Đặc sắc lễ hội vùng biển Hà Tĩnh

Thứ năm - 06/07/2017 08:48
Giữa cái thảnh thơi của những ngày đầu xuân, ở vùng biển ngang và một số vùng biển cửa trên mảnh đất Hồng Lam, người dân nô nức trẩy hội. So với các vùng miền khác, miền sông nước hội tụ nhiều di tích, lễ hội hơn cả. Gắn với đó là một đời sống tinh thần vô cùng phong phú.

Lễ hội cầu ngư, chèo cạn ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên)

Là tỉnh có đường bờ biển dài 137 km từ Cửa Hội (Nghi Xuân) đến vùng biển Kỳ Nam (TX Kỳ Anh), từ xa xưa, vùng đất ven biển Hà Tĩnh đã hình thành nên một đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng phong phú. Lễ hội thường gắn với sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo nơi các đình, đền, chùa, miếu thờ các vị thần, Phật, các vị anh hùng dân tộc, thành hoàng làng... Đó là hệ thống di tích hết sức phong phú, đa dạng của vùng ven biển Hà Tĩnh, từ Hội Thống đến Hoành Sơn Quan. Trong số 73 di tích cấp quốc gia và 322 di tích cấp tỉnh, có hơn 30% nằm ở các xã ven biển với đầy đủ các loại hình như đình, chùa, đền, nhà thờ, am miếu.

Đi dọc tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng, du khách sẽ bắt gặp dày đặc biển chỉ dẫn các hệ thống di tích, gắn với đó là những lễ hội lớn với đời sống tinh thần phong phú của người dân miền biển. Ghé chân ở di chỉ Thạch Lạc (Thạch Hà), nơi phát hiện bộ hài cốt người Việt cổ thuộc thời hậu kỳ đồ đá mới cách đây 5.000 năm, chúng tôi được chiêm ngưỡng một quần thể di tích với chùa Tăng Phúc niên đại trên 700 năm và đền Sắc còn lưu giữ 83 đạo sắc của các triều Lê - Nguyễn. Những ngày thảnh thơi đầu xuân, du khách và đông đảo bà con nhân dân địa phương về đây để tham quan, thắp hương cầu nguyện.

Ông Nguyễn Văn Trường (Thạch Trị, Thạch Hà) cho biết: “Lênh đênh trên sông nước cả năm nên đầu xuân nào, tôi cũng về đây thắp hương để giải thoát mọi ẩn ức năm cũ và cầu mong năm mới bình an, một mùa đi biển thắng lớn. Ngoài đền Sắc, chùa Tăng Phúc, tôi còn đến miếu Ao, đền Cả. Vùng này lắm địa chỉ tâm linh, ra đầu ngõ là bắt gặp đền chùa, miếu mạo nên việc đi lễ đầu năm đã thành thói quen của người dân nơi đây”.

Việc đi lễ đầu năm của những cư dân vùng bãi ngang thực sự là một nét đẹp, thể hiện đời sống tinh thần phong phú. Đến với các di tích, lễ hội, họ tìm đến các đấng linh thiêng được nhân dân suy tôn như: anh hùng chống ngoại xâm, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, người có công truyền nghề, giàu lòng cứu nhân độ thế… Đó là vị thần Nhị Lang Long Vương - một trong 3 vị thần Tam Lang rất linh ứng đã có nhiều công trạng trong việc bảo quốc hộ dân ở đền Sắc (Thạch Lạc); là 3 vị thần rắn linh thiêng đã ban nguồn nước cho người dân tránh khỏi nạn hạn hán ở miếu Ao (Thạch Trị); là thần Nam Hải (cá voi) luôn cứu giúp người đi biển gặp nạn ở miếu Cá Ông (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên)...

Người dân thắp hương cầu may dịp đầu xuân tại miếu Ao (Thạch Trị - Thạch Hà)

Gắn với các di tích, lễ hội là hệ thống truyền thuyết, dã sử hay những sáng tác thơ văn nổi tiếng. Đó là truyền thuyết về những chuyến tuần du của các vua Hùng ở núi Thiên Cầm; là dấu chân Tiên của công chúa Liễu Hạnh, con gái vua Trang Vương ở Thịnh Lộc (Lộc Hà); truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung hiện còn dấu tích ở khu Quỳnh Viên trên núi Long Ngâm - Cửa Sót; là câu chuyện về cha con Hồ Quý Ly bị bắt giữ ở Thiên Cầm, núi Cao Vọng; là những chuyến chinh phạt, tuần du phương Nam của các triều vua như Trần Duệ Tông và cung phi Nguyễn Thị Bích Châu (di tích đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu); 10 bài thơ nổi tiếng của Hoàng đế Lê Thánh Tông, trong đó, có 8 bài về các cửa biển, hải đảo...

Qua một số lễ hội lớn, có thể thấy, phần lớn sinh hoạt lễ hội gắn liền với đời sống tín ngưỡng của cư dân sông nước. Cùng với đó, nhiều loại hình thể thao, dân ca, dân vũ gắn với tín ngưỡng dân gian của cư dân ven biển cũng được hình thành và phát triển, từ hội đua thuyền truyền thống ở xã Thạch Đỉnh (Thạch Hà) được tổ chức quy mô đến các hội hát, trò chơi đấu vật, đấu võ, cờ thẻ, cờ người… trong các lễ hội lớn. Vì thế, phong trào văn hóa – thể thao ở những xã miền biển cũng mang nhiều sắc màu hơn những vùng miền khác, thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân. Những phần hội ấy còn là nơi con người thể hiện niềm mơ ước về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc…

Với việc tôn đắp hệ thống di tích lịch sử dày đặc tại các làng, xã trong vùng, tổ chức nhiều lễ hội theo tín ngưỡng, cư dân vùng biển Hà Tĩnh không chỉ xây dựng nên đời sống tinh thần phong phú mà qua đó còn giáo dục con cháu về cội nguồn tiên tổ, khơi dậy truyền thống tự cường của dân tộc. Những tín ngưỡng người dân vùng biển tôn thờ chính là “hải đăng” giúp họ có tâm thế kiên cường, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

Theo Phan Trâm Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây