nhưng vẫn chưa tìm được người thay thế
Thống kê chỉ ra số lượng huy chương các quốc gia Đông Nam Á gặt hái được tăng dần trong ba kỳ Olympic gần đây. Tại Olympic Sydney 2000, ba đoàn Việt Nam, Thái Lan và Indonesia thu về tổng cộng 10 huy chương. Trên đất Hy Lạp 4 năm sau đó, ở Athens 2004, Indonesia và Thái Lan giúp số huy chương này nhích thêm được một chiếc. Còn ở Olympic Bắc Kinh 2008, các quốc gia Đông Nam Á đạt bước tiến đáng kể khi cả thảy có năm đoàn tìm được huy chương gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam, kết thúc giải với 12 huy chương các loại.
Số lượng huy chương tăng dần trong các kỳ Olympic lẽ ra khiến người hâm mộ Đông Nam Á có quyền tiếp tục tin tưởng vào một kỳ Thế vận hội thành công nữa ở London. Nhưng trên thực tế, cơ hội đó rất mong manh.
Đâu rồi ngôi sao?
Đông Nam Á bao gồm 11 quốc gia đến tranh tài ở London đại diện cho dân số 600 triệu người, nhưng số vận động viên đến được Olympic lại quá ít. Ngay cả quốc gia được “anh cả” ở các đấu trường thể thao đỉnh cao là Thái Lan cũng chỉ có 37 vận động viên tranh tài ở 15 môn thi, số lượng ít nhất trong ba kỳ Olympic gần đây. Khiêm tốn hơn, đoàn thể thao có truyền thống gặt hái huy chương đều đặn từ Olympic 1992 đến nay là Indonesia cũng chỉ mang đến Olympic London 21 vận động viên. Những con số nêu trên thật sự là đáng báo động với thể thao Đông Nam Á.
Số lượng đã ít, chất lượng của thể thao Đông Nam cũng không cao khi những niềm hy vọng vàng như lá mùa thu. Malaysia tự hào sở hữu tay vợt cầu lông hạng hai thế giới Lee Chong Wei, người đang được kỳ vọng rất nhiều ở London. Song tay vợt này không có được bước chuẩn bị tốt cho Olympic London 2012 do vừa hồi phục chấn thương mắt cá chân hồi tháng 5. Thậm chí, trưởng đoàn thể thao Malaysia, ông Tun Ahmad Sarji, trước giải còn không dám nói rõ tình hình sức khỏe của tay vợt từng đoạt huy chương bạc Olympic Bắc Kinh 2008 với tuyên bố chấn thương của Lee Chong Wei là “bí mật quốc gia”.
Một đoàn thể thao Đông Nam Á khác cũng rất mạnh ở môn cầu lông là Indonesia cũng không cho thấy được nét tích cực nào. Ở các giải đấu quan trọng Thomas Cup và Uber Cup diễn ra hồi tháng 5, đội cầu lông nam và nữ Indonesia đều phải dừng bước ở tứ kết. Chưa hết, tin dữ còn xảy đến với cầu lông Indonesia khi huấn luyện viên tài năng Li Mao quyết định chia tay đội chỉ ba tuần trước khi Olympic London khởi tranh.
Trong khi đó, quyền anh được xem như môn hái vàng của đoàn thể thao Thái Lan ở các kỳ Olympic. Nhưng lúc này người ta chỉ thấy một sự bi quan bao trùm cả đội. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên báo Bangkok Post, cựu huấn luyện viên tuyển quyền anh Thái Lan Juan Fontanils nhận xét có rất ít cơ hội để các tay đấm tái hiện chiến tích giành huy chương vàng như ở Sydney, Athens và Bắc Kinh. Thế hệ đó tuổi tác đã cao và chưa có người thay thế và ba võ sĩ Thái Lan tranh tài ở London sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và những thách thức rất đáng gờm. Cựu chủ tịch liên đoàn quyền anh Thái Lan Taweep Jantararoj bày tỏ: “Thật đáng buồn khi quyền anh Thái Lan không để lại ấn tượng gì mấy trong bốn năm qua. Tại Olympic sắp tới, tôi nghĩ khả năng cạnh tranh huy chương của các tay đấm sẽ không cao bởi ở bộ môn này, một tay đấm dưới 25 tuổi luôn tỏ ra vượt trội hơn đối thủ nhờ có sự dẻo dai về thể lực và rất lỳ đòn”.
Thái Lan, Maylaysia và Indonesia, những tên tuổi cộm cán trong khu vực đều có khó khăn khác nhau về mặt chuyên môn trước thềm Olympic. Câu hỏi đặt ra là vì đâu các quốc gia vốn rất có tiềm lực lại vấp phải những trục trặc ấy? Câu trả lời rất rõ ràng: quản lý kém và thiếu nguồn tài trợ.
Hệ quả nhãn tiền
Không tiền, các liên đoàn thể thao hoạt động kém hiệu quả và sự đầu tư chỉ mang tính nhỏ giọt, ngắn hạn, giấc mơ vàng Olympic ngày càng xa với Đông Nam Á. Thật ra xưa nay, Olympic trong suy nghĩ của nhiều nhà chức trách thể thao ở khu vực vùng trũng đã đồng nghĩa với một sân chơi… không thể với tới. Từ đó, các cơ quan phụ trách thể thao cũng không mạnh tay đầu tư đúng mực vào các khu tập luyện nhằm đào tạo ra thế hệ vận động viên đỉnh cao có thể đáp ứng mọi đấu trường. Ngược lại, nhìn quanh, ngay cả những nước có nền kinh tế không mạnh như Jamaica, Kenya hay Cuba còn được trang bị cơ sở hạ tầng thể thao hiện đại. Còn với thể thao Đông Nam Á, đây lại là một lỗ hổng lớn.
Đó còn chưa kể nạn tham nhũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tài trợ thể thao. Bằng chứng là vụ bê bối rút ruột công trình xây dựng các dự án SEA Games ở Indonesia hồi năm ngoái vẫn còn sờ sờ trước mắt.
Ngoài ra, khả năng quản lý không hiệu quả của các quốc gia cũng ảnh hưởng lớn đến mục tiêu và tâm lý thi đấu của các vận động viên. Nhiều nước tư duy tham dự Olympic chỉ cho có mặt. “Một lượng lớn vận động viên Đông Nam Á không mặn mà gì mấy với Olympic, thậm chí ngay cả khi giải đấu đã gần kề. Họ nghĩ rằng khó có cơ hội vượt qua vòng loại Olympic, do đó chỉ tập trung vào các giải đấu có quy mô nhỏ như vô địch quốc gia hay SEA Games”, hãng tin AFP dẫn lời chuyên gia chuyên gia người Úc Greg Wilson, cố vấn cho Ủy ban Olympic Indonesia.
Hồi đầu tuần rồi, đích thân Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của Indonesia đã có bài phát biểu khích lệ các vận động viên nước này tham dự Olympic London. Ông cũng nhấn mạnh bản thân mỗi vận động viên không nên thi đấu với tâm lý làm sao chỉ giành được một huy chương vàng như các kỳ Olympic trước đây, mà ngược lại, hãy trình diễn bằng tất cả khả năng có thể. “Các bạn không có gì phải sợ những đối thủ khác cả. Mỗi người đều có một điểm mạnh và yếu riêng”, ông Yudhoyono nói. Từ Olympic Barcelona 1992 tới này, mỗi kỳ Thế vận hội Indonesia đều có một huy chương vàng. Điều này làm dấy lên tâm lý thành tích làm sao giành được một huy chương vàng là coi như đoàn Indonesia xong nghĩa vụ.
Nhìn xa hơn vào tương lai, công tác đào tạo trẻ của thể thao Đông Nam Á cũng bị bỏ sót trong thời gian qua. Lee Chong Wei có thể xem như một ví dụ điển hình. Đẳng cấp và tài năng của tay vợt người Malaysia có lẽ không phải bàn đến, nhưng anh không còn trẻ nữa (29 tuổi) trong môn cầu lông, nhưng người ta vẫn chưa tìm thấy một ai có thể kế tục xanh xứng đáng.
Quyền anh Thái Lan cũng chung số phận khi trong những năm qua đã không có tài năng trẻ nào đáng kể. Vậy mới có chuyện cả ba võ sĩ quyền anh của Thái tranh tài ở Olympic sắp tới đều trên 25 tuổi (Kaew, 32 tuổi, Chatchai, 27 tuổi và Sailom, 26 tuổi). “Nỗi lo lớn nhất lúc này chính là thể thao khu vực sẽ sụp đổ. Nếu không thể đào tạo được những vận động viên trẻ và xuất sắc trong tương lai, chúng ta sẽ không thể cạnh tranh với các quốc gia khác”, hãng tin AFP dẫn lời chuyên gia Thái Lan Santiparb Tejavanija, cố vấn Hội đồng Olympic châu Á.
Theo Nguồn: thethaovanhoa.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn