Câu chuyện cảm động của người thương binh trở về từ cõi chết

Thứ bảy - 10/06/2017 02:27
Chiến sĩ ta hy sinh trong các trận đánh, quần áo thường rách nát, mắt mở trừng trừng như ngạc nhiên, mặt mũi thường lấm lem bùn đất, ám khói và có khi dính cả máu nữa.

Anh Nguyễn Thiện Tỉnh, Anh Nguyễn Duy Tiến và vợ Nguyễn Thị Thản, cùng cán bộ Uỷ ban địa phương.

Chính vì vậy, Chính trị viên Phó tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 Nguyễn Thiện Tỉnh - người thường phải làm công tác thương binh, tử sĩ - luôn nhắc nhở anh em là: “Khi khâm niệm, chôn cất tử sĩ, phải nhớ vuốt mắt và lau mặt anh em cho sạch sẽ trước khi chôn”. (Sau năm 1975, Nguyễn Thiện Tỉnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).

Trận đánh ở căn cứ Nước Trong và trường Thiết Giáp của địch trước cửa ngõ Sài Gòn ngày 26, 28/4/1975 diễn ra rất ác liệt, địch tập trung về đây tiểu đoàn 7,  lữ đoàn thủy quân lục chiến, chiến đoàn xe tăng 322 và 114 lần chiếc máy bay yểm trợ vì nó cố giữ tuyến phòng thủ cuối cùng. Trong trận này, riêng đại đội 7, tiểu đoàn 2 do đồng chí Tỉnh chỉ huy, hy sinh 7 người, bị thương 15 người.

Anh em làm công tác chính sách đã khâm niệm xong và đào 7 cái huyệt chuẩn bị chôn, thì đồng chí Tỉnh đến kiểm tra. Đồng chí yêu cầu đào huyệt sâu thêm và hỏi: “Đã vuốt mắt, lau mặt cho anh em chưa?”. Khi biết anh em quên, đồng chí yêu cầu mở ra vuốt mắt cho từng chiến sĩ. Khi mở các tăng, võng bó liệt sĩ ra, anh em liệt sĩ có người nhắm mắt, có người mở mắt. Khi chiến sĩ Nguyễn Quang Việt vuốt mắt cho Nguyễn Duy Tiến - người bị thương vào đầu, anh liền gọi y sĩ tiểu đoàn Phùng Đình Phương đến kiểm tra, và nói: “Tao vuốt mắt mà mắt nó trợn ngược lên”.

Y sĩ Phương sau khi kiểm tra, gọi anh Tỉnh lại và nói:

- Thủ trưởng ơi! Thằng này còn sống!

Anh Tỉnh và Phương tổ chức sơ cứu, lập tức đưa Tiến về phía sau. Anh em ở lại chôn cất cho 6 chiến sĩ còn lại.

Vì vết thương rất nặng, nên Tiến được qua nhiều Trạm quân y và thường xuyên được một hộ lý phục vụ, đó là chị Nguyễn Thị Thản, sinh 12-1949, quê ở thôn Nội, Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Chị đi thanh niên xung phong từ 1968 đến 1973 thì về Trạm quân y và được giao nhiệm vụ phục vụ thương binh Nguyễn Duy Tiến. Thời gian dài hai người ở bên nhau đã nảy nở tình yêu. Anh em trong Trạm điều dưỡng Thanh Liêm, Hà Nam ủng hộ và đơn vị đã tổ chức lễ cưới cho hai người vào tháng 11-1977. Thật là một mối tình làm xúc động lòng người.

Khi giám định thương tật, anh Tiến mất 71% sức khoẻ, được xếp loại thương binh 1/4 là loại cao nhất. Hồi đó, mỗi tháng anh được 2.215.000 đồng, còn chị Thản vừa là vợ, vừa là hộ lý, theo tiêu chuẩn phục vụ được 570.100 đồng. Hiện nay, mỗi tháng anh được trợ cấp 3.600.000 đồng, chị được 2.100.000 đồng.

Tuy còn các mảnh đạn ở đầu, nách, phổi, đùi, lưng nhưng anh chị vẫn xin về quê. Hai anh chị cũng được gia đình, làng xóm và địa phương hết lòng giúp đỡ.

Sau chiến tranh, anh chị sinh được một cháu gái là Nguyễn Thị Thanh, nay đã tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật và làm việc ở Hà Nội; cháu trai là Nguyễn Thành Công cũng ra trường công tác. Cả hai cháu đã xây dựng gia đình và mỗi cháu có 1 con.

Gia đình Nguyễn Duy Tiến trong ngày cưới con trai.

Khi chúng tôi về thăm, chị Thản nói: “Nhà tôi là nha khí tượng thủy văn cực kỳ chính xác. Cứ thay đổi thời tiết là tôi lại phải chuẩn bị thuốc cho anh”.

Anh Tiến thì cho tôi xem vết sẹo ở tay, do sợi dây khâm liệm buộc lâu và quá chặt và kể với tôi rằng: Anh sinh năm 1953, tại xã Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam. Tháng 8-1971, lúc 18 tuổi, anh tình nguyện nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, tháng 3-1972 anh về Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 tại Quảng Trị, vào lúc cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt.

Trong trận đánh Ái Tử, anh bị thương nhẹ phải nằm Đội điều trị 24 Sư đoàn nửa tháng, ra viện anh lại trở về đơn vị. Ngày 10-6-1972, anh tham gia trận đánh quân địch ở điểm cao 156 Thừa Thiên, bị thương lần thứ hai lại phải trở lại Đội điều trị sư đoàn. Khi lành vết thương, đầu năm 1973 anh trở lại đơn vị, lúc này đang đóng quân ở Cùa, Quảng Trị.

Năm 1975, anh cùng đơn vị tham gia chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Sau khi Đà Nẵng được giải phóng, anh cùng Trung đoàn 9 xuống đoàn tàu không số từ bán đảo Sơn Trà, ngay trong đêm đó theo đường biển hành quân vào Quy Nhơn rồi tiếp tục cùng đơn vị, nằm trong đội hình Quân đoàn 2 đánh quân địch dọc miền duyên hải.

Ngày 25-4-1975, Trung đoàn 9 tập kết ở rừng Ông Quế chuẩn bị cuộc tổng công kích vào sào huyệt của quân địch ở Sài Gòn. Anh được tham gia trận đánh ở căn cứ Nước Trong và trường Thiết Giáp.

Ngày 28-4, anh bị thương lần thứ ba. Lần này anh bị thương rất nặng và ngất đi. Đồng chí Chính trị viên Diễn hy sinh, y tá Đại tổ chức khiêng hai người ra phía sau. Mọi người tưởng anh đã chết, đem đi chôn.

Sau này, khi gặp chúng tôi, anh Tiến thường nói: “Cha mẹ sinh ra tôi lần thứ nhất Đồng đội sinh ra tôi lần thứ hai”.

Theo Trí thức trẻ

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây