Cụ thể, từ nguồn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bắt đầu từ tháng 4/2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá rô phi theo VietGap gắn với tiêu thụ sản phẩm.
3 hộ dân ở phường Thạch Quý (TP. Hà Tĩnh) được lựa chọn làm điểm triển khai mô hình với diện tích 3 ha ao nuôi đảm bảo phù hợp trong kế hoạch, quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Sau 6 tháng nuôi, sản lượng cá ước đạt hơn 50 tấn/3 ha
Được sự hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn và vật tư với hướng dẫn về kỹ thuật, sau gần 6 tháng nuôi cho thấy, mô hình này có sản lượng và năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia.
Qua đánh giá, các hộ nuôi đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật theo qua trình VietGap, năng suất đạt 16,8 tấn/ha, tỉ lệ sống đạt 80%, cá phát triển tốt, cho cho trọng lượng bình quân đạt 0,8 kg/con. Ước tính, với diện tích 3 ha, doanh thu đạt trên 1,5 tỷ đồng, lãi hơn 200 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm thành công đã mở ra một hướng đi mới, giúp người nuôi phát triển bền vững, hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng phục vụ tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Trước đó, tại tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều hộ nuôi cá áp dụng thành công mô hình VietGap. Tại hợp tác xã chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành đã thực hiện mô hình nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGap và hoạt động theo mô hình hợp tác xã từ đầu năm 2017 với 9 hộ thành viên tham gia. Mục tiêu của hợp tác xã là liên kết sản xuất và thực hiện chứng nhận VietGap.
Tại tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều hộ nuôi cá áp dụng thành công mô hình VietGap
Hiện, hợp tác xã có 85 lồng nuôi chủ yếu là các loại cá đặc sản như cá lăng, cá chép giòn, cá điêu hồng… với sản lượng đạt 400-500 tấn/năm. Quá trình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGap tại đây được thực hiện khá bài bản. Mỗi lồng được hợp tác xã cắm biển, ghi chép cẩn thận về ngày xuống giống, chủng loại giống, loại cám cho ăn, đặc biệt, có sổ theo dõi các lồng nuôi về lượng thức ăn, thuốc phòng.
Ông Nguyễn Xuân Đang, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh cho biết, kế hoạch của đơn vị mỗi năm phát triển từ 400 đến 500 tấn cá, với quy mô nuôi cá lồng khá lớn nên rất cần nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước để duy trì và phát triển nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGap
Năm 2017, Chi cục thủy sản tỉnh Bắc Ninh đã tích cực tuyên truyền hướng dẫn các hộ nuôi áp dụng theo các tiêu chuẩn của VietGap. Đến nay, toàn tỉnh đã có 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGap. Mỗi cơ sở làm quy trình này được tỉnh hỗ trợ 80 triệu đồng và được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật.