Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có ý kiến về việc này nhưng vẫn chưa thấy phía huyện Lộc Hà thay đổi thiết kế nhằm đảm bảo giao thông và tính mạng của người chạy xe.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, đầu tháng 10.2013, Sở GTVT đã trực tiếp cử người xuống hiện trường kiểm tra và có kết luận: “Tại hiện trường mỗi bên, trước khi vào nút giao có 3 gờ giảm tốc bằng cao su: cao 5cm, rộng 33cm, các gờ cách nhau từ 1m-3m. Với cách bố trí gờ giảm tốc cao như vậy để cưỡng bức các phương tiện giảm tốc độ một cách đột ngột mà không có các vạch giảm tốc từ xa đến gần, không có biển báo hiệu trước cho các phương tiện tham gia giao thông khi đi qua gờ giảm tốc để vào nút giao là rất nguy hiểm, đặc biệt đối với các xe máy. Mặt khác, trong quá trình các phương tiện đi qua đã làm cho các bu lông neo gờ giảm tốc bị bong bật lên”.
Nếu có lực lượng giao thông chốt chặn, người đi xe máy này sẽ bị xử phạt lỗi không đi qua gờ. |
Việc tham gia giao thông của người dân qua nút giao này bỗng nhiên gặp khó khăn vì những “núi” giảm tốc này. Ô tô, xe ben leo qua những gờ này đã vất vả chứ chưa nói là xe máy và các phương tiện thô sơ.
“Ban ngày thì đỡ, chứ đêm về không để ý mà chạy qua gờ này dễ bị té vì bị nảy cực mạnh. Và càng nguy hiểm hơn đối với những người ở nơi khác đến”, chị Hiền - một người tham gia giao thông cho hay.
Ngoài việc làm gờ cao, huyện Lộc Hà còn bố trí một đội cảnh sát giao thông chốt chặn tại ngã tư này. Xe nào mà không leo qua gờ để đi là bị tuýt còi thổi phạt.
Ông Lê Hồng Cơ, Trưởng phòng Công thương huyện Lộc Hà cho biết: “Để đảm bảo an toàn giao thông tại nút giao trên, chúng tôi phải làm biện pháp mạnh này”.
Trong khi đó, ông Bùi Đức Đại, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh chỉ đạo: “Do hiện nay chưa có quy định cụ thể về lắp đặt các gờ giảm tốc trên các tuyến đường nên UBND huyện Lộc Hà cần có hồ sơ thiết kế chi tiết về phương án đảm bảo an toàn giao thông tại nút giao này và xin ý kiến Sở GTVT. Trong đó lưu ý khi lắp đặt gờ giảm tốc phải có các vạch giảm tốc tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012/BGTVT”.
Không có vạch giảm tốc hoặc biển báo hiệu trước khi đến gờ giảm tốc |
Về nguyên nhân chưa tiến hành sửa chữa gờ giảm tốc cho an toàn, ông Lê Hồng Cơ cho biết: “Hiện tại đang thời điểm mưa gió, hơn nữa đơn vị thi công chưa có tiền để làm biển cảnh báo và sơn vạch giảm tốc. Sang tháng 1.2014, chúng tôi sẽ tiến hành gỡ bỏ gờ giảm tốc trên và sơn vạch giảm tốc”.