Dù sự việc diễn ra đã được gần nửa năm nhưng đối với Đinh Bá Hải (SN 1991, trú tại xóm chợ Quán, xã Nghi Hoa, Nghi Lộc, Nghệ An) đó là chuyến đi kinh hoàng mỗi khi nhớ lại. Học hết cấp 2, Hải ở nhà. Không có trình độ nên khó có thể xin được một công việc vừa ý. Khi thấy một số người sang Australia làm ăn khấm khá, bố mẹ Hải quyết định đầu tư cho con đi một chuyến.
“Ông Thuận (Nguyễn Văn Thuận, trú xã Nghi Vạn, Nghi Lộc - PV) nói là sẽ đưa sang tới nơi. Vì mình đi theo đường bất hợp pháp nên sẽ bị đưa vào trại tị nạn. Vào đó, họ sẽ cho ăn uống sung sướng, cho học tiếng, học nghề rồi sẽ bố trí việc làm thu nhập cao”, Hải cho biết.
Tin tưởng vào lời hứa hẹn của ông Thuận, bố mẹ Hải đã chồng 6.000 USD cùng 10 triệu đồng để Hải được sang Australia. Ông Nguyễn Văn Trường - cậu ruột của Hải cũng đóng từng đó tiền để con trai là Nguyễn Văn Huế đi Úc. “Nhà tôi có mấy sào ruộng, kiếm mô ra số tiền lớn thế. Vay mượn anh em, cầm cố sổ đỏ cho ngân hàng để chồng cho đủ tiền đưa ông Thuận những mong sang Úc thằng Huế có công việc ổn định, kiếm tiền về trả nợ dần”, ông Trường kể. Vợ chồng ông Trần Văn Chính (xóm Đức Thành, xã Nghi Hoa) có cô con gái Trần Thị Thái 19 tuổi chưa có việc làm. Nghe theo ông Thuận, ông Chính cũng vay mượn để cho Thái sang Úc làm việc. Trong chuyến đi đến “miền đất hứa” này có 11 người, trong đó chỉ có Thái là nữ.
Khi chúng tôi tới nhà, Trần Thị Thái vẫn chưa hết bàng hoàng: “Em tưởng mình đã chết ngoài biển rồi chứ không nghĩ còn sống mà trở về. Giờ có cho vàng em cũng không dám đi”. Còn bà Châu, mẹ Thái thì thở dài: “Còn người là may rồi con ạ. Giờ thì về còng lưng mà trả nợ thôi”.
Chuyến vượt biển kinh hoàng
Cuối tháng 2/2013, Hải, Thái, Huế và 8 người khác được ông Nguyễn Văn Thuận đưa đến sân bay Vinh và giao cho một người đàn ông tên Tuân để vào Sài Gòn. Từ Sài Gòn, cả nhóm được đưa sang Indonexia với lời giải thích sẽ đi đường biển từ Indonexia sang Australia.
“Sang đến Indonexia, Tuân thu hết hộ chiếu của bọn em đồng thời thu thêm mỗi người 1.000 USD. Bọn em không chịu, chỉ đồng ý đưa 500 USD. Tuân giao bọn em cho 2 người nước ngoài và dẫn lên một con thuyền nhỏ, rách nát. Bọn em không chịu đi thuyền đó thì Tuân bảo đây chỉ là thuyền trung chuyển, thuyền lớn đang đợi ngoài kia”, Hải nhớ lại.
Yên tâm với lời cam đoan của Tuân, Hải và 10 người khác bước lên thuyền, không ngờ rằng mình đang đánh đu với thần chết. Hai người nước ngoài điều khiển thuyền, chở cả nhóm ra biển. Con thuyền rách nát, chòng chành dữ dội. Nước ào vào khoang thuyền. 5 người bị say sóng, nằm lả ra sàn. Số người còn lại thay nhau tát nước ra khỏi thuyền.
Hải kể tiếp: “Thuyền chạy mãi mà không thấy bất cứ một tàu đánh cá hay ngư dân nào. Mưa lớn, gió bắt đầu thổi mạnh, con thuyền chao đảo, có khi bị sóng đánh cho dựng đứng, các mảnh gỗ bắt đầu bong ra. Bọn em sợ hãi tột độ, nghĩ rằng chuyến này bỏ mạng ngoài biển rồi. Hai người nước ngoài bắt chúng em nhảy xuống biển nhưng không ai chịu.
Mọi người cởi áo nhét vào các lỗ thủng, thay nhau tát nước. Sau 3 ngày 2 đêm vật lộn trên biển, con thuyền tấp vào một đảo hoang. Chưa vào đến bờ thì bị sóng đánh vỡ đôi. Chúng em được các thổ dân trên đảo cứu sống. Họ gọi điện cho cảnh sát đến đưa chúng em đi. Còn 2 người đàn ông nước ngoài thì chạy trốn được”.
10 nam thanh niên được đưa vào trại tị nạn, Thái được đưa vào trại dành cho nữ. Sau 3 tháng sống kham khổ, thiếu thốn trong trại tị nạn ở Indonexia, 11 lao động Nghệ An được một tổ chức quốc tế đưa về nước. Toàn bộ tài sản, hành lý, tư trang bị mất sạch.
Trong thời gian các lao động được đưa vào trại tị nạn, ở nhà, bố mẹ của các nạn nhân tìm đến nhà ông Thuấn để yêu cầu ông này phải có trách nhiệm đưa con em mình về nước. Tuy nhiên, ông Thuấn chỉ trả lại cho mỗi gia đình 3.000 USD, số còn lại, ông này cho biết là đã giao cho Tuân nên không thể trả. Trong khi đó, liên lạc qua số điện thoại Tuân cho trước khi đi thì máy báo không liên lạc được.
Giấc mộng đổi đời nhờ xuất khẩu lao động “chui” không thành, gia đình các lao động phải ôm thêm một khoản nợ lớn. Vì mưu sinh, họ phải lăn lộn đủ nghề để kiếm tiền trả nợ. Ngày Nguyễn Văn Huế quyết định đi Úc thì người vợ mới mang thai. Đến khi trở về, nợ ngập đầu, Huế chẳng dám ở nhà mà bắt xe vào Sài Gòn phụ hồ, đến khi vợ sinh cũng chẳng có tiền mà về thăm. Nợ chồng nợ, anh quyết định vay mượn một lần nữa để sang Thái Lan làm thuê.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Huy Quang - Phó trưởng Công an xã Nghi Hoa cho biết: “Các lao động trên đều đi theo diện “chui”. Khi đi, họ không báo với chính quyền địa phương nhưng khi xảy ra sự việc lại lên xã để “kêu”. Chúng tôi đã hướng dẫn họ viết đơn tố cáo gửi lên Công an tỉnh giải quyết. Hiện thống kê chưa chính xác thì ở xã Nghi Hoa có 4 người đang ở Úc theo diện đi “chui”. Cuộc sống của 4 người này rất tốt nên nhiều người khác dễ dàng bị “cò” dụ dỗ nộp một khoản tiền lớn để mong đổi đời mà không lường trước rủi ro”.
Theo Hoàng Lam Dantri.com.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn