Cũng vì “chỉ đạo” ngoài sân cỏ đấy mà bóng đá TP.HCM trước mỗi mùa giải vô địch, các chỉ đạo viên hay được quán triệt với câu “Bóng đá TP.HCM phải nhìn nhau mà đá”. Câu truyền miệng này bao giờ cũng được ông Giám đốc Sở TDTT TP.HCM nhắc công khai trong cuộc họp trước mùa giải và nhấn mạnh với các chỉ đạo viên vốn là đại diện của các ban, ngành có đội bóng tham dự giải.
Cũng vì chỉ đạo đấy mà hồi đó năm 1985 trên sân Gò Đậu, đội Quân khu Thủ đô trong trận đá với Cảng Sài Gòn đã tự sút bóng vào lưới nhà đến lần thứ ba mới thành công để ngăn Cảng Sài Gòn không thắng quá 2 bàn mà lấy suất đá chung kết của CA Hà Nội với Thể Công. Sau vụ việc trên, Cục Quân huấn đã ra tay “trảm” trực tiếp những người tham gia chỉ đạo trận cầu xấu hổ vì làm mất đi hình ảnh đội bóng quân đội.
Cũng vì chỉ đạo đấy mà trận bán kết giải A2 toàn quốc trên sân Buôn Mê Thuột, đội Sông Bé bị đè ngửa và bị trọng tài xử trắng trợn khiến toàn bộ khán giả không chịu ra về vì bất bình với kiểu đình hành của người trong cuộc trong khi cầu thủ Sông Bé vì uất ức mà bị “đòn” ngay trên sân đến mềm người và bà Phó Chủ tịch tỉnh khóc sướt mướt bởi sự bất công của bóng đá có chỉ đạo.
Lại cũng vì chỉ đạo ngoài sân đấy mà trận chung kết năm 1991 trên sân Thống Nhất, nhiều người hâm mộ xứ Quảng ngỡ ngàng với một Quảng Nam Đà Nẵng chơi thật hay, nhưng lại để thua Hải Quan ở loạt luân lưu định mệnh...
Danh từ chỉ đạo viên mất hẳn khi bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp nhưng bây giờ trước khi đội U23 Việt Nam và các đội bóng đá khác lên đường dự SEA Games 27 thì người hâm mộ lại nghe cái tên BAN CHỈ ĐẠO các đội tuyển.
Nhiều dấu hỏi xung quanh việc VFF thành lập ban chỉ đạo riêng
Tại sao không phải là chỉ đạo từ khi bóng đá Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games, hay từ những lộ trình cho cả một chiến dịch mà phải đợi đến sát SEA Games mới có cái ban này?
Tại sao bóng đá là một môn nằm trong sự quản lý của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games mà phải có một Ban chỉ đạo riêng? Và nếu thế thì vai trò của Bộ VH-TT&DL, vai trò của Tổng cục TDTT để ở đâu?
Liệu bóng đá Việt Nam có cần phải ra đời một Ban gồm những 12 thành viên và đông đủ các con người “có máu mặt” theo dõi đội tuyển đá ở Myanmar để làm công việc chỉ đạo?
Hãy thử tưởng tượng 11 cầu thủ ra sân, nhưng lúc nào cũng nằm dưới sự giám sát của một đội ngũ đông và dày như thế thì họ sẽ nghe ai và có toàn tâm được hay không. Đó là chưa kể với một Ban chỉ đạo to đùng như thế thì vai trò của ông HLV và ông Trưởng đoàn gắn với đội bóng để làm gì?
Trong các đời HLV ngoại như Weigang, Riedl, Calisto... các ông này rất sợ việc cầu thủ thi đấu giải mà các quan chức thăm nhiều quá và chỉ đạo nhiều quá. Có lần ông Riedl tâm sự rằng ông vui với sự động viên kịp thời của các quan chức, nhưng rất sợ việc chỉ đạo khi đội sắp có thành tích bởi nó làm cầu thủ phân tâm và ngán ngẩm với những từ sáo rỗng, đồng thời có khi giẫm chân cả HLV trưởng lẫn trưởng đoàn.
Với Ban chỉ đạo hiện nay, nhiều người rất ngạc nhiên bởi sự tham gia của nhiều thành phần cứ như là thêm nhiều cho xôm tụ, hoặc có mặt kiểu “đi ăn cỗ”.
Nếu thực sự là VFF muốn có sự chỉ đạo xuyên suốt và sáng suốt thì việc đấy nên làm thường xuyên từ khi các đội tuyển mới phôi thai trên giấy. Sự chỉ đạo trong những lúc đấy mới thật cần thiết và nó mang nhiều ý nghĩa thiết thực hơn là chỉ đạo khi bàn tiệc đã gần dọn ra.
Cũng cần phải thành thật với nhau khi nhìn vào những con người ở ban huấn luyện hiện nay. Nếu cảm thấy bất an với công tác chuyên môn thì một cố vấn chuyên môn là đủ. Còn nếu cảm thấy ông trưởng đoàn chưa đủ cơ để chỉ đạo một đội tuyển thì đặt vào đấy một ông trưởng đoàn bản lĩnh hơn, nghị lực hơn thế là xong.
Nhân chuyên nà cũng cần phải nhắc lại hồi U19 Việt Nam thi đấu vòng loại châu Á tại Malaysia họ có cần một Ban chỉ đạo hoành tráng và nhiều tự như thế đâu nhưng vẫn làm được việc. Chuyện bữa ăn của cầu thủ có vấn đề thế là chỉ cần một báo cáo của HLV trưởng và ông trưởng đoàn thế rồi ở Việt Nam những người có trách nhiệm mà chủ yếu là bầu Đức và các cộng sự của ông cùng chạy, thế là chỉ 2 ngày sau cầu thủ U19 đã có cả nhóm đầu bếp với chuyên gia dinh dưỡng giúp sức.
Chuyện chỉ đạo ở đây nên được hiểu đúng và làm đúng đó là trao cho những người có quyền hành nhất định làm đúng phần việc của mình và có bộ máy bên ngoài giúp việc chứ không phải là khai cho đông như để có suất, có phần. Nếu không thì rất dễ dẫn đến tình trạng “lắm thầy thối ma” và giẫm chân nhau đủ kiểu.
Mong là SEA Games sắp tới và bóng đá Việt Nam không tự làm khó mình với những ban bệ không giống ai.
Mong là trong thời đổi mới người ta tinh giảm biên chế để hiệu quả và giao đúng người đúng việc thì VFF đừng bày vẽ, tô thêm nhiều bộ phận để sống lại với thời bao cấp có nhiều người chỉ đạo và nếu thắng lợi thì là công chung, còn thất bại thì chẳng ai chịu trách nhiệm cả.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn