Khi Nary chạm chân vào vạch cuối cùng của cuộc đua, một tình nguyện viên của Olympic Rio đã bước về phía cô với một lá cờ Campuchia. Nary cười rạng rỡ khi khoác lá cờ trên vai.
Thông thường người ta chỉ nhìn thấy hành động này ở những người chiến thắng. Nhưng Ly là vận động viên về đích cuối cùng của cuộc đua – chậm hơn những người thắng cuộc 56 phút.
Với thời gian 3 tiếng, 20 phút, 20 giây, cô là người về đích thứ 133, song những tràng pháo tay của khán giả cũng như các đối thủ dành cho cô vẫn vang lên.
Nary Ly năm nay 44 tuổi – là vận động viên lớn tuổi nhất trong bộ môn này.
Cô có một bằng Tiến sĩ sinh học và hiện đang nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm. Cô lớn lên dưới chế độ Khmer Đỏ của Pol Pot (chế độ đã thảm sát 2 triệu người Campuchia vào những thập niên 60, 70 – khoảng 25% dân số nước này thời điểm đó). Cô đã mất các anh chị em trong cuộc chiến này.
Trong một bài viết khá dài trên Facebook, Ly đã gửi lời cảm ơn tất cả những người đã ủng hộ và cổ vũ cô thực hiện ước mơ cả đời của mình.
“Bạn bè, gia đình và những người ủng hộ tôi ở Rio Olympic 2016 thân mến, cảm ơn tất cả mọi người rất nhiều về những tin nhắn và những bức ảnh thật cảm động mà các bạn đã đăng lên. Tôi thực sự vui khi được tương tác với mọi người trên đường đua. Họ đã cổ vũ rất nhiệt tình và la hét tên tôi, đất nước Campuchia của tôi” – bài viết nói.
“Một số người còn chạy dọc theo vỉa hè cùng tôi. Tới sân vận động Sambadromo, đám đông đã đứng dậy, la hét, cổ vũ và vỗ tay. Những nhân viên bảo vệ trên xe máy cũng bấm còi inh ỏi. Mọi người ở cả hai bên đề nghị được đập tay với tôi. Một cảm xúc mà tôi không thể diễn tả bằng lời” – Ly chia sẻ trên Facebook cá nhân.
Tháng 12 năm 2015, Ly trở thành người xuất sắc nhất tại Valencia Marathon với thành tích 2 giờ 59 phút 12 giây và giành một suất trong số 6 vận động viên của Campuchia tham dự Rio.
Tuy nhiên, Ly đã phải vượt qua rất nhiều sự kỳ thị để đến được với đấu trường Olympic.
Người ta nói rằng cô quá đen để đại diện cho Campuchia (sắc đẹp của phụ nữ được định nghĩa bằng làn da trắng sáng và việc luyện tập lâu dưới ánh nắng Mặt trời khiến da cô bị đen sạm).
Người ta cũng cho rằng cô quá già và quá chậm. Một số những lời nhận xét này tới từ những người ở chính liên đoàn thể thao ở Campuchia. Tuy nhiên, Nary đã có mặt ở đây, ở Olympic Rio để truyền cảm hứng cho tất cả mọi người.
Những khó khăn, trở ngại mà những vận động viên Olympic như Nary phải trải qua thật quá sức tưởng tượng: những vấn đề về phân biệt đối xử, sự nghi ngờ, vấn đề tài chính và những vết thương.
Những người giống như Nary Ly có thể không giành huy chương vàng nhưng họ là những con người quý như vàng.
Họ là minh chứng cho ý chí và tinh thần Olympic và họ là những đại diện tuyệt vời cho đất nước mình. Nary Ly đã làm đẹp hình ảnh đất nước Campuchia.
Đó cũng là một phần lý do tại sao Olympic hiện đại được hình thành vào năm 1896 để thúc đẩy tinh thần đoàn kết quốc tế.