Người dân nhặt cam rụng đưa đi tiêu hủy
Tại huyện Vũ Quang có hàng trăm hộ dân trồng cam với diện tích hơn 2.500 ha, nhưng sau đợt mưa lũ vừa qua có hàng chục tấn cam bị rụng với tỷ lệ rụng 15-20% tổng số quả trên cây, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Ông Đặng Quốc Hoài, (53 tuổi), trú thôn 1, xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang cho biết: "Gia đình ông có Khu vườn rộng hơn 3 ha trồng gần 1.500 gốc loại cam theo tiêu chuẩn VietGap bị rụng quả hàng loạt . Trong 4 ngày từ 1/11 đên 4/11 cả vườn rụng hơn 3 tấn phải đem đi chôn lấp.
Theo ông Hoài - kinh nghiệm hơn 15 năm trồng cam cho đến nay chưa khi nào phải chứng kiến cảnh cam rụng hàng loạt như thế này. Theo dõi thời tiết ông đã tính toán phương án thoát nước cho vườn cam để tránh ngập úng, nhưng do mưa lớn nhiều ngày không cách nào xử lý nổi, nên đành bất lực nhìn cam vàng úa rồi rụng đầy vườn, thiệt hại gần 100 triệu đồng.
Xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc được xem là vựa cam nổi tiếng cũng đang chung tình trạng cam rụng như huyện Vũ Quang.
Có mặt tại vườn cam rộng 2 ha với 1.000 cây của ông Đặng Văn Việt (50 tuổi) bị thối nước, rụng hơn 10 tấn quả trong một tuần. Để vớt vát vốn, ông Việt tranh thủ hái những quả còn sót lại trên cây đem bán lẻ cho thương lái với giá 10.000-15.000 đồng một kg, giảm hơn một nửa so với trước kia là 40.000-50.000 đồng một kg.
Theo tính toán của ông Việt, một ha cam được mùa cho năng suất hơn 15 tấn mỗi vụ. Sau khi trừ các chi phí như phân bón, nhân công, chủ vườn sẽ lời gần 200 triệu đồng. Tính toán là vậy, nhưng ông trời chẳng thương. Năm nay Hà Tĩnh chịu rất nhiều đợt mưa lớn dài ngày khiến người dân trồng cam lâm vào cảnh trắng tay.
Tận dụng những quả cam rụng có thể còn dùng được
Ông Nguyễn Huy Trung - Cán bộ phụ trách nông nghiệp nông thôn mới xã Thượng Lộc cho biết: Địa phương hiện trồng hơn 200 ha cam, trong đó khoảng 150 ha đã cho thu hoạch, chủ yếu là các giống cam chanh, cam dòn, cam đường, cam V2… Năng suất cam trung bình đạt từ 11 - 14 tấn/ha. Ước tính năm nay cho thu hoạch khoảng 23.000 tấn cam. Tuy nhiên, thời gian qua do đợt mưa lớn kéo dài khiến cam bị tích nhiều nước, xuất hiện những chấm đen và rụng dần. Nhiều vườn cam tỷ lệ rụng khoảng từ 15 - 20%, có vườn rụng hơn 30%.
Vườn cam tiêu chuẩn VietGAP của gia đình chị Võ Thị Loan (thôn Anh Hùng) có diện tích lớn nhất nhì tại xã Thượng Lộc với hơn 1.500 gốc. Vụ cam năm nay, gia đình chị ước tính thu hoạch 30 tấn nhưng qua đợt mưa kéo dài hơn một tuần vừa qua đã rụng gần 10 tấn.
Được biết, nguyên nhân gây cam rụng hàng loạt là do quanh phần rễ, lá các loại cây ăn quả thường tồn tại nấm phytophthora. Mưa lớn gây ngập úng, tạo điều kiện cho chủng nấm này phát tán nhanh và xâm nhập vào các vết thương của quả khiến quả bị thối và rụng. Một nguyên nhân khác là, khi đất bị ngập sẽ dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho rễ hô hấp, cộng với hiện tượng thừa nước, việc thoát nước không kịp của quả trong khi bộ rễ bị rối loạn nên dễ rụng.
Để hạn chế tối đa thiệt hại, người dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật trong chăm sóc cây ăn quả. Khi trồng cam, bưởi cần trồng nổi, trong vườn phải có đủ hệ thống tưới, tiêu chống úng cục bộ. Trong chăm sóc, tăng cường hàm lượng phân hữu cơ, thường xuyên kiểm tra độ PH trong đất, có thể cân đối bằng cách bón vôi. Nên bón các loại chế phẩm sinh học phòng trừ nấm và các tuyến trùng gây hại trong đất trước mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, cây cần được giữ ẩm thường xuyên, chỉ cần cắt tỉa và không nên xới sạch cỏ ở gốc cây.
Theo Nguyễn Ngọc Vượng Dân sinh