Bách bộ vượt Đèo Ngang
Phan Phương, anh bạn đồng nghiệp ở báo Quảng Bình một hai cương quyết bắt tôi đi bộ qua Đèo Ngang, nhưng mà phải bắt đầu từ chân đèo phía Hà Tĩnh. Anh ấy lí giải rằng, muốn nhìn thấy được sự hùng vĩ Đèo Ngang thì không thể chui qua hầm, hay vun vút vượt đèo trên những chiếc xế hộp thời thượng; còn việc xuất phát từ phía Hà Tĩnh, là để cảm nhận một Đèo Ngang trầm mặc, nơi từng là phên dậu, là chứng nhân lịch sử trên dặm dài nước Việt.
Có lẽ do phụ trách địa bàn huyện Quảng Trạch lâu năm mà Phan Phương như một nhà địa phương học thực thụ khi nói về Đèo Ngang. Theo anh ấy, Đèo Ngang nằm cuối dãy núi Hoành Sơn, vắt ngang Đông - Tây ra tới biển Đông, thuộc cực Bắc tỉnh Quảng Bình. Nơi đây từng là biên giới tự nhiên giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành kể từ khi người Việt giành được độc lập năm 939, cho đến trước thời kỳ vua Lý Thánh Tông khởi đầu công cuộc mở rộng lãnh thổ về phương Nam.
Kể từ năm 1069, sau chiến thắng người Chiêm của vua Lý Thánh Tông, dãy Hoành Sơn không còn là biên giới, là phên dậu nữa mà là một phần “máu thịt” của Đại Việt. Để giáo hoá dân chúng, khoảng thế kỷ XV, dưới thời hậu Lê, đã cho xây đền thờ quốc mẫu Thánh Liễu Hạnh nằm phía Nam Đèo Ngang. Đây là ngôi đền độc lập thờ thánh Mẫu xa nhất về phía Nam mà người Việt dựng lên để thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở thời điểm này.
Năm 1558, nghe theo lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã vượt Hoành Sơn, “mang gươm đi mở cõi”, mở ra công cuộc Nam tiến oanh liệt, làm nên nghiệp lớn, truyền 9 đời chúa, 13 đời vua.
Có lẽ nhờ vị trí đặc biệt và mang trong mình những dấu ấn lịch sử mà dãy Hoành Sơn và Đèo Ngang là nguồn cảm hứng bất tận của nhiều thi nhân nổi tiếng đất Việt như: Lê Thánh Tông, Nguyễn Thiếp, Vũ Tông Phan, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, vua Thiệu Trị, Nguyễn Hàm Ninh, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Phước Miên Thẩm, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát… và thêm cậu bé Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh - người sau này khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà), được cha cõng từ quê vào Kinh đô Huế cũng đã từng cảm tác trước sự hùng vỹ và trầm mặc của Đèo Ngang: “Núi cõng con đường mòn/Cha thì cõng theo con/Núi nằm ì một chỗ/Cha đi cúi lom khom/…”
Theo nhà báo Phan Phương, trong muôn vàn cảm tác về Đèo Ngang của bao thi nhân mặc khách, thì bài thơ Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan có thể nói là một tuyệt phẩm lưu danh thiên cổ. Anh ấy có ý định làm một chùm ảnh minh hoạ cho bài thơ này nhưng đang gặp khó về hình ảnh chú tiều lom khom dưới núi và lác đác mấy nhà bên sông. “Ngày xưa người dân hai mái Đèo Ngang vẫn thường ví von “Đèo Ngang là đang nghèo”. Nhưng nay thì khác rồi, hai mái Đèo Ngang giờ là các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng nước sâu… là động lực kinh tế của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Người dân hai mái đèo Ngang giờ đi xe máy, đi ô tô, nhà cửa san sát… thật khó để tìm lại bóng dáng xưa trong bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan” - Phan Phương tâm sự.
Sứ giả của trời đất
Đi bộ hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi cũng lên đến đỉnh Đèo Ngang. Phía trái, cách đường đèo hiện hữu khoảng 50m là di tích lịch sử Hoành Sơn Quan, một cổng chào mang tính biểu tượng được vua Minh Mạng cho xây vào năm 1833. Sau này cũng chính ông ấy đã truyền khắc hình ảnh dãy Hoành Sơn, bao gồm cổng chào này vào Huyền Đỉnh, một trong cửu Đỉnh tượng trưng cho sự huyền kỳ đặt tại Kinh đô Huế.
Đã hơn 30 năm nay, cụ Nguỳ vẫn thăm thẳm một mình lên chăm nom khu di tích này như sứ giả của trời đất
Ở khu di tích Hoành Sơn Quan này chúng tôi bất ngờ gặp một cụ bà đã 90 tuổi, nhà ở xã Kỳ Nam, hơn 30 năm nay, hằng ngày lên đây quét dọn, hương khói như một sứ giả của trời đất vậy. “Chồng tui từng nói, di tích Hoành Sơn Quan này bao năm rồi rừng hoang, cỏ rậm, mình lên dọn dẹp, quét tước, dâng hương cho khỏi lạnh lẽo âm hồn, thờ thần thần đãi, thờ ông vãi thì ông vãi thiêng” - cụ bà Nguyễn Thị Nguỳ bắt đầu câu chuyện.
Đứng trên đỉnh Đèo Ngang phóng tầm mắt nhìn con đèo uốn lượn hướng về phía biển Đông như một dấu hỏi chấm vắt ngang lưng trời. Từ Hoành Sơn Quan nhìn ra phía Bắc là vùng đất thuộc xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ngược lại, nhìn về hướng Nam là vùng đất thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Phía xa xa là biển biếc, tàu thuyền nhộn nhịp vào ra cảng Vũng Áng và vịnh Hòn La…
Cụ Nguỳ kể: Khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi cả nước đang khó khăn thì chồng bà là cụ ông Bùi Đức Bản đã tìm lên đây, ròng rã hàng tháng trời, chặt cây, dọn cỏ, xếp đá, lủi thủi thân già từ sáng sớm đến tối mịt. Cuối cùng ông cũng đã làm phát lộ cả một di tích hùng vĩ và lâu đời bị bỏ quên. Ông xin tiền vợ con mua lư hương, bát nước, cái chổi, ngày ngày chăm chút cho cả khu di tích luôn sạch, đẹp và ấm áp hương khói.
Sau khi nhờ cụ Bản mà phát lộ di tích, chính quyền Quảng Bình và Hà Tĩnh đều cho rằng, di tích Hoành Sơn Quan thuộc quyền quản lí của mình. Nhiều cuộc hội thảo của các nhà chuyên môn giữa 2 tỉnh được tổ chức nhưng vẫn không ngã ngũ. Mặc quan điểm của chính quyền 2 tỉnh, cụ Bản sáng nào cũng vậy, lại đi bộ trèo dốc lên đỉnh đèo Ngang và cần mẫn với công việc của mình. Một thời gian sau đó, chính quyền Hà Tĩnh chủ động trùng tu lại Hoành Sơn Quan, đền thờ Công chúa Liễu Hạnh và một số cụm di tích khác trên đỉnh đèo.
Cũng có nhiều ý kiến vào ra về sự hiện diện của cụ Bản nơi đây, nhưng rồi công việc của cụ vẫn vậy, như một phần không thể thiếu đối với cụm di tích lịch sử này. Năm 2000, cụ Bản qua đời, khi hấp hối, ông nắm tay vợ: “Ai nói chi kệ, bà nghe tôi, tôi chết, bà nhớ thay tôi chăm sóc khu Hoành Sơn Quan, đừng để rừng hoang, cỏ rậm, lạnh lẽo di tích tội lắm...” - cụ Nguỳ nhớ lại.
Thay chồng làm cái việc “bao đồng” nhưng cụ Nguỳ chưa một ngày chùn chân, mỏi gối. “Những ngày nắng ngày mưa, gió bão thật cực. Mang cái tơi vào người, gió thổi tưởng bay cả thân già xuống vực. Có bữa, định không đi vì gió mưa dữ quá nhưng nhìn lên bàn thờ, thấy mặt ông nhìn như có ý hờn trách thế là mẹ lại khoác áo đi. Con cháu lo cho mẹ tuổi cao sức yếu nên ngăn cản nhiều lắm nhưng không đi không được, ở nhà là nóng ruột, nhớ nhung kiểu chi cũng phát đau, phát ốm” - Cụ Nguỳ tâm sự.
Năm 2000, cụ Bản qua đời, khi hấp hối, ông nắm tay vợ: “Ai nói chi kệ, bà nghe tôi, tôi chết, bà nhớ thay tôi chăm sóc khu Hoành Sơn Quan, đừng để rừng hoang, cỏ rậm, lạnh lẽo di tích tội lắm...” - cụ Ngùy nhớ lại
Công việc hằng ngày của cụ Nguỳ là phát tỉa lau lách, cây dại, lau rửa ly chén, bàn thờ, quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực di tích, thắp hương. Khi hết việc, cụ ngả lưng vào Hoành Sơn Quan nghỉ ngơi, ngồi nhìn trời đất, có khách tham quan thì nhắc nhở đừng viết bậy, vẽ bậy, vứt rác lung tung. Nếu nhắc rồi mà họ không nghe, thì chờ khi họ rời đi, cụ Nguỳ phải đi nhặt nhạnh, dọn dẹp, gom lại, thứ gì bán được thì mang xuống giao cho mấy người đồng nát, góp từng đồng để mua hương đèn giữ ấm cho khu di tích.