Hang ở của “dị nhân” này nằm dưới chân núi Giếng Tiền thuộc khu dân cư số 11, thôn Đông, xã An Vĩnh. Muốn đến được hang của lão phải băng qua mấy con rẫy, đầu tiên là một cái hang nhỏ có để mấy bó củi, quan sát kỹ thì đây là hang do người đào. Cạnh đó là cái bếp được làm từ ba hòn đá núi xếp chụm lại đã đen thui và có tro tàn.
Trước “nhà” lão là bờ biển xanh trong và xanh vắt.
Từ “nhà bếp” đi thẳng khoảng 20m thì rẽ trái, tiếp tục đi thẳng khoảng 15m thì đến “nhà chính”. Con đường rộng khoảng 3m và còn ngổn ngang đất, tuy nhiên, đoạn đến “cửa nhà” thì được lão trải đất rất phẳng, thậm chí lão còn chất đá ngay ngắn để làm lan can và trồng mấy cây xanh.
Vách đá trên miệng hang được gọt đẽo rất phẳng, nếu tính từ mặt đất trước hang lên đến mép trên của vách đá trên miệng hang chắc tầm khoảng 7m. Trước miệng hang lão trồng mấy cây tre, rồi căn những tấm bạt rách rưới lên nhau để che gió. Cửa hang cũng được lão làm tương tự như vậy.
Nếu mới nhìn qua, ai cũng nghĩ đấy là một cái trại nhỏ của những người làm rẫy chứ không hình dung ra đấy là “bề nổi” của một cái hang. Song, phải công nhận là vị trí “nhà” của lão rất đẹp khi trước mặt là cát trắng phẳng lì, biển xanh trong.
Thoạt nhìn “nhà” của lão Nghĩa như một cái trại của người làm rẫy
“Nhà bếp"
Chuyện buồn đêm trăng
Ngọn đèn dầu trong “nhà” lão loe lói, nhưng nhờ ánh trăng sáng nên tôi dễ dàng quan sát bên trong. Lão chia hang thành hai phần bởi những tấm bạt rách; một là “phòng ngủ” còn phần còn lại là để mấy đồ linh tinh và một cái bàn mà lão bảo rằng để tiếp khách.
Rồi lão cắp chiếc chiếu ra trước “sân” trải ra mời khách ngồi. Khi chúng tôi vừa ấm chỗ, lão cạn xong ly rượu và bắt đầu kể về cuộc đời mình. Lão tên là Trần Chí nghĩa, 44 tuổi, lão nhớ mang máng mình lập gia đình năm 25 hay 26 tuổi gì đấy.
Khi đứa con trai thứ hai vừa biết đi thì cũng là lúc mái ấm nho nhỏ của lão bị lung lay, vợ ngoại tình. Nặng tình, thương con, lão chỉ biết nhìn vợ bỏ nhà ra đi theo người mới và mong ngày vợ sẽ nhận ra lỗi lầm mà trở về. Tuy nhiên, điều ấy sẽ không bao giờ có vì vợ lão đã chết vì bạo bệnh sau đó mấy năm.
Quá lụy tình, tinh thần suy sụp và trở nên bấn loạn, lão bỏ nhà ra đi. Thời gian đầu lão ngủ ở nghĩa địa. Khi chán, lão lên tàu vào đất liền, bắt xe vào Long Khánh (Đồng Nai) để lang bạt rồi lại vào Sài Gòn sống cuộc sống vất vưởng. Và lại chán, lão trở về đảo Lý Sơn và “định cư” trong một lô cốt ở sát biển.
“Nhà” của lão Nghĩa nhìn từ xa
Tháng 9/2009, cơn bão số 9 về đánh sập lô cốt, mất nơi cự ngụ lão bèn tìm đến nơi mà bây giờ là ngôi “nhà” trong hang. “Mới đó mà tui ở đây được hơn bốn năm. Bây giờ tui đã biết đi làm mướn để kiếm tiền mua gạo về nấu cơm ăn, chứ nghĩ đến lúc trước tui thấy ớn”, lão thỏ thẻ. Nhưng lão cũng thành thật: “Đấy là lúc tỉnh chứ say vào là đụng cái gì ăn được là tui bỏ vào miệng nhai liền”.
Hỏi mới biết, trước đây lão không làm lụng gì, thức ăn của lão là những gì nhặt nhạnh được dù bẩn thỉu, hôi thối hay meo mốc cỡ nào, quần áo cũng như thế. Nhiều khi lão để vậy mà ăn chứ không hề đun nấu. Lão bảo thỉnh thoảng mình cũng có về thăm nhà nhưng chỉ đứng nhìn một lúc rồi đi. Hai đứa con trai của lão thì đứa ở với nội, đứa ở với ngoại. Căn nhà của lão giờ trống toác vì không ai trông coi.
Anh Trần Chí Thông, anh trai lão Nghĩa cho hay bố mẹ anh chỉ có hai người con trai, nên nhìn người em của mình như thế anh rất đau lòng. “Đưa nó về rồi nó cũng bỏ đi, hết cách nên chỉ biết tầm mười ngày nửa tháng mua gạo mang xuống cho nó thôi, rồi nghe nó ốm đau là mình phải chở đi viện, thuốc men”, anh Thông tâm sự.
Bà Lê Thị Của, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã An Vĩnh cho hay: “Trường hợp của ông Nghĩa đã được chính quyền địa phương biết và quan tâm. Chúng tôi đã nhiều lần vận động Nghĩa về nhưng ông không chịu, mỗi khi có hỗ trợ gì chúng tôi cũng ưu tiên. Căn nhà cũ của ông Nghĩa là nhà tình thương, nhưng không biết sao lại tháo biển xuống và rao… bán nhà”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn