Phiếu thu tiền của Trung tâm DVHT&MTĐT thị xã Kỳ Anh
Chính phủ tinh giản biên chế, thị xã Kỳ Anh lại "đẻ" thêm?
Trong lúc cả nước đang thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, về thực hiện việc tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị công lập theo Nghị định số 113/2018 QĐ-CP ngày 31/8/2018, về việc tinh giảm biên chế, thực hiện Nghị quyết số 19 NQ- TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ VI, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, quy định đơn vị sự nghiệp công lập hưởng ngân sách nhà nước (100% vốn nhà nước), thì nhà nước thiết lập hệ thống đơn vị sự nghiệp để đảm nhận vai trò, nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công trong các lĩnh vực nghành nghề như: Giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa thể thao.
Chủ trương, đường lối của Đảng là vậy, tuy nhiên, UBND thị xã Kỳ Anh cho ra đời Trung tâm DVHT&MTĐT. Trung tâm này vừa mới thành lập, hoạt động chưa được 1 năm, tuyển dụng gần 60 cán bộ, công nhân viên và hiện đang hoạt động nhiều lĩnh vực, có dấu hiệu sai quy định.
Cụ thể, theo phản ánh của nhiều người dân, mới "khai sinh" được ít tháng, Trung tâm DVHT&MTĐT, được UBND thị xã Kỳ Anh, giao nhiệm vụ thực hiện Dự án hạ tầng kỹ thuật khu Eo Bạch, theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Dự án có tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng và thi công một số công trình khác. Sau khi "tự biên, tự diễn" gần xong công trình, đơn vị này đã phân lô, cho thuê đất, cho thuê mặt nước và thu về gần 4 tỷ đồng. Điều kỳ lạ là đơn vị này làm việc không tuân thủ một trình tự, quy định nào của pháp luật, tự ra thông báo thu tiền, rồi cho nhân viên "xách túi" đến trực tiếp thu tiền đưa về, mặc dù UBND thị xã Kỳ Anh vẫn có Ban Quản lý dự án (Ban A), Phòng Tài chính,...(!?)
Tiếp đến, theo quy định về công tác vệ sinh môi trường thì Nhà nước không đưa vào thiết lập trong hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ ưu tiên, quan tâm cho việc xã hội hóa. Nhưng, Trung tâm DVHT&MTĐT đã dùng tiền ngân sách Nhà nước để mua phương tiện, thiết bị thu gom rác thải, trong khi không có giấy phép hoạt động về lĩnh vực này.
Trao đổi với phóng viên Báo Ngày mới online (Báo Người cao tuổi), ông Lê Văn Tân, Chủ nhiệm HTX môi trường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) cho biết: "Thực hiện việc vận động của địa phương năm 2009, chúng tôi thành lập HTX môi trường Kỳ Phương, có 9 công nhân, 67 xe gom rác, 1 xe ô tô trung chuyển. Chúng tôi phối hợp với Công ty môi trường Kỳ Anh, thu gom xử lý rác rất ổn định được Nhân dân ghi nhận. Đến tháng 6/2018, bỗng dưng chúng tôi bị mất việc, khi Trung tâm DVHT&MTĐT "ép" chúng tôi phải giải thể HTX để nhường "sân" cho họ!?. Rất bất cập vì anh em công nhân chúng tôi đã bỏ công sức, đầu tư tài chính từ thủa sơ khai, đột nhiên bao nhiêu người mất việc làm. Có hay không vì "lợi ích nhóm" mà họ quên mất quyền lợi, công lao của chúng tôi?" Ông Tân bức xúc đặt câu hỏi.
Từ những việc làm “trái khoáy” trên, đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Nội vụ, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT vào cuộc làm rõ những hoạt động của Trung tâm DVHT&MTĐT, đơn vị cấp 2 thuộc UBND thị xã Kỳ Anh. Có hay không việc lãnh đạo địa phương này đang thao túng quyền lực, lợi ích nhóm?.
Chúng tôi tiếp tục thông tin về vụ việc trên
Kiều Liệu- Hoàng Hiệp