Hàng ngày, cả lực lượng CSGT của Đội Hàng Xanh và của Công an quận Bình Thạnh đều có đi tuần tra qua khu vực hẻm 153 đường Quốc lộ 13. Nếu thấy có hành vi đi ngược chiều của người dân, lực lượng CSGT đều có tổ chức xử phạt nghiêm khắc.
“Khi lực lượng CSGT rút đi, mọi chuyện lại trở nên bình thường. Người dân lại ào ào đi ngược chiều như chưa từng có lệnh cấm. Vấn đề ở đây là ý thức tham gia giao thông của người dân còn quá kém”, một chiến sĩ CSGT thuộc Đội Hàng Xanh khẳng định.
Trong một cuộc hội thảo về văn hóa giao thông được tổ chức trước đây, ông Nguyễn Hữu Nguyên – Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM đã nêu lên một thực trạng khiến nhiều người không khỏi giật mình: Trong một cuộc khảo sát 400 người dân thì có đến hơn 70% khẳng định vi phạm do không nhìn thấy Công an, 55% do làm theo người khác và 54,3% là do vội trong công việc.
“Tất cả thuộc về ý thức, thái độ ứng xử của người tham gia giao thông”, ông Nguyên kết luận.
Một thực tế không thể chối cãi tại các con đường ở Sài Gòn là khi đường phố bị ùn ứ, chật chội, chuẩn bị xảy ra nạn kẹt xe là ngay lập tức, người dân bắt đầu leo lên lề đường để đi. Họ di chuyển bằng mọi cách miễn sao thoát khỏi dòng xe cộ đông đúc một cách nhanh nhất.
Ngay cả những người nước ngoài, khi đến với TP.HCM cũng xảy ra tình trạng vi phạm luật giao thông vì... bắt chước người Việt.
“Tại các quốc gia phát triển như Tokyo (Nhật Bản), họ kiểm soát giao thông bằng cách dùng công nghệ cao như 17.000 camera giám sát, còn ở Việt Nam thì trông vào CSGT, nên...”, ông Nguyên phân tích.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến, quan điểm đi ngược lại nhận định chung. Một chuyên gia tâm lý thuộc trường ĐH Sư Phạm TP.HCM lại cho rằng, khi xảy ra tắc đường, người dân phải tìm cách để di chuyển sao cho hợp lý, miễn là đừng gây khó cho người khác.
Các chuyên gia về giao thông cũng đề nghị cần xem xét lại việc cấp bằng lái xe máy và ô tô như hiện nay. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện tại nhiều trường Đại học ở TP.HCM, thật bất ngờ khi các chuyên gia nhận được kết quả có đến 60% tổng số sinh viên tham gia khảo sát nói rằng không hiểu biết về luật giao thông, có bằng lái để đối phó. Khoảng 50% sinh viên nói trước và sau khi có bằng lái đều đi giống nhau, không có gì thay đổi.
Đây là lỗi do cơ chế quản lý. Chính từ đây, văn hóa giao thông đang ngày càng trở nên xa lạ với người dân Sài thành, khiến giao thông TP.HCM đã rối loạn, nay lại càng thêm khó quản lý.
Tiến sỹ tâm lý Huỳnh Văn Sơn – Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM nêu quan điểm: Những thói quen không tốt trong văn hóa giao thông đã hình thành từ lâu trong người dân Sài Gòn, chủ yếu xuất phát từ sự giáo dục.
Theo Tiến sỹ Sơn, nếu không có chương trình giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường thì đừng mong sẽ có khái niệm văn hóa giao thông trên đường.
Hiện toàn TP.HCM có khoảng gần 2 triệu học sinh – sinh viên học tại hàng ngàn trường phổ thông, đại học, nên việc giáo dục ý thức tham gia giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước, sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng hình ảnh văn hóa giao thông hiện đại trong mắt du khách và bạn bè quốc tế.