Bí mật khiến “người rừng” nổi tiếng nhất Việt Nam trở lại rừng để đóng phim

Thứ ba - 11/07/2017 05:22
Hơn ba năm ra khỏi rừng, Hồ Văn Lang đã thành thục kỹ năng sản xuất nông nghiệp, biết đổi một con trâu to lấy hai con nghé.
Hơn ba năm ra khỏi rừng, Hồ Văn Lang đã thành thục kỹ năng sản xuất nông nghiệp, biết đổi một con trâu to lấy hai con nghé. Anh bảo: Đổi to lấy nhỏ để nâng đàn làm kinh tế, coi đó là tiền đề để... cưới được vợ. Những chia sẻ này đã khiến không ít phóng viên của các tờ báo nổi tiếng như Daily Mail, The Sun, Russia Today, International Business Times... phải ngỡ ngàng.

Anh Lang (bên phải) và nhiếp ảnh gia Cerezo trong rừng sâu

Trở lại rừng già

Hơn một tuần trở lại đây, dư luận lại hướng sự quan tâm đặc biệt đến “người rừng” nổi tiếng Hồ Văn Lang. Hàng loạt tờ báo quốc tế lớn đã về tận thôn Trà Nga (44 tuổi, xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) – nơi cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh – Hồ Văn Lang đang sinh sống. Việc tiếp cận ông Thanh hết sức khó khăn, bởi đã từ lâu, ông đóng cửa không giao tiếp với người ngoài. Bởi vậy, anh Hồ Văn Lang trở thành “ngôi sao” duy nhất được các phóng viên quốc tế săn đón. Câu chuyện anh chia sẻ, nội dung chủ yếu về chuyến hành trình trở lại rừng già thực hiện bộ phim tài liệu với Alvaro Cerezo (người Tây Ban Nha). Bộ phim tái hiện chân thực cuộc sống, những kỹ năng sinh tồn trong hơn 40 năm sống giữa rừng của anh và người cha già. Nó chưa được công chiếu. Song những đoạn clip quảng cáo ngắn mà Alvaro Cerezo tung lên mạng xã hội, youtube đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận quốc tế. Hồ Văn Lang thậm chí đã được so sánh với Bear Grylls (một ngôi sao của những chương trình thám hiểm - sinh tồn nổi tiếng thế giới – PV).

Kể về cuộc hội ngộ đặc biệt, dẫn tới việc “Tarzan Việt” quay lại rừng già làm phim, anh Hồ Văn Tri (em trai Lang – PV) cho biết: “Cerezo tìm đến và đề nghị anh Lang thực hiện một bộ phim. Ban đầu tôi rất ngạc nhiên. Còn anh Lang lại càng không hiểu. Nhưng qua những ngày lưu lại gia đình, cùng ăn ngủ, sinh hoạt, Cerezo đã thuyết phục anh Lang rằng những gì anh cần thể hiện sẽ rất quen thuộc. Bởi nội dung bộ phim chỉ đơn thuần tái hiện lại cuộc sống trong rừng của anh, giúp khán giả trên toàn thế giới hiểu cách cha con anh sinh tồn suốt hơn 40 năm”.

Sau này khi trả lời báo chí, nói về buổi sáng cùng anh Lang và anh Tri quay lại rừng, Cerezo kể: “Lang không hề lưỡng lự một phút giây nào trong buổi sáng chúng tôi lên đường. Sau một ngày dài băng rừng, chúng tôi cũng đến được “nhà cũ” của Lang. Anh ấy bỗng trở nên say mê một cách lạ kỳ vào phút giây mà chúng tôi đặt chân tới đó, anh nhìn chăm chú vào khoảng không trước mặt gần một tiếng đồng hồ”.

Sau 3 năm ăn vận quần áo như những người bình thường, ngày hôm đó, khi trở lại chốn cũ, anh Lang đã cởi bỏ tất cả những quần áo “văn minh” ra, để khoác lại lên người những thứ trang phục làm từ rễ cây và vỏ cây. Kể từ giây phút họ đặt chân trở lại nơi Lang từng sinh sống suốt 40 năm, Cerezo đã cùng Lang trải qua 5 ngày đáng nhớ. Cerezo cho rằng Lang là một con người rất “đáng yêu”. Dần dần, Cerezo có được lòng tin của Lang. Càng tiếp xúc với Lang, Cerezo càng có cảm giác Lang sở hữu tâm hồn trẻ thơ, hồn nhiên, vui vẻ, thích cười, thích đùa.

Nhưng điều tuyệt vời nhất, có lẽ là trải nghiệm 5 ngày trong rừng sâu mà anh Lang dành tặng người bạn Tây Ban Nha. Tại đây, anh tái hiện thành thục kỹ năng tự nhóm lửa, làm bẫy săn thú, cách giữ an toàn khỏi các nguy cơ khi lưu trú giữa rừng, cách lựa chọn thực phẩm “mẹ thiên nhiên” ban tặng. Cerezo đã cùng anh Lang trải nghiệm cuộc sống nguyên thủy đó và anh thừa nhận: “Nó mang lại cảm xúc dạt dào. Khác hoàn toàn so với những thước phim thực tế nhưng được dàn dựng sẵn bởi các chuyên gia sinh tồn. Tôi thực sự bị anh Lang làm cho phấn khích”.

Khát khao cháy bỏng của “người rừng”

“Tarzan Việt” tái hiện kỹ năng sinh tồn trong rừng

Bộ phim tài liệu ghi lại những khoảnh khắc của anh Lang sẽ sớm được Cerezo phát hành. Nhưng ngay từ lúc này, những clip quảng cáo, hình ảnh đồ họa về “Tarzan Việt” đã được tung ra. Nó khiến anh Lang thực sự trở thành một “ngôi sao”, được dư luận quốc tế quan tâm đặc biệt. Thậm chí, mức độ nổi tiếng của anh còn lớn hơn cả ba năm trước, thời điểm cha con anh được chính quyền cứu ra khỏi rừng và tái hòa nhập cộng đồng. Song với Hồ Văn Lang, những gì anh quan tâm không phải là sự hào nhoáng bên ngoài này.

Trên website Docastaway của mình, Cerezo đã dùng từ “con người nguyên sơ” khi miêu tả về anh Lang. Nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha này cũng dành nhiều tình cảm, sự mến mộ cho “người rừng nổi tiếng nhất Việt Nam”. Song để hiểu trọn vẹn tâm hồn, nhu cầu tình cảm đã thay đổi sau 3 năm từ rừng về với cộng đồng của anh Lang, thì chính Cerezo thừa nhận: Chưa hiểu một cách trọn vẹn.

Hành trình vượt hàng trăm km đường rừng núi về thôn Trà Nga, chúng tôi cố gắng tìm hiểu những điều Cerezo chưa ghi nhận hết. Và những ngày ngắn ngủi tiếp xúc với anh Lang, với người thân, phóng viên đã phần nào lý giải được khát khao cháy bỏng âm ỉ bên trong “người rừng”. Nó thật đáng trân trọng và cũng là minh chứng cho thấy, sức mạnh chở che, sự yêu thương của cộng đồng có thể thay đổi cuộc đời một con người như thế nào.

So với ngày mới được giải cứu, anh Lang bây giờ đã đẹp mã lên khá nhiều, với hàm răng đen hạt na, môi trầu theo đúng phong tục người dân địa phương. Nếu dạo mới từ rừng ra, tóc Lang bờm xờm, cứng như rễ tre thì nay nó luôn được chải gọn gàng, óng mượt và rẽ ngôi rất “nét”. Quần áo “người rừng” cũng sạch sẽ, tinh tươm. Hình ảnh ấy khác hẳn so với khi anh đóng lại bộ quần áo vỏ cây, cùng Cerezo thực hiện hành trình 5 ngày sống trong rừng. Anh Lang bảo: “Mọi người nói phải mặc như thế thì mới lấy vợ được”.

Trong lúc ngồi trò chuyện vui vẻ, chúng tôi có hỏi: “Lang có thích cưới vợ không?”. Nghe câu hỏi, anh Lang nhoẻn miệng cười và gật đầu nên chúng tôi liền thử chỉ vào một số phụ nữ đang ôm con đang đứng gần và hỏi: “Lang thích người nào”. Anh liền xua tay và nói: “Có con rồi, không thích”. Rồi sau đó, Lang ra hiệu chỉ thích những phụ phụ nữ chưa có chồng mà thôi. Khi chúng tôi chỉ vào nữ đồng nghiệp đi cùng, “người rừng” Lang cũng lắc đầu và nói: “Không thích người ở dưới xuôi, chỉ thích con gái người Kor”.

Trước khi đến gặp anh Lang lần này tôi cũng đã đọc thông tin trên một số tờ báo nói anh Lang “thích lấy vợ”. Khi đó tôi chợt nghĩ, với một người đàn ông hơn 40 năm sống ở rừng, nay ra tiếp xúc với xã hội, đã hiểu được cuộc sống xã hội thì khát khao có một người phụ nữ là điều đương nhiên. Nhưng khái niệm “vợ” hay “hôn nhân” thì chắc anh còn rất mù mờ. Chính vì thế, tôi cũng không lấy làm bất ngờ khi anh rất phấn khích, mắt sáng lên khi nhắc đến phụ nữ. Nhưng tôi khá bất ngờ khi nghe “người rừng” đưa ra tiêu chuẩn khắt khe để chọn bạn đời. Theo đó, “người rừng” chỉ đồng ý cưới phụ nữ chưa từng có chồng, không yêu người Kinh mà chỉ muốn con gái dân tộc mình.

Theo một số người thân: Hồi mới về làng, mới bắt đầu làm quen với cuộc sống đông người khác hẳn trước kia chỉ có 2 cha con, Lang chẳng biết ai với ai. Khi lần lượt từng người giới thiệu, người này là anh, là chú, là cô, là vợ của chú, vợ của anh, vợ của em… thì Lang ngơ ngác lắm. Lang chẳng biết vợ là... “cái gì”. Mãi sau này, em trai của Lang là anh Hồ Văn Tri phải giải thích vợ là người chung sống với mình cả đời, làm việc với mình, cùng vui buồn với mình và sinh con đẻ cái cho mình. Lang nghe xong gật gù, nhưng vẫn không hiểu lắm. Với Lang, hình như vợ với cha... giống nhau! Vì hơn 40 năm sống cô đơn giữa rừng, Lang chưa hiểu rõ cái điều khao khát trong lòng. Nhưng từ sâu thẳm, anh đã bắt đầu cảm nhận được mình cần một bàn tay chăm sóc. Từ những điều đó, tôi nhận thấy nguyện vọng lấy vợ của anh Lang không chỉ đơn thuần là một ý thích tự nhiên hay nhất thời.

Tuy nhiên, để kiểm chứng thêm một lần nữa xem anh Lang đã thực sự đủ “trưởng thành” để lấy vợ chưa, chúng tôi lại đánh bạo hỏi: “Còn muốn về rừng sống một mình nữa không?” Lang chỉ cười mỉm lắc đầu: “Thôi, không thích sống trong rừng nữa đâu. Không thích nữa. Ở đây rất vui, rất hạnh phúc. Có cơm ăn còn được nói chuyện với mọi người”. Dù đang sống ở một vùng quê thuộc diện khó khăn, đời sống còn rất nhiều thiếu thốn nhưng với vài bó củi đi lượm trong rừng, Hồ Văn Lang vẫn có thể đổi gạo, cá, mắm để có bữa no, bớt cực khổ hơn những ngày đói lạnh ở chốn rừng sâu trước kia. “Ngày nắng, anh Lang vào rừng kiếm củi đổi gạo, mắm, cá. Ngày mưa thì hai cha con ngồi trong nhà, ai thương thì cho gạo ăn cầm cự qua ngày. Khi mới về anh Lang còn bỡ ngỡ nhiều thứ nhưng giờ thì đã quen với cuộc sống ở đây lắm rồi. Hàng ngày anh đi làm, đi rẫy rồi về nấu cơm rất khéo. Anh cũng thích xem tivi và cười đùa với bọn trẻ. Cuộc sống của anh Lang có lẽ chỉ còn thiếu đôi tay phụ nữ nữa là hoàn hảo”, anh Tri cho biết.

Học làm “trụ cột” gia đình

Có lẽ, mấy chục năm ở trong rừng sâu chưa làm mất đi của anh Hồ Văng Lang những khao khát tình thân ấm áp của gia đình trong tiềm thức. Giờ đây, dù cuộc sống còn cơ cực, lo ăn từng bữa nhưng có anh em, họ hàng, “người rừng” vẫn cảm thấy mãn nguyện, nụ cười thường trực trên môi. Sống một thời gian ở làng, Lang lại khao khát một mái ấm gia đình, có vợ, có những đứa con nhỏ xinh xắn, đáng yêu để vui vầy mỗi ngày như những người đàn ông khác.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nhung (em dâu của anh Lang – PV) cho biết: “Hôm nào đi rừng anh Lang cũng bắt được rất nhiều ếch, cua… mang về. Ăn cơm xong thì dọn rửa chén bát sạch sẽ, ngăn nắp. Anh Lang còn hỏi làm như thế có lấy vợ được không, khiến mọi người trong gia đình đều ôm bụng cười. Chúng tôi còn nói đùa anh: “Phải hơn thế nữa mới lấy được vợ”. Có hôm, anh Tri bảo lấy vợ để nấu cơm, anh Lang cười rất phấn khởi. Anh Lang muốn có vợ lắm rồi. Có hôm, anh ấy đi ăn giỗ đã uống rượu say, khi trở về nhà còn trách bố sao không đưa về nhà sớm hơn để anh lấy vợ. Để đến bây giờ từng này tuổi đầu, em Tri có vợ, có con rồi mà anh thì vẫn chưa lấy được vợ”.

Nói về chuyện lập gia đình riêng, mấy người trong họ vẫn thường đùa tếu với anh Hồ Văn Lang rằng “lấy vợ mệt lắm, nào là phải lo cho vợ có cái ăn, cái mặc đàng hoàng rồi còn sinh con. Mà con thì nhiều việc lắm, nào tã lót, bỉm sữa, nào ăn uống học hành, đủ thứ chuyện, rồi chuyện họ hàng cũng lắm nỗi nhiêu khê”. Có người còn chọc anh Lang rằng, lấy vợ về sướng thì có sướng, thích thì có thích nhưng có khi bị “đè đầu cưỡi cổ”. Lại có người còn nói vui rằng: “Thôi Lang ở rừng mấy chục năm rồi, không biết vợ là cái chi thì cũng đừng nên biết nữa. Lấy vợ rồi, biết vợ là cái chi rồi thì sau này không hối kịp đâu!”. Hồ Văn Lang chẳng biết chuyện “đè đầu cưỡi cổ” là gì, nhưng cũng cứ gật gù cười khi thấy mọi người cười vang nhà. Lang nói bằng tiếng H’rê với mọi người rằng anh không sợ lấy vợ, cũng không sợ bị vợ “đè đầu cưỡi cổ”. Mấy chục năm rồi, anh không biết “vợ” là cái gì, giờ cũng muốn thử có như mọi người xem sao. Những người thân, trêu thì trêu vậy nhưng ai cũng hiểu và thương nên cố giúp anh hoàn thành tâm nguyện. Cả họ chia nhau đánh tiếng mai mối khắp trong làng, trong xã.

Cũng vì muốn lấy được vợ, anh Lang càng quyết tâm học “cái chữ”. Buổi trưa đi làm về, Hồ Văn Lang lấy vở ra học. Đến nay, anh đã học thuộc bảng chữ cái, có thể ghép được tên mình và bắt đầu đánh vần được rồi. Anh cũng nuôi được hai con nghé đổi từ một con trâu lớn để nâng đàn làm kinh tế. Anh Lang bảo: “Có hai con nghé, sau này nó lớn thành trâu, khi ấy Lang lấy vợ thì sẽ làm thịt một con khao cả làng, khao tất cả mọi người chứ không riêng một ai. Còn một con, Lang sẽ để dành cho vợ làm vốn. Nhà mới có rồi, ai làm vợ Lang sẽ không phải ở cái chòi chim như mấy năm trước trong rừng sâu nữa. Lang sẽ có vợ và sẽ có con”.

Có một chi tiết hậu trường ít người biết: Trong quá trình thực hiện bộ phim tài liệu, nhiếp ảnh gia Cerezo đã hứa dành tặng anh Lang một phần doanh thu từ bộ phim sắp tới. Anh Lang thì chẳng có nhu cầu tiền bạc, sắm sửa gì. Nhưng như người thân bảo, anh đã có ý thức dành dụm để cưới vợ. Có lẽ, đó cũng là một phần động lực khiến anh tình nguyện trở lại rừng già, trút bỏ quần áo để sống 5 ngày “như thời nguyên thủy”?

​“Lúc tâm sự, anh Lang nói muốn lấy vợ và sinh con nên anh ấy cố gắng học chữ để tìm vợ. Anh ấy đã biết để ý con gái trong làng rồi. Thời gian gần đây, anh Lang còn nhờ cháu gái dạy tiếng Kinh để đi nói chuyện với con gái trong làng. Anh Lang bảo, con gái trong làng hay lắm, thấy Lang ở đâu là đều ùa đến hỏi chuyện. Mà anh ấy có biết nói chuyện chi (gì) ngoài chuyện con chim trên trời, con cá dưới nước, thế thôi. Anh Lang lại già rồi, hơn 40 tuổi đầu chứ còn trẻ trung gì nữa. Ở tuổi của anh ấy, nhiều người trong làng đã sắp lên ông lên bà rồi. Vậy mà giờ anh Lang mới ngấp nghé đòi lấy vợ. Nghĩ lại, tôi vừa thấy thương, vừa muốn giúp anh”, anh Hồ Văn Tri, em trai của Lang cho biết.

Theo Hà Vân (Gia đình & xã hội)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây