Trong khi đó, nhiều tỉnh thành trong cả nước bỏ ra nhiều tỉ đồng tổ chức hoạt động lễ hội để rồi phân vân không biết hiệu quả đem lại cho đời sống văn hóa thế nào.
Hàng trăm người dân xã Gio An, huyện Gio Linh, Quảng Trị xem liên hoan hát ru - Ảnh: Th.Lộc |
Ðó là liên hoan hát ru do Hội phụ nữ xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị tổ chức đầu tháng 5...
Ngay trước buổi diễn, bà Võ Thị Bích Phượng - chủ tịch Hội phụ nữ xã Gio An, trưởng ban tổ chức - cho biết mục đích liên hoan nhằm tạo ra phong trào hát ru rộng rãi. Trên cơ sở đó xây dựng, khôi phục và phát triển các mô hình câu lạc bộ hát ru truyền thống trong các xóm làng, trở thành một phần quan trọng của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư của xã.
Sau liên hoan được coi như lần đầu này, liên hoan sẽ được tổ chức định kỳ hằng năm. Mục đích là thế, song bà Phượng cám cảnh với tổng kinh phí cho liên hoan, cho dù nghĩ nát óc cũng chỉ "gom" được 3 triệu đồng, trong đó 1,5 triệu đồng lấy từ quỹ hội, 1,5 triệu còn lại xin hỗ trợ từ UBND xã. Bà Phượng nhẩm tính 1,5 triệu tiền thuê dàn âm thanh loại đám cưới, 1 triệu tiền thuê hai nhạc công đàn bầu và đàn nhị, 500.000 còn lại vừa đủ để trang hoàng sân khấu và mua vài chai nước suối cho đại biểu. Ðiều mà bà Phượng băn khoăn nhất chính là không biết lấy đâu ra 900.000 đồng để bồi dưỡng cho mỗi đội tham gia 100.000 đồng nhằm khích lệ tinh thần...
Và người dân hầu như không chú ý lắm đến việc thiếu món quà khích lệ ấy. Bởi họ đã được sống lại trong lời hát ru thông qua nhiều buổi tập dượt diễn ra trên khắp các thôn làng của xã Gio An từ cả tháng trước. Ðể có được tiết mục ưng ý, từng làng cử riêng một đội chuyên đi sưu tầm những làn điệu, lời ru cổ từ những người lớn tuổi. Có đội thì tìm kiếm băng đĩa, rà soát trên mạng hay tìm đến những giáo viên dạy văn để được tư vấn bài bản...
Ðêm diễn ra liên hoan, hơn 100 "diễn viên" từ 3 tuổi cho đến 63 tuổi đến từ chín làng trong xã Gio An. Mười tiết mục hát ru đã được thể hiện một cách rất tự nhiên, đầy hứng khởi. Ngoài những làn điệu hát ru cổ của địa phương, người diễn còn khoe tài bằng các điệu ru Bắc, ru Nam lồng ghép với các làn điệu hò ca vần vè của các vùng miền. Có tiết mục bắt đầu từ tiếng khóc trẻ em, rồi bằng lời hát ru ngọt ngào và truyền cảm của người mẹ làm tiếng khóc ấy nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi lịm vào giấc ngủ. Có lời ru được sáng tạo trên nền câu chuyện chia cắt đất nước và nỗi đau của người mẹ mất con, hay lồng vào hoạt cảnh cảm hóa người chồng say xỉn bằng lời hát ru của người vợ chăm con...
Ở khâu tổ chức có thể còn nhiều chệch choạc như thường thấy tại các chương trình văn nghệ làng xã, song sự thành công ngoài mong đợi thể hiện trên hàng trăm gương mặt từ người già đến trẻ em chăm chú ngồi xem và cổ vũ nhiệt tình ở bãi cỏ trước sân khấu. Rất nhiều phụ nữ tay bồng tay dắt con trẻ đến xem chương trình. Hàng trăm thanh niên nam nữ đứng ngồi trên xe máy, chăm chú lắng nghe hát và nhẩm hát theo... Tất cả đều đón nhận với rất nhiều cảm xúc.
Bấy lâu nay nhiều người vẫn cho rằng văn hóa văn nghệ truyền thống, nhất là hát ru, bị phôi pha trong lớp trẻ trước đời sống hiện đại. Song các tiết mục hát ru đã trở thành hấp lực đối với nhiều người dân trong đêm hôm ấy. Phải chăng việc tổ chức đã khơi đúng vào tâm lý xã hội của khu vực, làm cho những tình cảm, cảm xúc vốn ẩn sâu trong tiềm thức mọi người được dịp bộc lộ ra ngoài. Một vấn đề đặt ra cho những người có trách nhiệm đối với đời sống văn hóa, đó là không phải chỉ nói suông văn nghệ truyền thống đang phôi pha, mà phải lý giải nguyên nhân rồi tìm ra giải pháp tổ chức hợp lý đối với từng môi trường xã hội, đầu tư như thế nào cho đúng chỗ, đúng tầm mức, kích thích sự phát triển của đời sống văn hóa địa phương.
Theo Tuoitre.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn