'Ưu đãi thuế cho nhà đầu tư ở lọc hóa dầu Nghi Sơn gây thiệt hại cho ngân sách rất lớn'

Thứ sáu - 06/11/2020 08:21
"Số tiền mà quốc gia phải bỏ ra trả thêm cho nhà đầu tư trong 10 năm từ ngày Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại là 36,73 nghìn tỷ đồng, nếu giá dầu là 50 USD/thùng, 88,1 nghìn tỷ đồng nếu giá dầu là 100 USD/thùng", đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu phân tích.
Ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về kinh tế - xã hội, điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 và các nội dung quan trọng khác.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) nhất trí với báo cáo của Chính phủ và các cơ quan thẩm tra. Ông đánh giá cao những thành tựu của đất nước trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016-2020 mà như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực và vị thế như ngày hôm nay".

Theo ông, năm 2020 với thành tích kép của nước ta, vừa chống dịch thành công vừa tăng trưởng GDP dương cao nhất trong khu vực, nên được cả thế giới kính nể và khâm phục. Mặc dù, GDP nước ta chỉ đạt khoảng 45% kế hoạch nhưng thu ngân sách nhà nước vẫn đạt gần 90% dự toán năm. An sinh xã hội ổn định. Tín nhiệm trên trường quốc tế được nâng cao, đặc biệt là niềm tin tuyệt đối của dân đối với sự lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định.

Đại biểu Chiểu cũng nhất trí cao với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021, kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2026 do Chính phủ trình.
 
20201106014
Đại biểu Trần Quang Chiểu. Ảnh: Quochoi.vn
 
Ông Trần Quang Chiểu cho hay tại kỳ họp thứ 2 tháng 10/2016, ông đã phát biểu những thiệt hại về kinh tế của quốc gia do Chính phủ tiền nhiệm ký cam kết bảo lãnh GGU đối với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn với cơ chế mà GGU gọi là ưu đãi thuế nhập khẩu 3 năm 7% cho dự án.

Theo tính toán, sau khi bù trừ đi số tiền thuế, tiền phí, tiền thuê đất... thu được từ dự án, số tiền mà quốc gia này phải bỏ ra trả thêm cho nhà đầu tư trong 10 năm bắt đầu từ ngày nhà máy vận hành thương mại là 36,73 nghìn tỷ đồng, nếu giá dầu là 50 USD/thùng, sẽ là 47,87 nghìn tỷ đồng nếu giá dầu là 60 USD/thùng, 64,58 nghìn tỷ đồng nếu giá dầu là 75 USD/thùng, 88,1 nghìn tỷ đồng nếu giá dầu là 100 USD/thùng.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội và cử tri cả nước, thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề này. Báo cáo giám sát đã gửi đến Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng.

Ngoài số tiền thiệt hại nêu trên, qua nghiên cứu kỹ GGU, vị đại biểu Quốc hội thấy còn 3 nội dung ưu đãi trái quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết: Một là áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp cho toàn bộ đời của dự án. Hai là cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân. Ba là trong bất cứ tình hình thị trường quan hệ cung cầu ra sao thì Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng, dầu do nhà máy sản xuất ra tại cổng nhà máy.

"Với 3 cam kết như trên, đến nay chưa có cơ quan nào tính toán cụ thể số tiền thiệt hại thêm cho ngân sách quốc gia là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không phải là nhỏ, nó phải là hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí là hàng chục nghìn tỷ đồng, cộng với số tiền phải thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu 3 năm 7% như nêu trên thì số tiền thiệt hại cho ngân sách quốc gia sẽ là rất lớn. Có phải chăng đây là vụ việc gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia lớn nhất từ trước đến nay hay không?", vị đại biểu đoàn Nam Định đặt vấn đề.
 
20201106015
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: TTXVN
 
Đại biểu Chiểu cũng ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm rất tích cực, bằng nhiều biện pháp khác nhau, kể cả ngoại giao nhà nước, ngoại giao Chính phủ, mặc dù GGU chỉ là thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư chứ không phải là thỏa thuận nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành chức năng nhiều lần thảo luận, đàm phán với nhà đầu tư để giảm thiệt hại thấp nhất cho ngân sách quốc gia, song nhà đầu tư vẫn không nhượng bộ với lý do các ưu đãi của GGU đã được nhà đầu tư tính vào chi phí hiệu quả kinh doanh của dự án.

Duy chỉ có một nội dung là, nhà đầu tư đồng ý hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển, bao tiêu sản phẩm từ cổng nhà máy đến kho nhà phân phối, khoảng 20 triệu USD. Do nhà đầu tư không nhượng bộ, ông Trần Quang Chiểu cho hay được biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tích cực họp bàn phương án nguồn tiền để thực hiện gọi là ưu đãi cho nhà đầu tư để trình các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra được phương án và giải pháp tối ưu nhất.

"GGU là thỏa thuận quốc tế nên chúng ta không thể nói là không thực hiện. Số tiền gọi là ưu đãi cho nhà đầu tư này sẽ được cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước hay gián tiếp thông qua Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đều là gánh nặng đối với ngân sách quốc gia, tức là thuế của 100 triệu người dân hôm nay và con cháu chúng ta mai sau.

Số tiền rất lớn, làm thiệt hại cho quốc gia do một số người trong Chính phủ tiền nhiệm gây ra chắc chắn không phải riêng tôi băn khoăn, tại sao các cá nhân và tập thể sai phạm đến nay chưa xử lý nghiêm minh theo pháp luật? Phải chăng đây không phải là gỗ, là củi mà đây là sắt, là thép, thậm chí là kim cương. Cần sớm có câu trả lời công khai trách nhiệm từ các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị của đất nước", đại biểu Trần Quang Chiểu kết thúc bài phát biểu.
BẢO LÂM
Theo nhadautu.vn
 
Link gốc: https://nhadautu.vn/uu-dai-thue-cho-nha-dau-tu-o-loc-hoa-dau-nghi-son-gay-thiet-hai-cho-ngan-sach-rat-lon-d44750.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây