Ít nhất 13 chết do bão số 14, thiệt hại kinh tế rất nặng nề

Thứ bảy - 10/06/2017 00:44
Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tại các địa phương bị ảnh hưởng của siêu bão HaiYan đã có 13 người chết, trong đó: Hà Tĩnh 2 người; Quảng Bình 1 người; Thừa Thiên Huế 4 người; Quảng Nam 4 người; Quảng Ngãi 2 người; bão cũng làm hơn 100 người bị thương, ở các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nguyên nhân các nạn nhân tử vong, bị thương phần lớn là do chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, chặt tỉa cây cối...
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh, cơn bão số 14 đi qua đã gây thiệt hại lớn về tài sản.

Tại huyện Vân Đồn đã có 148 nhà bị tốc mái; 9 tàu trọng tải từ 2 đến 10 tấn bị đắm; 5 nhà bị đổ; 25 nhà bè bị phá vỡ; 40 cột điện các loại bị gãy đổ, nhiều rau màu bị hỏng...,  ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.


Bão làm một tàu bị lật

Trong khi đó, tại Cẩm Phả, ước tính thiệt hại do bão gây ra khoảng 8 tỷ đồng, trong đó có trên 300 nhà dân bị tốc mái; đổ, gãy nhiều cây xanh tại công viên, vườn hoa, công sở, trường học và dọc QL18; trên 60 phương tiện tàu thuyền, bè bị đắm; 300m tường rào của hộ dân bị đổ; thiệt hại hoàn toàn khoảng 200ha keo. Một tàu chở đá vôi số hiệu HD1089 của Hải Dương trọng tải 650 tấn neo đậu tại Vân Đồn bị đứt neo trôi dạt và đắm, lực lượng cứu hộ đã cứu được 1 thuyền viên, hiện 3 thuyền viên còn lại đang bị mất tích.

Tại Nam Định, có hơn 20.000 cây rau màu vụ đông chủ yếu là khoai tây, cà chua, dưa, bí, đậu tương…; khoảng 600 ha diện tích lúa tám thơm và lúa đặc sản sắp đến vụ thu hoạch, hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão số 14.


Hoa màu bị gãy đổ do bão đi qua

Tại huyện Hải Hậu (Nam Định), khu vực mỏ số 4 kè Mỏ Hải Thịnh 2 thềm cơ bị lún võng, thềm cơ cánh mỏ phía trong bị sập dài 5m, mái đầu cánh mỏ phía đông bị sập khoảng 18m2; khu vực mỏ số 5 hai bên thềm cơ thân mỏ cũng bị lún võng, sập mỗi bên dài 35m, mái đầu cánh mỏ bị sập khoảng 10m2, mặt cánh mỏ sập dài 35m, đồng thời một số cấu kiện bị mất. Khu vực bãi Cồn Tròn Hải Hòa do hiện tượng biển tiến bãi thoái và triều cường đã làm mất phần lớn lượng cây chắn song ở bãi này, sơ bộ ban đầu ước khoảng 2.000 ha cây bị hư hỏng.  Trong sáng nay, hai Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp tại hai huyện ven biển khác là Hải Hậu và Nghĩa Hưng.


Các Chiến sĩ CSGT cùng người dân tham gia khắc phục sau bão

Trong khi đó, tại Thái Bình, tính đến 8 giờ ngày 11 - 11 không có tàu thuyền bị đắm. Các công trình đê bao của tỉnh đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, còn một vài vị trí đê, kè bị sạt lở hư hỏng cục bộ như đê Nam Hà (đê cửa sông Hồng, huyện Tiền Hải); đê, kè Vũ Lăng, Tây Lương (đề cửa sông Trà Lý, huyện Tiền Hải); đê, kè Vũ Bình (đê Hồng Hà II, huyện Kiến Xương); đê Thụy Dũng (đê cửa sông Hóa, huyện Thái Thụy); kè Nhân Thanh, kè Vũ Đông (đê Hữu Trà Lý, Thanh phố Thái Bình).

Về nông nghiệp, 34.126 ha cây màu đã trồng bị thiệt hại trên 70%, gồm ngô 6.705 ha; rau và các loại khác 11.471 ha... Ngoài ra, một số diện tích đầm nuôi cá, tôm, cua phía ngoài đê biển bị ngập, sạt lở, hư hỏng bờ bao tại các huyện Tiền Hải và Thái Thụy đang thống kê thiệt hại.

Theo Congan.com.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây