Kết thúc điền kinh, ngôi nhất toàn đoàn thuộc về Thái Lan với 17 HCV, kế đến Việt Nam 11 HCV, Indonesia 7 HCV, Philippines 5 HCV, Singapore và Malaysia mỗi nước 3 HCV.
Đỗ Thị Thảo dẫn đầu và vô địch cự ly 1.500 m nữ là hình ảnh tiêu biểu cho sự tiến bộ của điền kinh Việt Nam mà Thái Lan rất ái ngại. Ảnh: QUANG THẮNG
Năm nay điền kinh Việt Nam thiếu hai nữ hoàng Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng (giã từ đường đua). Nếu Nguyễn Thị Oanh vẫn chưa đảm bảo “vàng” của đàn chị Vũ Thị Hương thì Đỗ Thị Thảo đã xứng đáng thế vai đàn chị Trương Thanh Hằng ở nội dung
1.500 m, khẳng định những cự ly trung bình Việt Nam đang làm trùm Đông Nam Á cùng các nội dung nhảy ba bước nam, 10 môn phối hợp…
Trò chuyện với báo chí, chuyên gia điền kinh nổi tiếng của đội điền kinh Thái Lan Supanas Ariyamongkol cho biết điều ông cảm thấy lo lắng nhất, gọi là sự đe dọa cho toàn Đông Nam Á là trào lưu Philippines gọi về các VĐV đến từ Mỹ. Các VĐV này có thể hình cao to, sinh sống và tập điền kinh tại Mỹ và chỉ SEA Games diễn ra thì họ về khoác áo tuyển lấy vàng. Đây là sự bất hợp lý làm cản sự phát triển của điền kinh Đông Nam Á mà thiết nghĩ Ủy ban Olympic Đông Nam Á phải có biện pháp tốt hơn.
Tại SEA Games 28, hai VĐV cự ly ngắn của Philippines cả năm được ăn, tập, sinh hoạt theo chế độ VĐV nhà nghề của Mỹ là Eric Cray và Kayla Richardson đã mang về cho Philippines 5 HCV. Và đó lại là mục tiêu của điền kinh nhiều quốc gia tốn kém đầu tư cho VĐV của mình.
Có một thông tin thú vị là khi biết Vũ Thị Hương của Việt Nam từng “làm trùm” nội dung 100 m và 200 m tại nhiều kỳ SEA Games đã giã từ đường đua thì HLV Supanas của Thái Lan đưa VĐV trẻ Tassaporn Wannakit vào với chiến thuật “thâu tóm vàng”. Thế nhưng kế sách của Thái Lan đã bị Kayla Richardon của Philippines chặn đứng. Còn nội dung 100 m nam Erick Cray lại làm hỏng mục tiêu bảo vệ thành công vàng của VĐV Jirapong Meenapra mà Thái Lan rất kỳ vọng.
Nhận xét về bức chân dung điền kinh Đông Nam Á, HLV Supanas nói: “Thái Lan vẫn dẫn đầu và thậm chí vượt chỉ tiêu (chỉ tiêu 14 nhưng đoạt 17 HCV) nhưng hai sự đe dọa mới là điền kinh Việt Nam tiến bộ vượt bậc với nhiều VĐV trẻ giàu triển vọng và có sự đầu tư đúng hướng. Nỗi đe dọa thứ hai là làn sóng săn lùng VĐV Mỹ mang hai dòng máu Mỹ-Phi mà Philippines có thể hủy hoại cả sự phát triển tự nhiên của điền kinh khu vực. Tất nhiên tôi trân trọng với bước phát triển vững bền và “tự thân” của điền kinh Việt Nam hơn”.
Trong khi đó, điền kinh của Indonesia và Malaysia đi xuống nhưng theo như các chuyên gia nhìn nhận thì việc đi xuống này là tạm thời vì hai nước này đang đầu tư cho các tuyến trọng điểm dành cho Asiad 2018.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn