Suy thoái đạo đức văn hóa ngay từ lễ hội

Thứ bảy - 10/06/2017 03:29
“Biết rồi khổ lắm, nói mãi”, nhưng không nói thì cảm thấy ấm ức trước những điều rất phản cảm, thiếu văn hóa qua những lần đi lễ hội chùa, đền vào dịp đầu xuân. Bao trùm lên nhiều lễ hội là khung cảnh chen lấn lộn xộn, là sự lấn át hoàn toàn của không khí chợ búa, tranh giành với ngập tràn tiền thật, tiền âm phủ cùng những lời cầu xin, khấn vái.
Hoạt động mê tín dị đoan ở đền Chợ Củi (Nghi Xuân - Hà Tĩnh)

Không ít người có mặt trong lễ hội đền Trần (Nam Định) ngày 13/2/2014 bây giờ nghĩ lại vẫn cảm thấy rùng mình khi hàng vạn người dẫm đạp lên nhau, nhảy qua hàng rào bảo vệ để tranh cướp lộc trong đền, tạo nên sự hỗn độn.

Tại lễ hội chùa Bái Đính và nhiều đền chùa khác trong cả nước, tiền lẻ nhét đầy tay và rơi ngập chân tượng. Nhiều bức tượng bị vẹt mòn chân tay vì người kia cầm, người khác nắm để được hưởng sự ưu ái độ trì, bao dung, che chở của thần linh.

Điều đáng buồn hơn, tại chùa Hương Tích (Can Lộc - Hà Tĩnh) đã xảy ra án mạng.

Án mạng trên chùa Hương vào ngày 6 Tết Giáp Ngọ

Xưa nay, nói đến lễ hội mùa xuân là người ta nghĩ ngay đến không khí vui tươi, nơi mọi người du ngoạn, thưởng thức khung cảnh bình yên nơi cửa Phật, cửa đền để mong sự an khang và may mắn. Nhưng điều đáng buồn là lễ hội ngày nay đã có sự biến tướng. Chốn cửa Phật, cửa đền vốn thâm nghiêm, thanh tịnh đã trở thành chốn trần tục để người đi lễ tranh nhau cầu xin, mua bán lợi lộc, quan tước, thậm chí cầu xin cả những điều phi pháp. Không ít thầy cúng, thầy bói, cô đồng “phất lên” nhờ dịch vụ khấn thuê, cúng thuê, lên đồng, bói toán.

Đó là những biểu hiện hoàn toàn trái với giáo lý đạo Phật luôn đề cao chữ tâm, sự từ bi, hỷ xả, coi thường lợi lộc, trái với tinh thần tôn vinh tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân nơi đền chùa, miếu mạo. Một điều đáng lo ngại là “căn bệnh” này đã có từ lâu và âm ỉ năm này sang năm khác nhưng chưa có “thuốc điều trị”.

Ai cũng biết những kẻ gieo nên “dịch bệnh” này không ai khác là những người tham gia lễ hội, trong đó không chỉ có dân thường mà còn nhiều cán bộ, đảng viên, công nhân, thầy giáo, học sinh - sinh viên... đủ mọi thành phần, lứa tuổi.

Đánh giá về tình trạng lễ hội biến tướng hiện nay có 2 biểu hiện chính: đó là sự trần tục và thương mại hóa. Nghĩa là những chuyện mua bán, chạy chọt, tranh cướp ngoài đời đã được những người đi lễ thực hành ở chốn đền miếu dù hình thức có khác nhau: thay vì những phong bì hối lộ là tiền lẻ hay vàng mã, tiền giấy và những mâm lễ cầu kỳ theo triết lý “trần sao âm vậy”. Nhưng dù thế nào thì bản chất của tâm lý xin xỏ, chạy chọt, mua bán lợi lộc, quan tước cũng không thay đổi. Điều đó phản ánh sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Sự khủng hoảng lòng tin trong một bộ phận không nhỏ nhân dân những năm gần đây đã được phản ánh đầy đủ, trung thực vào chốn đền chùa linh thiêng.

Tình trạng trên cũng cho thấy các biện pháp mà cơ quan chức năng áp dụng nhằm thiết lập lại trật tự trong các lễ hội vẫn chưa đem lại kết quả. Điều cần nhất là phải có những biện pháp đồng bộ, quyết liệt, với quy định thể chế thật nghiêm khắc và công tác kiểm tra, thanh tra cụ thể hơn nữa. Có như thế mới chấn chỉnh được những biểu hiện lệch lạc, lộn xộn nơi lễ hội và phục hồi nếp sống văn minh từ ngàn xưa của con Lạc - cháu Hồng.

TheoPhan Thế Cải Baohatinh.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây