Trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, sự cố ở trụ cầu Vĩnh Tuy mà báo chí và dư luận đang lên tiếng phản ánh hiện nay đã được phát hiện từ mấy năm trước, nhưng không cơ quan chức năng báo cáo cáo lại.
Về nguyên nhân dẫn đến nứt các trụ cầu, theo ông Liêm thường có 2 lý do chính là độ co ngót bê tông và sức chịu lực vượt quá giới hạn của cây cầu. Mỗi nguyên nhân đều có những đặc điểm riêng của nó.
Tuy nhiên, TS Liêm tỏ ra “chưa thyết phục” với nguyên nhân do co ngót bê tông từ những vết nứt tại trụ cầu Vĩnh Tuy, vì thực tế những sự cố này xảy ra ở đoạn giữa, và lại là vết nứt dọc. Nguyên nhân này có thể đã đánh giá nhẹ hơn về độ nguy hiểm của những vết nứt.
Còn đối với nguyên nhân chịu lực do lực ép từ trên xuống, nếu bê tông xấu có thể xảy ra nứt giữa, tạo ra những lỗ hổng. Mặt khác nguyên nhân xảy ra vết nứt cũng có thể do lệch tâm, khiến bên co bên dãn. Ngoài ra chất lượng công trình xấu cũng có thể bị nở, trụ cầu bị lún xuống.
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng |
Cũng theo nguyên Thứ trưởng xây dựng, hiện cơ quan chức năng mới chỉ đề cập đến độ rộng, dài, nhưng một khía cạnh quan trọng nhất mà chưa được đề cập tới là độ sâu của vết nứt thế nào.
TS Liêm phân tích, nếu vết nứt không sâu, chỉ xảy ra ở bề mặt thì có thể do co ngót bê tông. Đó chỉ là những vết nứt kiểu hình chân chim. Trường hợp này hay xảy ra ở những công trình thủy điện.
Nhưng nếu vết nứt sâu thì sẽ rất nguy hiểm, có thể bị co ngót cả khối chứ không chỉ riêng bề mặt và sẽ ảnh hưởng đến cốt thép bên trong. Vết nứt sâu, nước sẽ ngấm vào khiến phần cốt thép bị han gỉ sẽ càng nguy hiểm hơn.
“Nguyên nhân những sự cố này cần phải được chuyên gia xem xét cẩn thận, không nên làm vội vàng. Cần một đơn vị độc lập để làm công việc này” – ông Liêm nói.
Cần kiểm tra độ sâu vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy ể đánh giá mức độ nguy hiểm. Ảnh IT |
Theo Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng, đơn vị kiểm định phải xem lại khâu thiết kế cũng như nhật ký thi công cầu Vĩnh Tuy. Để qua đó xác định thợ triển khai thế nào, làm đêm hay ngày, điều kiện thời tiết ra sao, bê tông lấy ở đâu, có làm mẫu thử không, tỷ lệ nước trên xi măng thế nào, ai giám định?…
Điều quan trọng là phải thường xuyên theo dõi sát sao, đánh dấu xem vết nứt đến đâu. Tại vị trí xảy ra sự cố cần trát lại xi măng xem nó còn nứt tiếp không, xem vận tốc phát triển ra sao. Nếu vết nứt tiếp tục nở to là nó đang phát triển lên. Ông cho rằng, khi xảy ra sự cố thì phải làm hết các phương án để tìm nguyên nhân, phòng ngừa.
“Tôi muốn biết độ sâu của vết nứt thế nào. Có thể bây giờ công trình vẫn an toàn, người dân và các phương tiện yên tâm khi lưu thông. Nhưng nếu vết nứt sâu, gây han gỉ sắt sẽ rất nguy hiểm. Có thể bây giờ không xảy ra sự cố, nhưng nếu vết nứt nguy hiểm, chất lượng công trình xuống cấp, dần dần cũng có nguy cơ dẫn đến sập cầu” – TS Phạm Sỹ Liêm cảnh báo.
Trong chuyến khảo sát mới đây, cả đơn vị giám sát và Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đều khẳng định cầu Vĩnh Tuy vẫn nằm trong phạm vi an toàn, người dân hoàn toàn yên tâm khi lưu thông.
Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vẫn yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra độc lập vào làm việc, đồng thời phải tiến hành rà soát lại toàn bộ chất lượng hệ thống cầu treo trên địa bàn thủ đô, để đảm bảo an toàn đến mức tối đa cho người và các phương tiên lưu thông. Cần tuyệt đối tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra như vụ đứt cáp gây sập cầu treo mới đây tại một bản làng ở Lai Châu.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn