Trạm bơm đắp chiếu!
Cuối năm 2016, 31 hộ nuôi trồng thủy sản tập trung Phúc Lộc hết sức vui mừng, phấn khởi khi được nhà nước (Ban Quản lý các dự án ODA ngành nông nghiệp Hà Tĩnh làm chủ đầu tư- PV) quan tâm đầu tư xây dựng trạm bơm và một số hạng mục liên quan giúp các hộ chủ động nước, nâng cao năng suất, chất lượng nuôi trồng thủy sản.
Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư hơn 5,4 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính: trạm bơm; ống cấp nước cho các ao nuôi; nạo vét nâng cấp ao thải, ao lắng; cống vào ra ao chứa, ao lắng; đường điện... Dự án được triển khai xây dựng năm 2016 và đến cuối năm 2017 hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, theo trình bày của các hộ nuôi trồng thủy sản, ngay khi đưa vào vận hành công trình đã bộc lộ những bất cập. Trạm bơm hoạt động cấp nước rất yếu, hệ thống cấp điện cho trạm bơm phải nhờ tạm, chưa ổn định, hệ thống xả thải và nguồn cấp nước cùng một điểm ảnh hưởng lớn đến an toàn dịch bệnh…
“Sau khi hoàn thành công trình, đưa vào chạy thử, chúng tôi rất thất vọng vì công suất bơm quá chậm. Những ao ở cuối nguồn bơm cả ngày cũng chưa đủ nước. Sau lần chạy thử, trạm bơm chỉ hoạt động một vài lần rồi đắp chiếu từ đó đến nay” – ông Lưu Thăng Long – Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Phúc Lộc cho biết.
Cũng theo người dân ở đây cho biết, không chỉ công suất trạm bơm rất yếu, mà việc thiết kế hệ thống cấp nước – và xả vào chung 1 vùng “xả đó, hút đó”, không có hệ thống ngăn cách rất bất cập, ảnh hưởng lớn đến an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, hệ thống hố ga, khóa đóng mở cấp nước cho các ao rất khó sử dụng…
“Thông thường, mỗi khi bắt đầu các vụ nuôi, chúng tôi lựa chọn thời điểm đình triều để lấy nước vào ao nuôi, tuy nhiên hệ thống ống dẫn nước và máy bơm của dự án có công suất, kích thước quá nhỏ, không thể cung cấp đủ nước khi thủy triều vùng nuôi đạt đỉnh, buộc các hộ nuôi phải lấy nước trong nhiều ngày, ảnh hưởng đến các công đoạn xử lý nước trước khi thả tôm” - ông Trương Đăng Chương, một trong những hộ nuôi tôm bức xúc.
Ngoài những bất cập trên, đến nay vẫn chưa có nguồn điện chính thức cấp cho trạm bơm hoạt động. Mỗi lần chạy máy phải xin đấu điện từ trạm biến áp của các hộ dân. Theo đó, trong các hạng mục dự án không có hạng mục trạm biến áp (cấp điện cho trạm bơm) mà sử dụng nguồn điện từ trạm biến áp có sẵn của các hộ dân. Theo các hộ dân, đây là trạm biến áp do họ bỏ tiền đầu tư, nếu dùng điện cho máy bơm hoạt động, nếu có hư hỏng thì không ai chịu trách nhiệm và mong muốn bàn giao lại cho điện lực Thạch Hà quản lý. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay điện lực Thạch Hà vẫn chưa tiếp nhận trạm biến áp này.
“Chúng tôi mong muốn các đơn vị liên quan sớm khắc phục, xử lý những bất cập, sửa chữa hệ thống trạm bơm để có nguồn nước sạch nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn” – ông Trương Đăng Chương – một trong những hộ nuôi trồng thủy sản ở đây bày tỏ.
Dự án biểu hiện nhiều sai phạm
Theo phản ánh của lãnh đạo chính quyền và người dân xã Thạch Khê, bên cạnh việc gây lãng phí nguồn lực đầu tư hàng tỷ đồng, quá trình triển khai xây dựng dự án nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Phúc Lộc đã xẩy ra nhiều sai phạm như: xâm lấn rừng phòng hộ; vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, đê điều.
Cụ thể, sau khi đơn vị thi công đã đào đắp được khoảng hơn 4,7ha ao lắng giữa rừng đước phía ngoài đê Hữu Phủ. Chính quyền và người dân địa phương phát hiện đây là khu vực rừng và đất lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng phòng hộ trong hành lang bảo vệ đê điều của tuyến đê Hữu Phủ, tiểu khu 285, xã Thạch Khê.
Thế nhưng, quá trình triển khai thi công, chủ đầu tư chưa hề có kế hoạch sử dụng đất, quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, rừng của cấp có thẩm quyền theo quy định. Chủ đầu tư cũng chưa có văn bản cấp phép đối với hoạt động liên quan đến đê điều và sử dụng hành lang an toàn đê điều.
Sau khi các cơ quan chức năng chỉ ra những sai phạm, chủ đầu tư dự án đã đưa ra phương án tháo gỡ theo kiểu “nóng tay bắt lỗ tai”, điều chỉnh các hạng mục xây dựng. Đây cũng chính là nguyên nhân chính làm phát sinh những bất cập, vướng mắc trong quá trình vận hành dự án, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, bức xúc trong dư luận.
Trao đổi với chúng tôi về những phản ánh, bức xúc của người dân, Phó Trưởng ban quản lý dự án công trình nông nghiệp Hà Tĩnh, Hà Văn Trà thừa nhận quá trình triển khai thi công Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Phúc Lộc (Thạch Khê) đã xẩy ra những sai phạm, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh thiết kế, địa điểm xây dựng các hạng mục thi công.
Tuy nhiên, khi đề cập đến những lãng phí do quá trình điều chỉnh dự án gây ra, ông Hà Văn Trà cho rằng, vấn đề cốt lõi chính là sự thiếu đồng thuận trong nhân dân. “Với nguồn kinh phí vốn có, quy mô xây dựng các hạng mục xây dựng không thể vượt ra ngoài khả năng bố trí nguồn vốn. Chính vì vậy, người dân cần lựa chọn các phương án vận hành phù hợp với công năng của dự án”. Ông Trà nói.
Qua tìm hiểu được biết, những sai phạm, lãng phí tại Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Phúc Lộc (Thạch Khê) không phải ngẫu nhiên mà có. Vì vậy, bên cạnh việc làm rõ vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan, tỉnh Hà Tĩnh cần sớm chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng phương án tháo gỡ vướng mắc, vận hành hữu hiệu dự án thay vì đỗ lỗi trách nhiệm cho nhau.
Kiểu Thanh
Theo Nhà đầu tư
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn