Quá trình thực thi công vụ thì các địa phương trực tiếp quản lý, có nhiều vụ việc chúng tôi nắm được còn có nhiều cái phải chờ địa phương báo cáo, Bộ trưởng phân trần.
Quản lý khai thác khoáng sản là nội dung Bộ trưởng nhận nhiều chất vấn. Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) phản ánh thực trạng khai thác cát trái phép trên sông trên phạm vi cả nước, đặc biệt ở sông Hậu gây sạt lở, nguy hiểm cho người dân sống ở giáp danh. Bà Liên muốn nghe một giải pháp đột phá có thể chặn đứng tình trạng này.
Nhấn mạnh trách nhiệm của địa phương trong cấp phép khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói việc xử lý vi phạm hỏi trách nhiệm của liên ngành địa phương bởi sai phạm trong khai thác cát trái phép trên sông rất khó bắt quả tang. Nếu tăng cường tổ chức tốt, phối hợp liên ngành ở địa phương thì thực trạng sẽ cải tiến.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) đưa ra con số 1 tàu khai thác cát mỗi ngày có thể thu 50-60 triệu đồng nên việc có giấy phép khai thác dứt khoát không thể dễ dàng. Mở rộng ra vấn đề vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, đất đai nói chung, ông Đương bức xúc vì hậu quả của các vi phạm trong khai thác khoáng sản là rất nặng nề.
Dẫn lại thống kê về kết quả xử lý vi phạm hàng năm liên quan đến hoạt động khai khoáng, đại biểu chỉ ra bất cập khi hầu hết các trường hợp sai phạm phát hiện được cũng chỉ bị phạt hành chính, thu hồi giấy phép, tạm giữ phương tiện khai thác, cán bộ quản lý thì cùng lắm bị xử lý kiểm điểm…
Cho rằng chế tài xử lý như vậy là quá nhẹ, đại biểu đánh giá, đó là hành vi rút ruột quốc gia, chiếm doạt quyền lợi của nhân dân, hủy hoại nghiêm trọng môi trường.
Ông Đương lập luận, lợi nhuận lớn nên không dễ gì để có được giấy phép khai thác khoáng sản.
“Liệu có sự tiếp tay thông đồng của cán bộ có thẩm quyền để cấp giấy phép cho cát tặc, vàng tặc, lâm tặc hay không. Phải xem đây là hành vi rút ruột tài sản quốc gia. Ăn gần hết tài sản quốc gia mà cứ kiểm điểm. Tới đây phải có quy định xử lý hình sự với khung hình phạt cao nhất đến chung thân, tử hình” - ông Đương bức xúc.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đồng tình với nhận định, mức xử lý vi phạm hiện nay còn nhẹ dù tinh thần phải xử theo quy định của pháp luật.
“Mức độ xử nặng, nhẹ liên quan nhiều yếu tố nhưng tôi đồng tình chúng ta cần phải có quy định nặng hơn nữa, thậm chí thu hồi tiền, truy cứu trách nhiệm hình sự” – ông Quang cũng mong khung chế tài sẽ chặt chẽ trong các quy định của các luật liên quan.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nhắc lại nội dung ông đã chất vấn Bộ trưởng Quang vào tháng 8/2013 về con số 957 giấy phép khai thác khoáng sản vi phạm luật. Khi đó, người đứng đầu ngành TN-MT đã hứa sẽ báo cáo Thủ tướng xử lý một số cơ quan và 24 tỉnh.
Thông tin về kết quả xử lý vấn đề này, ông Quang cho biết, hiện còn 2 tỉnh Phú Yên và Tây Ninh chưa khắc phục triệt để.
Ông Quang cũng nhắn nhủ, nếu hai địa phương này không khắc phục sẽ báo cáo Thủ tướng để có biện pháp. Tương tự, tỉnh Điện Biên cũng còn một dự án cấp không đúng thẩm quyền nhưng chưa kiên quyết thu hồi và Bộ sẽ buộc phải báo cáo Thủ tướng.
Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) hỏi thẳng, trong số các vi phạm đã xử lý thì hình thức khiển trách trở lên là bao nhiêu và vi phạm ở cấp bộ, ngành đã kiểm điểm chưa?
Bộ trưởng TN-MT xin “khất” câu trả lời với lý do, vừa qua đã yêu cầu các địa phương báo cáo về xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức nhưng họ chưa báo cáo.
Phó Trưởng ban Dân nguyện Bùi Nguyên Súy “truy” gắt, có tiêu cực cấp phép từ Bộ hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang quả quyết, từ 2012 đến nay, Bộ TN-MT đã cấp 109 giấy phép thăm dò và khai thác khoáng sản. Số dự án này đều xin ý kiến Thủ tướng, Bộ không tự ý cấp được.
Về nội dung giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt câu hỏi, Luật Đất đai đã sửa với nhiều quy định mới tích cực, bảo vệ hơn lợi ích của người dân mà một con số không có nhiều dịch chuyển, đó là khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai vẫn chiếm hơn 70%. Ông Minh băn khoăn liệu một văn bản mới sắp ban hành của Bộ là Nghị định 47 có khắc phục được thực trạng như bài ca muôn thuở?
Bộ trưởng TN&MT thừa nhận trách nhiệm của Bộ trong tham mưu về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật song ông cho rằng, để giải quyết vấn đề cho người dân, chăm lo lợi ích của người dân thì trách nhiệm văn bản chỉ một phần, phần trách nhiệm nữa là địa phương các cấp trực tiếp xử lý các vấn đề rất quan trọng.
Ông Quang cũng nhận định, tình hình khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã giảm dần qua các năm. Trung bình những năm gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được khoảng 4.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo (giảm so với những năm trước 9.000-10.000 đơn mỗi năm); 98% lượng đơn thư thuộc lĩnh vực đất đai.
Khoảng 61% đơn thư gửi đến Bộ là đơn trùng do công dân gửi nhiều lần, nhiều nơi khác nhau; 80% đơn khiếu nại vượt cấp; chỉ khoảng 2% vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.
Cán bộ Thanh tra của Bộ đã phân loại, xử lý, trả lời và hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nhiều "điểm nóng", vụ việc phức tạp được giải quyết, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội.
“Chia lửa” với Bộ trưởng TN-MT về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng tới chất lượng của văn bản pháp luật và đánh việc việc thực hiện.
Nâng cao việc thực hiện giải quyết, khiếu nại tố cáo của công dân kết hợp với việc triển khai thực hiện Luật tiếp công dân. Qua thường xuyên đối thoại để tháo gỡ, khắc phục tình trạng này. Các cơ quan hữu quan cần tăng cường tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình.
Theo P.Thảo dân trí
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn