Sau khi 8 trận đấu lượt đi vòng 1/8 Champions League mùa giải 2013-2014 kết thúc, người Tây Ban Nha, Đức và Pháp có thể mở tiệc ăn mừng, chỉ riêng người Ý và đặc biệt là người Anh không được nở nụ cười vì những kết quả tệ hại của các đội bóng quê nhà.
Trong tổng số 4 đội Anh góp mặt ở vòng 1/8, chỉ có duy nhất Chelsea là đội bóng không để thua khi cầm hòa Galatasaray trên đất Thổ Nhĩ Kỳ với tỉ số 1-1, 3 đội bóng còn lại là Man City, Arsenal và Man United đều nhận thất bại với cùng tỉ số 0-2 trước Barca, Bayern và Olympiacos.
Các đại diện của Premier League đã đua nhau thất bại ở vòng 1/8 (Ảnh: Getty) |
Mùa giải năm ngoái, lần đầu tiên sau 17 năm Premier League “sạch bóng” tại vòng tứ kết của giải đấu danh giá nhất châu lục. Năm nay, với những gì đang diễn ra rất có thể quá khứ đau buồn sẽ lại tái hiện trước mắt những người hâm mộ bóng đá Anh. Nếu nó trở thành sự thật thì đây là một kết cục không có hậu cho các CLB đang chơi bóng ở giải đấu “hấp dẫn nhất hành tinh”.
Bởi vì, trong quá khứ các đội bóng Anh chưa bao giờ chơi tệ đến thế khi tham gia đấu trường châu lục. Chỉ tính từ năm 2005 đến năm 2012, Premier League đã có 8 đại diện góp mặt ở trận chung kết Champions League gồm: Liverpool (2005 và 2007), Arsenal (2006), Chelsea (2008 và 2012) và Man United (năm 2008, 2009 và 2011).
Trong những cái tên kể trên thì có 3 câu lạc bộ giành chức vô địch Champions League là Liverpool, Man United và Chelsea. Sự vượt trội của bóng đá Anh thể hiện rõ ở mùa giải 2007-2008, khi họ có tới 3 đại diện góp mặt ở bán kết và 2 trong số đó đã giành quyền vào chơi trận chung kết tại Moskva là Man United và Chelsea. Tuy nhiên, ký ức đẹp và sự thống trị của các đội bóng Anh đã không còn khi ở mùa giải 2012-2013 họ đã không có nổi 1 đại diện ở vòng tứ kết.
Nếu như, Man City hai năm liên tiếp phải dừng chân ở vòng đấu bảng thì Chelsea còn tệ hơn khi trở thành đội ĐKVĐ Champions League đầu tiên không vào nổi vòng 1/8. Trong khi đó, Man United cũng gục ngã trước Real Madrid ở vòng 1/8. Đại diện còn lại của Premier League là Arsenal, tuy có khá khẩm hơn các đội bóng đồng hương khi hòa 3-3 với Bayern sau 2 lượt trận, nhưng vẫn phải chia tay Champions League vì luật bàn thắng trên sân khách.
Những sai lầm của trọng tài khiến các đội bóng Anh gặp nhiều bất lợi (Ảnh: AP) |
Ở mùa giải năm ngoái, HLV Wenger của Arsenal đã lý giải về sự sa sút của các đội bóng Anh khi cho rằng những đội bóng ở các nền bóng đá khác trong khu vực đã bắt kịp Premier League. Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến chủ quan của HLV người Pháp và nó chỉ đúng một phần. Bởi vì, ngoài những nguyên nhân vẫn còn một số nguyên nhân sau đây ảnh hưởng đến kết quả thi đấu của các đội bóng Anh.
Nguyên nhân đầu tiên tuy không thực sự thuyết phục, nhưng nó cũng ít nhiều tác động đến sức mạnh của các đội bóng chính là sự biến động trên băng ghế huấn luyện. Mùa giải năm nay, 3 trong số 4 đại diện của nước Anh đã thay tướng ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè là Man United, Chelsea và Man City. Chính sự thay đổi này đã khiến cho những đội bóng Anh thi đấu không thực sự thành công, điển hình là Man United.
Nguyên nhân thứ hai là yếu tố trọng tài khi đội ngũ những người “cầm cân nảy mực” luôn đưa ra những quyết định bất lợi cho các đội bóng của Premier League. Mùa giải năm ngoái, nếu không có chiếc thẻ đỏ “nhảm nhí” của Nani, thì có lẽ M.U mới là đội vào chơi ở vòng tứ kết chứ không phải Real Madrid, chính trọng tài Cuneyt Cakir (người Thổ Nhĩ Kỳ) đã cướp tấm vé của M.U.
Tuy nhiên, mọi thứ chưa dừng lại ở đó, ở mùa giải năm nay đến lượt Man City và Arsenal tiếp tục bị xử ép trong trận đấu với Barca và Bayern. Trong khi Man City bị trọng tài xử ép khi thổi penalty thì Arsenal còn bị đuổi thủ môn sau một pha va chạm hết sức bình thường giữa Szczesny với Roben. Tất nhiên những quyết định sai lầm đó đã ảnh hưởng lớn đến cục diện của trận đấu.
Lịch thi đấu dày đặc đã vắt kiệt sức của các đội bóng Anh (Ảnh: Getty) |
Nguyên nhân thứ ba đến từ lịch thi đấu dày đặc ở giải quốc nội. Nếu như ở các giải đấu ở Đức, Ý và Tây Ban Nha chỉ có giải vô địch quốc gia và cúp quốc gia hoặc Cúp Nhà Vua (ở Tây Ban Nha), thì ở Anh ngoài giải vô địch quốc thì có tới 2 giải đấu cúp nữa là Cúp Liên đoàn và Cúp FA. Tính ra, Man City, M.U, Arsenal và Chelsea đã phải căng sức ở 4 mặt trận.
Có những thời gian, 4 ông lớn của bóng đã Anh đã phải đối đầu với lịch thi đấu “tử thần”, trong đó có cả những cuộc đối đầu trực tiếp với nhau. Chelsea và Man City là ví dụ điển hình nhất, trước khi thi đấu ở đấu trường châu Âu, ở giải trong nước 2 đội đã phải “quyết chiến” với nhau 2 trận liên tục trong vòng 1 tuần ở Premier League và Cúp FA.
Theo Dương Thuật VOV
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn