Một cảnh sát giao thông đánh mất danh dự

Thứ sáu - 09/06/2017 15:30
Một chiến sĩ công an đội cảnh sát giao thông Công an quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã đánh mất danh dự khi phạm tội nhận hối lộ.

Bị cáo Thảo (áo trắng) và bị cáo Hòa (áo thun) bị dẫn giải ra xe tù - Ảnh: Minh Tâm

Huỳnh Tấn Thảo là thượng sĩ công an, công tác tại đội cảnh sát giao thông Công an quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Thảo được phân công tiếp nhận các hồ sơ vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ do đội cảnh sát giao thông tuần tra phát hiện lập biên bản, sau đó Thảo xếp loại lỗi vi phạm rồi báo cáo ban chỉ huy đội ký đề nghị, trình lãnh đạo công an quận ra quyết định xử phạt. Thảo đồng thời cũng có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện các quyết định xử phạt chính và hình phạt phụ như tước giấy phép lái xe thời hạn 30 ngày hoặc 60 ngày theo quy định.

Lợi dụng nhiệm vụ được phân công, Thảo đã trực tiếp nhận hối lộ do Nguyễn Văn Hòa, Huỳnh Văn Mơi làm môi giới cho mười hồ sơ vi phạm phương tiện giao thông đường bộ, trong đó Hòa làm môi giới tám hồ sơ, Mơi làm môi giới hai hồ sơ. Từ mười hồ sơ vi phạm này, Thảo hưởng lợi 48,5 triệu đồng, Hòa hưởng lợi 3,5 triệu đồng, Mơi hưởng lợi 600.000 đồng...

Khi ban chỉ huy đội cảnh sát giao thông kiểm tra quy trình xử phạt hành chính, phát hiện Thảo không đề xuất xử lý mười hồ sơ đã lập biên bản vi phạm...

Chỉ “giúp đỡ” lấy xe nhanh

Trong ba bị cáo bị đưa ra xét xử ở phiên tòa sơ thẩm ngày 27-12-2013 tại TAND quận Bình Thủy chỉ có Thảo là công an, còn Huỳnh Văn Mơi (58 tuổi) là bảo vệ giữ xe và Nguyễn Văn Hòa là tài xế.

Hội thẩm hỏi bị cáo Mơi: “Lớn tuổi rồi, sao giữ xe không lo giữ xe mà làm môi giới hối lộ?”. Bị cáo Mơi trình bày chỉ nghĩ đơn giản là đưa tiền đóng phạt giùm để anh em lấy xe sớm có phương tiện kiếm sống. Bởi nghe anh Bình, anh Phương than thở là do vi phạm Luật giao thông đường bộ mới vừa bị bắt xe, bị tạm giữ giấy phép lái ôtô và học luật lại... Bị cáo Mơi nói: “Nghe anh Bình than, nghĩ là bạn bè giúp đỡ nên hướng dẫn anh Bình làm đơn trình bày hoàn cảnh nghèo khổ để xin giùm. Còn hoàn cảnh của Phương cũng khó khăn không kém. Phương than với bị cáo rằng vợ mới sanh khổ quá. Nếu xe bị giữ lâu làm sao có tiền xoay xở sinh hoạt. Nghe vậy bị cáo mới nói với Thảo giúp đóng tiền phạt lấy xe ra sớm cũng như khỏi đi học luật được không, Thảo bảo rằng được. Vì vậy bị cáo mới đem tiền của anh Bình, anh Phương gửi đưa cho Thảo. Lúc làm bị cáo chỉ nghĩ đơn giản là giúp bạn bè để họ lấy xe ra sớm, đâu biết hành vi của mình là phạm tội. Sau này đọc báo nghe mọi người nói mới biết đó là hành vi làm môi giới hối lộ”.

Hội thẩm hỏi bị cáo hưởng lợi bất chính từ hai vụ môi giới trên là bao nhiêu? Bị cáo Mơi trả lời rằng mình không có đòi hỏi tiền thù lao gì cả, “anh Bình bị phạt 750.000 đồng nhưng anh đưa cho bị cáo 1 triệu đồng. Bị cáo đưa hết 1 triệu đồng cho Thảo và được Thảo cho lại 200.000 đồng. Riêng Phương đưa 4 triệu đồng, bị cáo cũng đưa hết cho Thảo. Thảo có cho lại bị cáo 300.000 đồng, còn Phương có nạp tiền điện thoại cho bị cáo 100.000 đồng. Tổng cộng bị cáo nhận được 600.000 đồng, và nghĩ đơn giản đây là số tiền anh em cho mình uống cà phê, không nhận thì anh em buồn. Giờ biết việc mình làm là phạm pháp, bị cáo rất hối hận”.

“Có ai đứng đằng sau bị cáo không?”

Bị cáo Huỳnh Tấn Thảo cúi đầu thừa nhận hành vi phạm pháp của mình. Thảo đã đồng ý các lời “nhờ vả” của Hòa và Mơi và tùy theo mỗi trường hợp mà ra giá. Tổng cộng Thảo nhận hối lộ từ mười hồ sơ vi phạm, chiếm hưởng 48,5 triệu đồng. Hội thẩm thẩm vấn Thảo: “Thế tiền đó bị cáo dùng làm gì? Có ai đứng đằng sau chỉ dẫn cho bị cáo không?”. Bị cáo trả lời rằng tự mình làm, không có ai chỉ dẫn. Còn số tiền nhận hối lộ bị cáo đã tiêu xài cá nhân. Hội thẩm truy tiếp: “Bị cáo là công an được đi học, vậy trong trường người ta dạy bị cáo điều gì?”. Bị cáo Thảo cúi đầu: “Dạ, dạy khi ra làm việc phải liêm chính, phục vụ cho nhân dân, đất nước...”. Hội thẩm thở dài: “Thế sao bị cáo lại lợi dụng nhiệm vụ được phân công của mình để làm chuyện phạm pháp, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người chiến sĩ công an?... Công lao cha mẹ cho ăn học, phấn đấu mới có được chức vụ như vậy lại để đồng tiền làm tiêu tan hết. Đổi tiền bạc lấy danh dự, nghề nghiệp, và tự mình đánh dấu đen vào tương lai, bị cáo có thấy uổng không?”. Nghe vậy, người thanh niên 27 tuổi cúi đầu: “Lúc đó bị cáo mới chỉ 24 tuổi, còn trẻ bồng bột, suy nghĩ chưa tới. Giờ bị cáo rất ăn năn, hối hận bởi bị cáo biết những việc làm sai trái của mình ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chiến sĩ công an...”.

Riêng bị cáo Hòa một mực cho rằng mình không có môi giới hối lộ, không có quen biết gì với Thảo, tuy nhiên Thảo thừa nhận Hòa có đưa tiền cho mình. Kiểm sát viên nói với bị cáo Hòa: “Ngoài bị cáo Thảo, các chủ xe khi đối chất nhận dạng đều nói họ đã đưa tiền cho chính bị cáo...”.

Hội đồng xét xử nhận định hành vi của Thảo không những xâm hại hoạt động công vụ mà còn gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của cơ quan nhà nước, mất lòng tin của quần chúng nhân dân nên phải có mức án xử phạt nghiêm khắc. Tòa tuyên phạt Huỳnh Tấn Thảo 7 năm tù về tội nhận hối lộ; Hòa 5 năm tù, Mơi 6 tháng tù cùng về tội làm môi giới hối lộ... Khi nghe tòa tuyên, ông Mơi bật khóc bởi lẽ sau khi sự việc xảy ra ông đã mất việc làm, không nhà cửa, phải đi giữ vườn thuê nhưng có lẽ điều khủng khiếp nhất của ông là: “Năm mươi mấy tuổi đầu chưa bao giờ tham gian của ai, giờ lại vào tù vì tội làm môi giới hối lộ. Xấu hổ và đau quá!”.

Theo MINH TÂM tuổi trẻ

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây