Pha tranh chấp bóng giữa Văn Đức (20) và cầu thủ Indonesia. Ảnh: Dân Trí
Trên “chảo lửa” Bung Karno, các học trò của HLV Park Hang Seo nhập cuộc với tâm thế chậm rãi, chủ động kiểm soát bóng nhằm giảm sự hưng phấn của các cầu thủ chủ nhà. Theo thống kê, trong nửa đầu hiệp một, Việt Nam có tới 70% thời gian kiểm soát bóng.
Ở chiều ngược lại, với nền tảng thể lực sung mãn và lợi thế sân nhà, Indonesia không giấu ý đồ giành chiến thắng. Vì vậy, họ tích cực vây ráp, không tạo nhiều khoảng trống cho đội khách, khiến các đợt tấn công của Việt Nam hầu như đều bị bẻ gãy trước khoảng 1/3 cuối sân đội chủ nhà.
Khoảng 15 phút cuối trận, Indonesia đẩy cao đội hình và sử dụng các đường chuyền dài vượt tuyến. Lối chơi này đã cho thấy hiệu quả khi họ tạo ra 2 cơ hội rõ rệt ở phút 36 và 37. Tuy nhiên, thủ môn Văn Lâm đã xuất sắc cản phá.
Văn Lâm bắt gọn cú sút của Ferdinan. Ảnh: Dân Trí.
Bước vào hiệp 2, Indonesia tiếp tục dâng cao đội hình và tranh chấp quyết liệt hơn ở khu vực giữa sân. Nhờ đó, họ tạo được thế trận cân bằng hơn với đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, Indonesia cũng không dám mạo hiểm đẩy cao đội hình tấn công khi có bóng. Vì vậy, thế trận diễn ra giằng co, trong đó có nhiều pha phạm lỗi của cầu thủ hai đội ở khu vực giữa sân.
Nửa cuối hiệp 2, HLV Park Hang-seo lần lượt đưa 4 cầu thủ: Tấn Tài, Tuấn Hải, Tuấn Anh và Văn Toàn vào sân thay Tiến Linh, Văn Thanh, Hùng Dũng và Văn Đức. Sự điều chỉnh hợp lý này giúp cho lối chơi của Việt Nam ổn định hơn, trong khi Indonesia cũng phải dè chừng hơn trước các tình huống phản công của đội khách.
Nhìn chung, với lối chơi chặt chẽ trong hiệp 2, hai đội gần như không tạo được cơ hội nào thực sự nguy hiểm về phía khung thành của nhau và đành rời sân với kết quả hòa không bàn thắng.
Trận bán kết lượt về sẽ diễn ra trên sân Mỹ Đình vào ngày 9/1.
THÙY VÂN
Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu
Link gốc: https://baobariavungtau.com.vn/the-thao/202301/viet-nam-thu-hoa-chu-nha-indonesia-968770/