Là người đang nắm giữ cùng lúc hai kỷ lục châu Á (182kg) và thế giới (183kg) ở môn cử tạ dành cho người khuyết tật hạng cân 49kg, Lê Văn Công được bạn bè thán phục, gọi anh là "người đàn ông đã đánh bại cả thế giới".
Nhưng dù "đã đánh bại cả thế giới", khi rời xa thanh đòn gánh đôi tạ sắt, đô cử Lê Văn Công thường ngày vẫn sống, mưu sinh và cuối ngày quây quần bên mâm cơm gia đình, như bao người.
Mỗi ngày, đô cử đã giành HCV Paralympic 2016 thức dậy khi bình minh mới chớm. Anh cùng vợ chuẩn bị đồ ăn sáng cho hai con và đưa các con đi học. "Ngày nào con không đi học, thì tôi được ngủ nhiều một tí, rảnh rang hơn một tí trước khi đi làm".
Chấm dứt được cảnh "nay đây mai đó" giữa bộn bề đô thị TP.HCM, hay cảnh "mới thuê trọ được 3 tháng thì chủ nhà bảo dọn đi để họ xây lại" hai năm trước, anh Công và vợ đã tích cóp đủ để xây cất một mái ấm nhỏ, nằm trong một khu dân cư mới ở huyện Đức Hòa, Long An.
Và vì để có chỗ che nắng, che mưa ổn định cho vợ con, đô cử người Hà Tĩnh không ngại quãng đường mưu sinh hơn 60km mỗi ngày.
Trước giờ làm, theo thói quen sinh hoạt của phần lớn "dân Sài Gòn", Công cũng ăn sáng và uống cà phê cùng những người bạn. Bên ly cà phê hôm nay, anh kể về chuyện, đã có nhiều người nghi ngờ thành tích 183kg của anh.
"Như ông hàng xóm bữa rồi không tin, còn thách đố mình phải nâng được ổng thì ổng mới chịu. Ổng nặng cũng gần cả tạ. Nhưng mà mình nằm xuống, để ổng nằm lên tay và cử xuống rồi cử lên. Thế là ổng chịu mất hai con gà làm thịt".
Hiện lực sỹ Lê Văn Công đang làm tại một xưởng sản xuất amply nằm sâu trong một con hẻm ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Anh làm chung với người thầy dạy điện trước kia cho mình là thầy Lê Văn Kỳ - cũng là người bạn thân thiết gắn bó với anh hơn chục năm nay.
"Thu nhập của mình thì tùy thuộc vào các đơn đặt hàng, cũng không ổn định lắm. Như giờ thời điểm cuối năm, hàng nhiều làm cũng được khoảng 1 triệu đồng mỗi ngày. Tính chung thì trừ đi các chi phí đi lại, trung bình cũng được 5-7 triệu/tháng để lo cho cuộc sống.
Lúc phải tập trung đội tuyển thì được hưởng chế độ của vận động viên. Mỗi năm thì có khoảng 1-2 giải. Những lúc đó thì vợ thay tôi chăm sóc các con, thầy Kỳ quán xuyến hết công việc tại xưởng".
Thân hình rắn rỏi, cơ bắp lực lưỡng là thế, nhưng đô cử Lê Văn Công lại là người rất thích nhạc sến. Bên dàn karaoke tại xưởng do chính tay sản xuất, anh có thể hát bất cứ bài nhạc sến nào. "Cứ bấm chọn bài đi, bài nào cũng được, mình hát cho nghe". Nhạc sến đi vào cả trong nhạc chuông chờ điện thoại của lực sỹ vô địch thế giới này.
Trong những ngày có lịch tập luyện, tan ca công việc ở chỗ làm, anh Công đến Trung tâm thể dục thể thao Tân Bình để duy trì sức mạnh cơ bắp. Nhưng hôm nay là "một ngày không tạ", anh mau chóng chạy xe thẳng về nhà. Nơi vợ anh, "nếp" và "tẻ" của anh đang chờ.
Khi được hỏi, có lúc nào cảm thấy cô đơn khi anh Công vắng nhà đi tập huấn và thi đấu không, chị Chu Thị Tám chia sẻ: "Nhiều lắm chứ. Nhất là lần mới sinh đứa thứ 2, con gái Trâm Anh bị bệnh, phải thở oxy 11 ngày liên tục. Ngay đợt đó anh Công phải tập huấn không về được. Anh chỉ tranh thủ về lúc thứ 7, Chủ nhật được nghỉ tập rồi lại đi".
Đã là đô cử vô địch châu Á từ năm 2007 và giờ đây là mức tạ đã mang về tấm HCV Paralympic đầu tiên cho thể thao Việt Nam, nhưng lực sỹ Lê Văn Công không hề có chế độ hàng tháng như bao VĐV bình thường khác.
Bởi thế nên khi được hỏi về mâm cơm có quá đơn giản với nhu cầu của một lực sỹ như anh hay không, anh Công đáp đơn giản: "Có gì ăn nấy thôi. Những lúc tập huấn thì ăn theo nhà bếp".
Anh cũng kể rằng: "Sau khi đoạt HCV Paralympic, nhiều người nói tôi chắc cũng phải như anh Hoàng Xuân Vinh, được thưởng vài tỷ là ít. Thực ra làm gì tới tiền tỷ. Nhưng dù sao thì mình vẫn phải tự thân cố gắng mỗi ngày để duy trì phong độ. Vì mình đã từng thành công với mức 185kg mà".
Vào những ngày Chủ nhật, lực sỹ Lê Văn Công đưa vợ con đi lễ nhà thờ. Tại đây, anh tìm được những đức tin, triết lý cuộc sống cho bản thân. Như anh từng nói: "Ông trời không bất công với một ai cả, nhưng bản thân phải luôn cố gắng vươn lên trước đã".
Nhưng với đức tin của mình, sau 20 năm rời quê hương "gà ăn sỏi", mưu sinh giữa chốn Sài thành bằng đủ các nghề, sống ở những ngóc ngách chật hẹp, và đặc biệt là sau ngã rẽ bén duyên với môn cử tạ, chàng trai Hà Tĩnh tật nguyền năm ấy giờ đây đã là một người đàn ông "đã đánh bại cả thế giới", là một bờ vai vững chắc cho vợ con nương tựa.
Theo Trí thức trẻ
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn