Vậy do đâu nó lại thành hiện tượng và làm sao để sống thử cũng là một cách giúp các bạn trẻ dẫn tới một tình yêu bền chặt? Hãy nghe những nhà tâm lý học lý giải về hiện tượng này.
Nên gọi là sống thử hay sống lợi dụng nhau?
Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất: “Tại các nước châu Âu, sống thử mang đúng nghĩa tích cực của nó. Người ta sống thử trước hôn nhân xem có gì cần bù đắp từ cả hai phía thì sẽ bù đắp và cái gì bất khả kháng thì sẽ cùng nhau giải quyết.
Hai bên đã yêu nhau, quyết định đến với nhau nên muốn hiểu rõ hơn về nhau xem có thể tự điều tiết lẫn nhau (không phải là điều chỉnh) hay phải nhờ giải pháp khoa học để có hôn nhân lành mạnh.
Còn ở nước mình, các bạn trẻ cũng sống thử nhưng nhìn vào thực tế các bạn sống khá bậy bạ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân cảm tính, mang nhu cầu bản năng của động vật mà không trên tinh thần bù đắp thiếu sót cho nhau.
Hai bạn đến với nhau dựa trên nhu cầu về tiền bạc, nơi ở, tình cảm… và khi đã có mục đích ngay từ ban đầu thì sẽ nhanh chóng dẫn tới nhàm chán. Bởi nhu cầu của cá nhân là vô hạn, sẽ tới một giai đoạn nào đó cái tôi ích kỷ bộc lộ, khi đó một trong hai phía hoặc cả hai đều chỉ muốn nhận mà không muốn cho. Trường hợp của bạn nữ sinh bị người yêu đào mỏ, phải bỏ tiền ăn uống, tiền nhà, thậm chí tiền lô đề, cá độ cho người yêu là một ví dụ”.
Theo nghiên cứu tâm lý học lứa tuổi thì nữ giới nghĩ tới hôn nhân từ 22 tuổi trở đi còn đối với nam là 26 tuổi. Vì vậy các bạn sinh viên 18 đôi mươi sống thử chỉ là thích nhau. Hơn 90% các cặp sống thử đã đổ vỡ, nếu có kết hôn chỉ là gượng ép do gia đình bắt cưới.
Thiệt thòi lớn khi bỏ qua giai đoạn tìm hiểu
“Sống thử tức là sống tạm bợ, chưa thật, được thì thôi, không phù hợp thì bỏ và lâu dần “nhờn thuốc” sẽ phải sống thử đi thử lại nhiều lần. Sống thử không thành công sẽ dẫn tới vết thương lòng sâu sắc.
Thử lần một, lần hai, lần ba con người ta sẽ trở nên chai sạn, không còn trong sáng và mất đi sự lãng mạn của tuổi trẻ, nhiều người còn coi kết hôn là lần thử cuối cùng. Đó là hiện tượng không hay lắm”, nhà tâm lý Lê Thị Túy khẳng định.
Còn theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất: “Tình yêu thực sự là một tình yêu dựa trên tinh thần tự nguyện từ cả hai phía và họ phải thực sự nghiêm túc, tức là xác định dẫn tới hôn nhân.
Muốn có được tình yêu như vậy hai người phải không ngừng cố gắng xây dựng, phát triển cả về tình cảm và sự nghiệp để duy trì mối quan hệ ấy, còn những gì đại loại như vậy không được gọi là tình yêu”.
Mang thai, bỏ thai, có con rồi nuôi con một mình, bị xã hội kỳ thị là những hậu quả nhãn tiền mà nhiều bạn sinh viên vẫn vấp phải. Nhiều bạn không lúc nào thấy nhẹ nhõm, thanh thản mà luôn lo lắng.
“Đặc biệt có trường hợp nhờ tôi tư vấn là bạn nữ sau khi cuộc sống thử của bạn tan vỡ không lâu thì lại gặp được người khác yêu mình thực sự và muốn đi tới hôn nhân.
Bạn ấy đã bị trầm cảm một thời gian dài với suy nghĩ có nên nói thật cho người yêu biết? Nếu nói thật sẽ dẫn tới đâu và khi nói thật thì sẽ như thế nào? Gia đình, họ hàng hai bên biết thì sao? Rồi sau này có con, nhất là con gái thì còn tư cách dạy con không? Cứ như vậy, bạn ấy tự đẩy mình vào ngõ cụt với những suy nghĩ tiêu cực”, bà Túy chia sẻ.
Nhờ sự tiến bộ của y học, việc vá lại “cái ngàn vàng” giờ đây không còn là việc làm khó. Nhưng sao chúng ta không tận dụng quyền lợi tìm hiểu và được tìm hiểu lẫn nhau để làm nền tảng cho tình yêu lâu dài? Nếu có sống thử, tại sao không dùng thời gian quý báu đấy để tìm hiểu nhau, điều tiết và thay đổi nhau cho phù hợp với mình?
Bà Lê Thị Túy cho rằng, thời gian tìm hiểu không lâu hơn thời gian các bạn sống thử với nhau. Nhất là với những sinh viên, chưa va vấp nhiều với cuộc sống, thì tìm hiểu kỹ đối tượng về tính cách, sở thích, lối sống, nguồn gốc gia đình là một việc nên làm. Khi đã hiểu nhiều và hiểu rõ về nhau thì không việc gì phải sống thử nữa, các bạn có thể sống thật luôn.
Theo VTC
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn