng bạc, thỉnh thoảng lại “nhả xuống” đợt mưa thưa thớt khiến không gian khu đồi xây cất mộ chí trở nên thê lương hơn bao giờ hết. Tiếp tục lội qua những bãi cỏ may phủ đầy con đường mỏng mảnh, tôi tiến lại sát vị trí Nguyễn Tài Vinh (con trai trưởng của ông Dũng) đang ôm di ảnh đứng trước chiếc quan tài bên trong có chứa xác cha em. Nhìn lướt qua mới thấy, ngay bên trái di quan là người thiếu phụ đang vật vã, ngất lên ngất xuống vì nỗi đau đớn tột cùng ập đến quá bất ngờ.
Sau khi các nghi thức, phong tục truyền thống kết thúc, xác ông Dũng được chuyển về huyệt mộ. Quãng đường từ nhà tang lễ lên điểm chôn cất không xa lắm, nhưng hàng trăm người tiễn đưa trong đám tang đều phải rơi lệ trước sự khóc thương thảm sầu của bà Phạm Thị Hà.
|
Thi hài ông Nguyễn Tài Dũng được chôn cất ngay phía dưới ngôi mộ chứa di cốt GS Nguyễn Tài Cẩn. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo những gì bà Hà kể sau chiếc quan tài, thì ông Dũng rời nhà đi làm lúc 13h30 ngày 1.10. Vợ ông có ngăn rằng: “Anh đang đau mắt, xin nghỉ ở nhà em lo thuốc thang khỏi rồi hãy đến cơ quan. Song ông Dũng không nghe, việc ở nhiệm sở đang trong lúc nóng bỏng nhất, cả tỉnh đều tập trung cứu trợ vùng lũ. Mình là lãnh đạo càng phải gương mẫu chứ”.
Nói rồi ông xách cặp ra khỏi nhà. Bà Hà không thể ngờ tới, đó lại là lần chồng mình ra đi mãi mãi không bao giờ trở về ngôi nhà ấm áp và tràn đầy tình thương yêu, hạnh phúc.
Người góa phụ gào khóc thấu tận trời cao: “Đừng có đưa chồng tôi đi nữa. Anh Dũng ơi, anh Dũng. Anh về với vợ với con đi, anh Dũng ơi là anh Dũng ơi, Dũng ơi. Anh rời nhà từ hôm qua tới chừ không về. Anh đi làm rồi đi luôn thế này ư. Răng anh ác rứa! Anh đi sướng anh, anh bỏ em lại ri rồi từ nay mỗi bữa trưa, mỗi khi đêm về em nấu cơm, ai sẽ về ăn cùng đây, trời ơi là trời?”.
Bà Hà bấu hai bàn tay vào chiếc quan tài níu kéo lại để nói lên những lời thốt ra từ tâm can của mình mà bấy lâu vẫn luôn giấu kín trong lòng với người chồng luôn đặt công việc lên trên và hết mực thương yêu chăm sóc gia đình. Suốt mấy chục năm qua, kể từ ngày hai người nên duyên vợ chồng, ông Dũng miệt mài chặng đường đèn sách, rồi quanh năm suốt tháng lăn lộn với công việc ở cơ quan. Việc chăm sóc con cái gần như một tay bà Hà đảm đương tất cả.
“Suốt 30 năm qua, anh cứ đi biền biệt như rứa. Cứ tưởng giờ hai con lớn rồi, em đã nghỉ hưu, ít năm nữa anh cũng về hưởng chế độ, vợ chồng sớm hôm sum vầy có ông, có bà. Khoảng thời gian cuối đời, mình sẽ chia sẻ mọi buồn vui, tâm sự bao điều mà năm tháng trôi qua chưa nói hết. Giờ anh bỏ mẹ, bỏ em, bỏ con mà đi một chắc (một mình), anh nói răng đây? Cho tôi ôm chồng tôi một tí mồ, từ bữa qua tới giờ tôi đã nhìn thấy chồng tôi mô”- bà Hà kêu gào thảm thiết.
Người cán bộ tận tụy Sinh ra và lớn lên trên vùng đất khoa bảng thuộc phủ Thanh Chương xưa, lại là con cái dòng dõi, ngay từ nhỏ chàng trai Nguyễn Tài Dũng đã có ý thức tự giác cao. Sẵn tố chất thông minh, ông tu chí học tập, dùi mài kinh sử nên thầy cô, bạn bè quý mến. Tròn 20 tuổi, ông Dũng vào làm việc ở Nhà máy dệt Minh Khai, đóng tại TP.Vinh. Trong quãng thời gian 4 năm (1982-1986), ông được lãnh đạo ghi nhận, đồng nghiệp nể phục nên tín nhiệm bầu giữ chức tổ trưởng sản xuất, tổ trưởng công đoàn.
|
Hai con trai ông Dũng bàng hoàng trước hung tin cha chết đột ngột. Ảnh: Anh Tuấn |
Chín năm tiếp đó, Nguyễn Tài Dũng rời đơn vị công tác tiếp tục chặng đường đèn sách, anh theo học Nga văn tại Đại học Công đoàn Hà Nội và Đại học Công đoàn Liên Xô cũ rồi theo học ở Học viện Quan hệ lao động - xã hội Liên bang Nga. Trở về nước, ngay lập tức, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch CĐ ngành thương mại Nghệ An rồi đi học cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Trở về quê hương vào năm 2002, ông Dũng giữ chức Chủ tịch CĐ ngành thương mại; đến năm 2006, người cán bộ mẫu mực này lên giữ chức Phó giám đốc Sở thương mại kiêm Chủ tịch CĐ ngành. Tháng 4.2008, khi sáp nhập Sở Công nghiệp và Sở Thương mại, ông Dũng tiếp tục giữ chức Phó Giám đốc Sở Công thương cho tới nay. Quá trình công tác, ông Dũng từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; được tặng Huy chương Vì sự nghiệp CĐ, Huy chương Vì sự nghiệp thương mại...
Trao đổi với PV Báo Lao Động ngày 2.10, ông Phan Thanh Tịnh - Giám đốc Sở Công thương Nghệ An - cho biết: Chiều 1.10, sau khi ăn cơm xong, ông có nhận lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu điều 20 tấn mì tôm ra cứu trợ người dân thị xã Hoàng Mai. Ông Tịnh đã giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Tài Dũng trực tiếp thực hiện.
Lúc này, ông Dũng đang ăn cơm chúc mừng một số cán bộ mới về Sở Công thương công tác. Ngay lập tức, ông Dũng lên đường cùng tài xế Nguyễn Minh Cường trên chiếc xe ôtô 7 chỗ ngồi. Ông Dũng ra tới Hoàng Mai lúc 21h, lúc này trời mưa, nhân lực bốc dỡ không có. Trước hoàn cảnh trên, ông Dũng gọi điện về báo cáo với ông Phan Thanh Tịnh cho chở một ít mì tôm, nước uống bằng xe ôtô con mang ra phục vụ lực lượng cứu hộ cũng như nhân dân vùng lũ đang nhịn đói và bám trụ trong mưa lạnh.
Khoảng 22h, ông Dũng rời chỗ bốc hàng, do xe ưu tiên phục vụ cứu trợ nên các điểm trạm gác cảnh báo phải cho đi. Khi qua khỏi cầu Hoàng Mai được 1km, tài xế đánh lái tránh chiếc canô trong điều kiện đêm tối và mưa xối xả nên bánh trước bị sập xuống cống khiến chiếc xe nhanh chóng chìm vào biển nước.
Lái xe nỗ lực chui ra nên thoát chết. Riêng ông Dũng do đang ngồi gọi điện chỉ đạo công việc cứu trợ không kịp phản ứng nên tử nạn trong tư thế vẫn đeo dây an toàn ở ghế phụ. Theo quan sát tại hiện trường cho thấy, có thể lúc xe ngập nước, ông Dũng đã cố đấm vỡ kính nhưng không đạt được kết quả như mong muốn.
Không có điểm gì xấu Tại đám tang, đâu đâu tôi cũng nghe mọi người thì thào với nhau về sự tiếc thương vô hạn trước cái chết đột ngột do mưa lũ của ông Nguyễn Tài Dũng. Ngoài bạn bè, người thân, cơ quan còn có hàng trăm người dân khắp làng trên, xóm dưới ở quê hương Thanh Văn, nhiều người khác từ TP.Vinh, nơi gia đình ông Dũng cư trú cũng bất chấp điều kiện mưa gió vẫn vượt hàng chục cây số để về đây tiễn đưa vị Phó giám đốc tới nơi an nghỉ cuối cùng.
|
Chiếc ôtô cùng xác ông Nguyễn Tài Dũng được tìm thấy sáng ngày 2.10 tại thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Anh Tuấn |
Chị Nguyễn Thị Hoa - giảng viên Trường Đại học Vinh - kể rằng: Chị sinh ra lớn lên cùng quê với ông Dũng, giờ lại là hàng xóm của gia đình vị Phó giám đốc này ở nơi phố thị nên hiểu khá rõ về nhân cách con người ông.
“Vừa tròn hai tuổi đời, Nguyễn Tài Dũng đã phải chịu cảnh thiệt thòi do cha mất sớm. Một mình bà Tám (mẹ ông Dũng) ở vậy nuôi hai chị em trưởng thành. Mặc dù sống ở thành phố nhưng tuần nào ông Dũng cũng ghé về quê thăm mẹ. Ông ấy từng làm cán bộ, lãnh đạo tổ chức công đoàn nên rất nhiệt tình, sống chan hòa tình cảm với mọi người. Về nhà là ông Dũng mặc quần đùi, áo cộc ra đường thấy mọi người đánh bóng thì lao vào chơi liền chứ không quan cách. Tóm lại, ông ấy không có điểm gì xấu” - chị Hoa nói.
Ông Phan Thắng - TBT Tạp chí Văn hóa Nghệ An - tâm sự: “Nguyễn Tài Dũng chết do lũ khiến cả triệu người sửng sốt, cả triệu người thương cảm, xót xa, tiếc nuối vì sự ra đi quá thương tâm. Tôi biết Dũng qua thầy Nguyễn Tài Cẩn và rồi anh em quý, trọng nhau. Chị gái tôi gặp Dũng cũng thường nói: “Cậu Dũng tử tế thật, gặp nhau lúc nào cũng chào, hỏi thăm tỉ mỉ. Hằng năm Nguyễn Tài Dũng vẫn tổ chức và lo toan mọi thứ cho cuộc gặp mặt các công nhân làm việc cùng thời với anh ở Nhà máy dệt Minh Khai. Năm tới đây, vắng Dũng, chưa biết ai sẽ lo cho cuộc gặp này của những người thợ nghèo!”.
Theo Anh Tuấn Laodong.com.vn