Trong công tác thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH 9 tháng đầu năm 2018, Hà Tĩnh đón nhận những thuận lợi từ kết quả tốt đẹp trong năm 2017, xu hướng phát triển tích cực 6 tháng đầu năm 2018. Cùng với đó, những tín hiệu vui trong công tác thu ngân sách với 9 tháng đạt hơn 9.000 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa đạt 4.500 tỷ đồng (bằng 112% so với cùng kỳ năm trước), thu xuất nhập khẩu gần 4.527 tỷ đồng (bằng 220% so với cùng kỳ năm trước) là minh chứng rõ nét cho tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, thể hiện tính hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt, bám sát cơ sở của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Tĩnh, 9 tháng đầu năm Hà Tĩnh là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước với mức tăng 110,4% (cả nước tăng 10,6%). Đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng toàn ngành là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 148,8%) và sản xuất phân phối điện (tăng 35,5%). Các dự án, nhà máy chủ lực như bia Sài Gòn – Hà Tĩnh, thép Formosa, nhiệt điện Vũng Áng 1…
Đối với nông nghiệp tổng sản lượng lương thực ước đạt 56,95 vạn tấn, tăng cao so với cùng kỳ (tăng 9,8 vạn tấn); riêng sản lượng lúa năm nay ước đạt 53,3 vạn tấn (tăng 9,1 vạn tấn so với cùng kỳ). Cây ăn quả được mùa, chăn nuôi vẫn duy trì ổn định, nuôi trồng thuỷ hải sản đạt 100% kế hoạch đặt ra…
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp,nông nghiệp, lĩnh vực thương mại – dịch vụ cũng đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng 9 tháng qua. Theo đó, 9 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 26.323,39 tỷ đồng, tăng 13,32% so cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 3.664,72 tỷ đồng, tăng 10,96% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khả quan, thị trường hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh đạt 1,335 triệu lượt, đạt 95,4% kế hoạch, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 482,69 triệu USD, đạt 102,7% kế hoạch, tăng 172,52% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu từ Formosa đạt 404,67 triệu USD, chiếm 84% tổng kim ngạch, riêng thép xuất 369 triệu USD, chiếm tỷ trọng 76,5% tổng kim ngạch.
So sánh cùng kỳ các năm 2016 – 2017 cho thấy, tổng mức bán lẻ 9 tháng năm 2018 tăng hơn năm 2017 là 12,68 điểm % và năm 2016 là 14,37 điểm %. Điều đó chứng tỏ, nhu cầu hàng tiêu dùng của người dân ngày càng lớn; đồng thời, phản ánh lĩnh vực bán lẻ ở Hà Tĩnh đang có nhiều tín hiệu khả quan, là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước
Bên cạnh những kết quả lạc quan về KT-XH, những tháng đầu năm, Hà Tĩnh cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tổng vốn đầu tư xã hội giảm so với cùng kỳ, thiên tai, thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất, ANTT phức tạp…
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh xác định, những kết quả đạt được là những dấu hiệu đáng mừng nhưng để các mục tiêu phát triển KT-XH cả năm 2018 đạt và vượt kế hoạch đặt ra, cần phải nỗ lực hơn nữa thực hiện quyết liệt các giải pháp để tạo sự ổn định và đột phá; trên cơ sở các mục tiêu và chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2018 cùng với kết quả đã đạt được những tháng đầu năm, phải tiếp tục xem xét, đánh giá một cách cụ thể, khách quan đối với từng nội dung, từng ngành, lĩnh vực để có các giải pháp hiệu quả và sát đúng với tình hình thực tế của địa phương để có cách đi đúng hướng, hiệu quả.
Bình Tĩnh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng