Con đường tuổi hai mươi

Thứ ba - 11/07/2017 05:11
“Có những cô con gái/ Đang ngày đêm mở đường/ Hỏi em bao nhiêu tuổi/ Mà sức em phi thường”. Đã hơn 4 thập kỷ qua, nhưng âm điệu của bài hát “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao viết tặng các cô gái thanh niên xung phong (TNXP) mở đường Trường Sơn vẫn ngân vang trong trái tim cựu TNXP Bùi Quốc Bỉnh (xã Vĩnh Lộc, Can Lộc). Ký ức về con đường một thời thấm máu tuổi hai mươi hiện lên trong tâm trí ông.

Dạo ấy, ông Bùi Quốc Bỉnh mới 18 tuổi. Một buổi chiều vừa đi làm đồng về, đôi chân còn bê bết bùn, tay còn vương mấy cụm bèo dâu, ông đã thấy cán bộ xã đội tới đưa cho tờ giấy báo nhập ngũ và bảo: “Chú được tham gia vào đội TNXP đợt này. Ngày mai lên Nghèn tập trung để đi cùng các thanh niên trong huyện Can Lộc”. Đó là ngày 18/6/1965, ông Bùi Quốc Bỉnh cùng hàng trăm thanh niên trai trẻ khác gia nhập vào BT7 tuyến 2 Đoàn 559 với nhiệm vụ khơi thông huyết mạch giao thông, vận tải lương thực, thực phẩm, vũ khí phục vụ chiến trường miền Nam.

Xe vận tải vũ khí, hàng hóa của Đoàn 559 đang vượt qua trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc để vào chiến trường - Ảnh tư liệu

Đầu tháng 12/1965, đơn vị ông Bỉnh được cấp trên sắp xếp lại đội hình. Nhiều anh em đội viên người Hà Tĩnh và Nghệ An đều ở chung đội 23 và 3 đại đội của đội Bắc Hà Tĩnh. Cùng đơn vị bộ đội E4 và E10, lực lượng TNXP lúc này với sứ mệnh cao cả tham gia mở đường 20 với chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”.

Ông Bỉnh tâm sự: Hồi nớ, anh em làm quên ăn, quên ngủ. Không ít người tối nay đang bị sốt rét, nhưng mai “cắt” cơn sốt vẫn vác cuốc, ven đi làm hăng hái lắm. Ngán ngẩm nhất là gặp phải sên, nhiều khi mải làm không biết, đến lúc sên đốt no ở nách, ở mông mới giật nẩy người... Sau 5 tháng, những “bàn tay thép” với “sức vươn Phù Đổng” đã làm nên kỳ tích: thông tuyến từ Hương Hà - Bố Trạch - Quảng Bình sang đến đường 9 nước bạn Lào. Một con đường hiên ngang, một dòng huyết quản được lưu thông trong lòng đất. Từ con đường này, những dòng xe bên Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn nối nhau như dòng thác đổ chảy ra tiền tuyến lớn.

Để giúp những đoàn xe vận tải đi nhanh, tới đích an toàn, ông Bỉnh lại cùng đồng đội cõng trên lưng đủ thứ quân trang, quân dụng, lương thực... Dầu rừng thẳm, sương dày, dầu những đội quân luôn ở tư thế “Ngủ rừng theo đội hình đánh giặc”, ra trận “ngụy trang cài kín thân”, nhưng trước sự hoạt động ráo riết của bọn biệt kích và thám báo, giặc Mỹ vẫn phát hiện được một số mục tiêu. Chúng điên cuồng tập trung hỏa lực để đánh phá con đường chiến lược quan trọng này. Ban ngày, chúng cho máy bay L19, VO 10 bay thấp để quan sát mục tiêu, rồi bắn hỏa mù “chỉ điểm” cho máy bay phản lực như F4, F105 dội bom vào tuyến đường từ sớm tới tối.

Ông Bỉnh vẫn nhớ vanh vách âm thanh từng quả bom phát nổ. Loại bom bi khi thả xuống có tiếng kêu lục bục, loại bom tấn tiếng nổ như xé cả màng tai. Có một điều kỳ lạ ở chiến trường, nghe bom nổ nhưng không ai xa rời đội hình. Sau những loạt bom tọa độ rải dày dọc con đường, đồng đội TNXP có thể người mất, người còn, nhưng các đội viên TNXP vẫn không chịu rời cuốc xẻng. Đặc biệt, khi có lệnh “hỏa tốc” của cấp trên phát về thì thức trắng đêm.

Nghe ông kể, bà Phạm Thị Vòng - cựu TNXP minh họa thêm: “Hồi nớ, bằng công nghệ khoa học hiện đại, bọn chúng đã sáng chế được “cây nhiệt đới” xuống các mục tiêu trọng điểm. Loại “cây lạ” này có chức năng thăm dò và truyền tín hiệu cho địch biết những hoạt động của ta. Ngoài ra, chúng còn tung xuống các loại vũ khí nguy hiểm khác như bom bi vướng, mìn lá, mìn hạt ngô... nếu đi không cẩn thận, rất dễ bị tử nạn, hoặc thương tích nặng”.

Nhìn ông Bỉnh, nhìn bà Vòng đôi mắt đỏ hoe, tôi lại nhớ cách đây hơn 1 năm, chị Nguyễn Thị Đài dẫn đoàn cựu TNXP Hà Tĩnh tới thắp hương cho các liệt sĩ TNXP tại nghĩa trang Thọ Lộc (xã Vân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình). Sáng hôm ấy, trời Quảng Bình xanh như mắt ngọc, đẹp như tâm hồn các anh, các chị nằm trong nấm mồ “sống mãi tuổi hai mươi “. 39 nấm mồ liệt sĩ, lần lượt được các cựu TNXP thắp nén nhang tri ân và cắm lên những bông hồng đỏ thắm. 39 linh hồn được nghe đồng đội nhắc tới tên mình, kể nhiều kỷ niệm những ngày “cọng rau chia đôi, bánh lương khô bẻ nửa” mà mối tình đồng đội thủy chung, trong sáng vô ngần. Họ đã sống đẹp như nhạc, như thơ và chính những linh hồn ấy cùng cả đồng đội của họ là nhân chứng lịch sử dệt nên những khúc nhạc, bài thơ hùng tráng của dân tộc.

Bữa ấy, tôi thấy ông Bỉnh đứng trước nghĩa trang Thọ Lộc nhắc lại rằng: “Trong những năm bảo vệ đoạn đường Km 48 - Km 54+500, 3 tổ quan sát cùng đơn vị đã phá được 61 quả bom nổ chậm. Hàng vạn quả mìn vướng nổ, phá hủy 245 cây nhiệt đới, lấp 376 quả bom trúng đường, san lấp hàng vạn mét khối đá, hàng ngàn cây đổ nằm ven đường. Bảo đảm cho xe kịp thời ra tiền tuyến”.

Có thể những tấm huân, huy chương một thời oanh liệt bây giờ đã cũ, nhưng lịch sử bi hùng của dân tộc không bao giờ cũ. 143 lượt đồng chí của Đoàn 559 được phong tặng chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng, chiến sĩ giao thông... chính là ánh đuốc của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thắp sáng niềm tin cho thế hệ trẻ hôm nay.

Theo Phan Thế Cải Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây